Trước ngưỡng 'suy thoái', bất động sản đồng loạt sa thải nhân sự
Nam Phương -
04/12/2022 21:22 (GMT+7)
(VNF) - Trước tình hình thị trường bất động sản ở ngưỡng "suy thoái", nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải thu hẹp quy mô hoạt động, buộc giảm đến 50% lực lượng lao động. Giải pháp nào để làn sóng sa thải nhân viên dừng lại?
Giảm nhân sự, cắt lương thưởng
Trong một văn bản vừa gửi Thủ tướng, lãnh đạo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) đã đề cập tới hàng loạt những khó khăn mà doanh nghiệp địa ốc phải đối mặt, trong đó nổi lên chuyện cắt giảm nhân sự.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thì có tập đoàn phải giảm đến 40%- 50% lực lượng lao động. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải bán dự án, thu hẹp quy mô đầu tư kinh doanh.
Trao đổi với báo giới, nguyên Chủ tịch HĐQT Novaland Bùi Xuân Huy cũng cho biết, phải quyết định tạm dừng nhân sự cho các dự án dài hơi hơn, những dự án quyết định chuyển chiến lược phát triển sau này. Đây là giải pháp tình thế để giải quyết những việc trước mắc.
Một nhân viên kinh doanh của Novaland cho hay, đơn vị liên tục phải họp đã cùng ngồi lại với nhau để phân chia, bố trí nhân lực một cách hợp lý. Hiện tại, công ty hướng đến sự kiêm nhiệm, đa nhiệm nhiều hơn. Do Novaland cũng tạm hoãn đầu tư các dự án chưa triển khai, chờ đợi thời điểm phù hợp hơn nên nhiều nhân sự cũng tự tìm công việc mới.
Còn tại một công ty đầu tư bất động sản tại quận 12, giám đốc nhân sự cho hay, công ty đã buộc phải tinh giảm hơn 50% nhân viên nhân viên bán hàng (sales). Nguyên do cũng vì thiết hụt nguồn cung. “Hiện công ty đang rất "đói" nguồn hàng, không có hàng bán. Đây là thực trạng chung của các doanh nghiệp bất động sản TP. HCM hiện nay. Trước khó khăn này chúng tôi buộc phải tinh giảm biên chế, cắt bỏ 50% nhân sự chủ yếu là sales", vị giám đốc này nói.
Công ty Bất động sản Hoàng Thiên Minh (Nhà Bè TP. HCM) đang "loay hoay" đổi chiến lược. "Không doanh nghiệp nào lại muốn mình rơi vào thế khó, nhưng hiện nay dường như không còn lựa chọn, tất cả doanh nghiệp bất động sản tại TP. HCM đang buộc phải chọn đường đi khó nhất. Trước đây, công ty chúng tôi luôn đặt quyền lợi của nhân viên rất cao, cụ thể là việc trả lương đúng hạn, đi du lịch, tiền thưởng vào các ngày lễ... Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi buộc phải "cắt" hết các khoản đó, kể cả tiền lương. Và cũng phải cho nghỉ khoảng 20% nhân sự", đại diện DN chia sẻ.
Một sàn giao dịch bất động sản có tiếng tại TP. Thủ Đức mới đây cũng vừa ngậm ngùi giảm đợt hai nhân lực. Chị Chi Mai, giám đốc nhân sự cho hay trước đây, số tiền lương thưởng một tháng để chi trả cho nhân viên lên đến vài chục tỷ đồng. Thế nhưng, hiện không có nguồn hàng, nhân viên không có việc nên chúng tôi buộc phải tinh giảm hơn 150 nhân viên để giảm khó khăn về tài chính. Biết điều này sẽ gây khó khăn cho nhiều nhân viên nhưng thật sự doanh nghiệp chúng tôi cũng không còn cách nào khác". Trước đó, vào tháng 9, công ty này đã có một đợt sa thải lớn khác, khoảng 100 nhân viên. Số lượng nhân viên của sàn giao dịch này hiện chỉ còn gần 80 người.
“Một người mất việc là cả gia đình lao đao, xót xa lắm nhưng chúng tôi đúng là cực chẳng đã”, chị Mai ngậm ngùi.
Giải pháp “bó đũa chọn cột cờ”?
