Ủy ban Pháp luật đề nghị chủ đầu tư nhà ở thương mại góp kinh phí xây nhà ở xã hội

Kỳ Thư - 05/06/2023 14:41 (GMT+7)

(VNF) - Dự thảo luật Nhà ở sửa đổi đề xuất không quy định bố trí 20% diện tích đất trong dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để xây dựng nhà ở xã hội. Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

VNF
Ủy ban Pháp luật đề nghị chủ đầu tư nhà ở thương mại góp kinh phí xây nhà ở xã hội

Ưu tiên quỹ đất cho nhà ở xã hội

Hôm nay (5/6), Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) sau khi nghe Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, thừa ủy quyền Thủ tướng, đọc tờ trình dự luật này.

Cụ thể như việc quy hoạch, bố trí quỹ đất, xác định diện tích đất ở dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. 

Quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chưa thống nhất với pháp luật về thuế, đầu tư, đầu tư công...

Cũng theo ông Nghị, quy định cứng phải dành tỷ lệ tối thiểu 20% diện tích nhà ở xã hội để cho thuê trong các dự án nhà ở xã hội và chủ đầu tư chỉ được bán sau 5 năm đưa vào sử dụng dẫn đến tình trạng quỹ nhà ở xã hội để cho thuê để trống, lãng phí, trong khi đó chủ đầu tư không được bán dẫn đến không thu hồi được vốn.

Bên cạnh đó, giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội chưa tính đến các chi phí hợp lệ, hợp lý khác như chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp..., trong khi lợi nhuận định mức không vượt quá 10% đã làm nản lòng các chủ đầu tư do lợi nhuận thu được quá thấp.

Ông Nghị cũng cho biết, để sớm khắc phục những hạn chế này, đẩy nhanh việc thực hiện xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, góp phần tăng nguồn cung về nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất một số quy định về nhà ở xã hội sẽ có hiệu lực thi hành ngay sau khi luật Nhà ở sửa đổi được công bố để áp dụng được ngay.

Đề nghị chủ đầu tư nhà ở thương mại góp kinh phí xây nhà ở xã hội

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết dự thảo Luật quy định việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh; đồng thời bổ sung quy định UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư cho các dự án nhà ở xã hội.

Để bảo đảm tính minh bạch, khả thi và nâng cao trách nhiệm thực thi của chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị mà ngân sách địa phương được hưởng phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.

Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, theo quy định của Luật Nhà ở hiện hành, ngoài việc bố trí 20% quỹ đất thì chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị còn phải đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cho khu đất xây dựng nhà ở xã hội, nếu chỉ trích phần tiền sử dụng đất, tiền thuê đất thì thực chất vẫn là lấy từ tiền ngân sách Nhà nước.

Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu quy định bổ sung trách nhiệm đóng góp kinh phí xây dựng nhà ở xã hội của các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.

Về ưu đãi đối với chủ đầu tư nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua, cho thuê, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật; đồng thời đề nghị bổ sung quy định tỷ lệ tối đa phần quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội nhằm bảo đảm chặt chẽ, tránh sơ hở có thể bị lạm dụng trong việc đề xuất dự án nhưng mục tiêu chính là để có đất xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Về xác định giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội không do Nhà nước đầu tư xây dựng, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật về các chi phí được tính đủ vào giá bán để thu hồi vốn đầu tư của doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhà đầu tư. Tuy nhiên, để bảo đảm minh bạch, chặt chẽ, đề nghị nghiên cứu làm rõ “các chi phí hợp lý khác” được tính vào giá bán hoặc quy định các nguyên tắc, điều kiện để chi phí có thể coi là hợp lý khi tính vào giá bán.

Cùng chuyên mục
Tin khác