Tỷ phú nhôm Oleg Deripaska: Nước Nga có thể 'hết tiền' vào năm 2024

Linh Anh - 03/03/2023 09:44 (GMT+7)

(VNF) - Nhà tài phiệt Nga Oleg Deripaska mới đây đã đưa ra cảnh báo hiếm hoi rằng Moscow có thể cạn kiệt tiền mặt ngay trong năm tới, trừ khi nhận được nguồn đầu tư của các quốc gia "thân thiện".

VNF
Oleg Deripaska, từng là chủ tịch của En+ Group, một công ty năng lượng của Nga, và đứng đầu công ty nhôm lớn thứ hai thế giới United Company Rusal.

Phát biểu tại Diễn đàn kinh tế Krasnoyarsk ở Siberia hôm 2/3, nhà tài phiêt 55 tuổi cho biết ông "rất lo lắng rằng nhà nước và doanh nghiệp không đồng nhất quan điểm" và thừa nhận việc giảm leo thang chiến sự Nga - Ukraine có thể sẽ không xảy ra trước năm 2025, yếu tố có khả năng khiến các nhà đầu tư phương Tây tránh xa Nga cả thập kỷ nữa.

“Sẽ không có tiền trong năm tới. Chúng tôi sẽ cần các nhà đầu tư nước ngoài", ông trùm ngành nhôm Deripaska, cho biết. Người đã thành lập tập đoàn công nghiệp Nga Basic Element cũng nói thêm rằng các quỹ đang cạn kiệt và “đó là lý do tại sao chính phủ đã bắt đầu làm chúng tôi thất vọng”. 

“Nga nên tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường”, tỷ phú Deripaska nói, đồng thời cảnh báo về hậu quả “nghiêm trọng” của các biện pháp trừng phạt đang được áp đặt đối với Nga.

Theo Bloomberg, đây là lời chỉ trích hiếm hoi của một tài phiệt Nga đối với chính phủ. Hơn nữa, ông Deripaska trước đó còn là một tỷ phú bị phương Tây đánh giá là có quan hệ với Điện Kremlin và cũng bị áp lệnh trừng phạt. 

Phát ngôn của tỷ phú hàng đầu nước Nga được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Putin tuyên bố sẽ không cắt giảm chi tiêu quân sự và tuyên bố sẽ chi tiêu "không giới hạn" cho cuộc chiến tại Ukraine.

Bên cạnh đó, lời cảnh báo của ông trùm ngành nhôm cũng được đưa ra khi cơ quan xếp hạng châu Âu Scope cảnh báo rằng thâm hụt ngân sách của Nga có thể tăng lên 3,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với dự báo của chính phủ là 2% GDP. Vào năm 2022, mức thâm hụt chính thức là 2,3%.

Scope cho biết điều này là do doanh thu từ xuất khẩu dầu và khí đốt thấp hơn khi phương Tây từ bỏ nguồn năng lượng của Nga. 

“Các biện pháp trừng phạt và chiến sự đang hạn chế tính linh hoạt tài chính của Nga, do doanh thu từ xuất khẩu năng lượng thấp hơn, chi tiêu liên quan đến chiến tranh cao hơn và GDP giảm dần”, báo cáo của Scope cho biết.

Cơ quan xếp hạng cho biết chi tiêu khổng lồ của Nga cho chiến sự sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế của nước này trong dài hạn, bởi vì nó phải trả giá bằng các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, số hóa, nhà ở và bảo vệ môi trường.

Xem thêm >> Vượt Mỹ, Trung Quốc 'đi tắt đón đầu' ở nhiều lĩnh vực công nghệ mới nổi

Theo Bloomberg, Forbes, The Guardian
Cùng chuyên mục
Tin khác