Tài chính quốc tế

Trung Quốc khánh thành cầu vượt biển dài nhất thế giới: Kẻ mừng, người lo

(VNF) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố chính thức khánh thành cầu nối Hong Kong - Macau - Trung Quốc đại lục vào sáng nay (23/10). Với chiều dài 55km cùng tổng chi phí xây dựng lên đến 20 tỷ USD, cây cầu đóng vai trò trung tâm trong dự án phát triển "Vùng vịnh Rộng lớn" (Greater Bay Area) của Trung Quốc.

Trung Quốc khánh thành cầu vượt biển dài nhất thế giới: Kẻ mừng, người lo

Trung Quốc chính thức khánh thánh cầu vượt biển dài nhất thế giới.

Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, diễn ra trên một hòn đảo nhân tạo thuộc thành phố Chu Hải, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính khẳng định cầu sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của chính sách "một quốc gia, hai chế độ".

"Nó tạo điều kiện cho người dân ở ba khu vực trao đổi kinh tế thương mại lớn hơn, tăng cường năng lực cạnh tranh của đồng bằng sông Châu Giang", ông Hàn nói thêm.

Lễ khai trương cây cầu đánh dấu một bước ngoặt trong tham vọng lớn hơn của Bắc Kinh nhằm phát triển khu vực vịnh Greater Bay Area - một trung tâm kinh tế năng động bao gồm Hong Kong, Macau và 9 thành phố thuộc tỉnh Quảng Đông, cạnh tranh với thung lũng Silicon của Mỹ ở California.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại lễ khánh thành cầu nối Hong Kong - Macau - Trung Quốc đại lục.

Đi vào hoạt động sau 9 năm xây dựng, siêu dự án này giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa Hong Kong - Chu Hải - Macau từ 3 tiếng xuống chỉ còn 30 phút.

Trung Quốc hy vọng cây cầu này sẽ mở ra những cơ hội mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành  du lịch trong thời gian tới.

Cây cầu sẽ tạo điều kiện giúp hàng hóa sản xuất bởi nhà máy ở bờ tây dễ xuất khẩu hơn từ sân bay và cảng biển ở bờ đông, bao gồm sân bay quốc tế Hong Kong, sân bay trung chuyển hàng tấp nập nhất thế giới.

Trung Quốc hy vọng cây cầu này sẽ mở ra những cơ hội mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Là cây cầu vượt biển dài nhất thế thới, công trình được thiết kế để chịu được động đất 8 độ, cũng như những siêu bão cực lớn. Thậm chí, nó có thể đứng vững dù bị một tàu hàng siêu lớn tông trực diện. Cây cầu là sự kết hợp của 400.000 tấn thép, gấp 4,5 lần số thép được dùng để tạo nên cầu Cổng vàng ở San Francisco, Mỹ.

Khi đi qua tuyến hàng hải tấp nập, cây cầu được làm ngầm dưới đáy biển. Đoạn đường hầm này dài 6,7km, với hai điểm là hai hòn đảo nhân tạo với diện tích 100.000m2.

Siêu dự án giúp rút ngắn thời gian đi lại giữa Hong Kong - Chu Hải - Macau từ 3 tiếng xuống chỉ còn 30 phút.

Theo website dự án, cầu được thiết kế để hoạt động trong 120 năm. Đội kỹ sư cũng cân nhắc khả năng chịu bão, dòng nước và tiêu chuẩn môi trường khác trong bản thiết kế. Dự án quy tụ hàng loạt chuyên gia từ Anh, Mỹ, Nhật và ít nhất 11 nước khác trong quá trình xây dựng.  

Tuy được phần lớn người dân Trung Quốc mong chờ nhưng cây cầu lại khiến nhiều người sống tại Hong Kong cảm thấy lo ngại.

Những người chỉ trích cho biết họ chẳng có mấy nhu cầu kết nối tới Macau hay Chu Hải nhưng việc xây dựng cây cầu có thể khiến du khách Trung Quốc ồ ạt tới đặc khu hành chính này, khiến cuộc sống vốn rất chật chội ở đây trở nên ngột ngạt.

Những lo ngại này không hoàn toàn vô căn cứ. Năm 2016, Hong Kong đón 56,7 triệu du khách, lớn hơn nhiều so với 37,6 triệu người đến thăm Vương quốc Anh dù diện tích bé hơn rất nhiều.

Xem thêm >> Thân tín của Thái tử Arab Saudi ra lệnh cho thuộc hạ 'mang đầu' Khashoggi về

Tin mới lên