Bàn về giải pháp làm thế nào để chấm dứt được làn sóng sa thải nhân viên, Chị Vũ Hồng Lam, giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại TP. Thủ Đức cho rằng, bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì rất cần sự tiếp sức của Chính phủ và cơ quan quản lý nhà nước, cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời để thị trường phát triển ổn định, lành mạnh. Trong đó, vấn đề đảm bảo dòng tiền luân chuyển, lưu thông trên thị trường được doanh nghiệp nhấn mạnh.
"Hiện việc tung dự án bán mới rất khó, ngay cả khách hàng đang trong giai đoạn nhận nhà cũng bị ảnh hưởng khi nguồn vốn thắt chặt lại", chị Lam nói.
Nghiên cứu kiến nghị giải pháp tháo gỡ thị trường hiện nay của HoREA, chị Hồng Lam cho rằng giải pháp lớn nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính thống nhất để phát triển thị trường bất động sản an toàn, bền vững. Nhưng thời gian thực hiện còn xa.
“Tôi ủng hộ giải pháp cuối của HoREA là đề nghị Bộ Xây dựng trình Chính phủ xem xét lựa chọn khoảng 10 tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản lớn có nhiều dự án bị "vướng mắc" pháp lý phải dừng thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng, dừng thực hiện thi công, dừng các thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho khách hàng để tập trung tháo gỡ, tạo niềm tin và "cú huých" cho thị trường bất động sản”.
Nhân lực lao động thiếu vắng trên công trường xây dựng do thị trường BĐS ảm đạm
Theo anh Nguyễn Thông, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản ở Quận 7 thì chỉ có cách “bó đũa chọn cột cờ” để ứng cứu như vậy thì mới giải quyết nhanh những khó khăn đang bị hiệu ứng domino như hiện nay.
"Chỉ cần 10 tập đoàn lớn, có sức ảnh hưởng toàn thị trường được giải cứu thì theo đó, các đơn vị nhỏ hơn cũng được “hà hơi thổi ngạt". Bất động sản liên quan rất nhiều tới những công ty cung cấp dịch vụ khác như các công ty xây dựng, cung cấp vật liệu xây dựng, sàn giao dịch mua bán bất động sản, nội thất… Bởi vậy, “sự sống” của những con chim đầu đàn rất quan trọng”.
Nhiều doanh nghiệp cho hay, cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhất là các doanh nghiệp thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, có dự án đảm bảo yếu tố pháp lý.
“Không có việc để làm, không có hàng để bán, ai cũng ngồi chơi xơi nước, là thực tế ở lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản ở TP. HCM, cần phải khơi thông các dự án đã gần đủ yếu tố pháp lý, nước đã đến chân rồi, không nhảy là chết chìm. Đợt dịch covid -19 năm 2021, sa thải nhân sự hết, các em về tỉnh, đi bán hàng online, làm đủ nghề khác, rồi đầu năm nay vừa tuyển dụng vừa đào tạo xong thì lại đối mặt với làn sóng sa thải nhân sự lần hai. Xót xa lắm, nhưng không còn cách nào khác. Sau này có triển dự án, thực sự lại tốn kém chi phí và rất khó kiếm tìm người giỏi”, chị Hà Thu Minh, Giám đốc điều hành của Công ty bất động sản Bình Minh than vãn.
Nói về giải pháp, chị Minh cho rằng đến giờ này không còn thời gian để cãi nhau nữa. “Cần phải thực sự có một cơ quan đủ quyền lực để đứng ra quyết định cho những dự án “chạy” thật nhanh, không đùn đẩy trách nhiệm nữa, nghẽn ở đâu thì tháo luôn ở đấy. Nhiều doanh nghiệp đã bỏ ra một nguồn vốn rất lớn để giải phóng mặt bằng và thực hiện các công tác đầu tư hoàn chỉnh chỉ cần một chữ ký. Nhiều doanh nghiệp lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, bị đọng vốn kéo dài, chịu lãi vay tăng cao, buộc sa thải nhân lực. Nếu không nhanh thì không còn là câu chuyện nồi cơm của mỗi gia đình nhân viên bị sa thải nữa mà thậm chí nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản, sẽ là gánh nặng cho cả xã hội”, chị Minh chia sẻ.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.