Vay tiền chi tiêu không cần thế chấp: Lãi suất tăng cao tới mức nào?

H.Nguyễn - 13/10/2017 14:00 (GMT+7)

Theo TS. Cấn Văn Lực, phát triển được thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, công khai minh bạch, người tiêu dùng có sự so sánh và tìm đến nơi tốt nhất với họ sẽ là động lực để lãi suất cho vay tại các công ty tài chính trở nên cạnh tranh hơn.Với mạng lưới lên đến hàng chục nghìn điểm bán hàng khắp cả nước, từ thành thị tới nông thôn, người dân giờ đây đã dễ dàng tiếp cận vốn hơn thông qua hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tại các cửa hàng điện máy, cửa hàng bán xe máy… dưới h

Cho vay tiêu dùng đang ngày càng phổ biến

Với mạng lưới lên đến hàng chục nghìn điểm bán hàng khắp cả nước, từ thành thị tới nông thôn, người dân giờ đây đã dễ dàng tiếp cận vốn hơn thông qua hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tại các cửa hàng điện máy, cửa hàng bán xe máy… dưới hình thức cho vay trả góp. 

Thậm chí ở chợ truyền thống hay ký túc xá các trường đại học, các khu công nghiệp, chế xuất, các khu trọ cũng không khó để bắt gặp những thông tin quảng cáo về dịch vụ cho vay tiêu dùng của các công ty này.

Theo thống kê do TS. Cấn Văn Lực cung cấp dựa trên số liệu của Ngân hàng Nhà nước, đến hết tháng 6 năm nay, tín dụng tiêu dùng cả nước đạt khoảng 744 nghìn tỷ chiếm 12,4% tổng dư nợ toàn nền kinh tế, trong đó dư nợ cho vay của các công ty tài chính khoảng 97 nghìn tỷ, chiếm 13% tổng dư nợ tiêu dùng. Hoạt động cho vay tiêu dùng đóng góp việc làm cho xã hội với khoảng 30.000 lao động.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tiềm năng của tài chính tiêu dùng rất lớn, nhất là với nền kinh tế vẫn phụ thuộc vào tiêu dùng cá nhân như ở Việt Nam.

Song để tín dụng tiêu dùng được phát triển xứng tầm thì cần có sự tham gia nỗ lực của các bên, từ người dùng, doanh nghiệp cho đến cơ chế chính sách cũng cần thông thoáng hơn.

Ở góc độ người dùng, tín dụng tiêu dùng đã giúp họ tiếp cận các nguồn vốn nhỏ lẻ dễ dàng hơn, nhưng đâu đó vẫn còn những cái nhìn chưa được thiện cảm vì cho rằng lãi suất còn quá cao so với lãi suất cho vay của ngân hàng.

Cho vay tiêu dùng đang ngày càng phổ biến.

Lãi suất cho vay tiêu dùng: Bao nhiêu là hợp lý?

Nói về cơ sở xác định lãi suất tiêu dùng, theo luật sư Trương Thanh Đức, tại khoản 3, Điều 9 về "Lãi suất cho vay tiêu dùng", Thông tư số 43/2016/TT-NHNN xác định, các công ty tài chính tính toán lãi suất dựa vào các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định khung lãi suất với mức lãi suất cao nhất và thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng, các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường và bảo đảm bù đắp được các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của công ty tài chính.

Như vậy hiểu đơn giản, lãi suất cho vay là do công ty tài chính tự tính toán dựa trên thực tiễn chi phí hoạt động của họ.

Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng đang trong khoảng 11,3% đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, nhưng các khoản vay tín chấp như thẻ tín dụng, vay tiêu dùng… có thể lên đến trên dưới 20%. Các công ty tài chính trong khi đó cho vay với dải lãi suất từ 20 – 40%/năm.

Lãi suất cho vay tiêu dùng tại công ty tài chính có sự chênh lệch so với lãi suất cho vay của ngân hàng là bởi vay tiêu dùng tại công ty tài chính không yêu cầu tài sản đảm bảo, bên cạnh đó lại là các khoản vay nhỏ lẻ, thời gian giải quyết nhanh, chi phí quản lý tốn kém…và đặc biệt là tính rủi ro cao cho các công ty tài chính, mà vốn dĩ những gì rủi ro cao thì thường phải có chi phí lớn. 

Ngoài ra, các công ty tài chính không được phép huy động vốn từ dân cư, tức đầu vào vốn rất khó khăn, nên chi phí đầu ra cũng không thể rẻ.

Nhiều người cũng đặt câu hỏi vậy có nên chăng áp trần cho lãi suất tiêu dùng tại công ty tài chính như các khoản vay có tài sản đảm bảo khác tại ngân hàng?

Theo TS. Cấn Văn Lực, phát triển được thị trường tài chính tiêu dùng lành mạnh, công khai minh bạch...

Theo TS. Cấn Văn Lực phân tích, thực tiễn tài chính các nước đã chứng minh rằng khi áp dụng trần lãi suất có tác dụng ngược với nền kinh tế, gây ảnh hưởng tiêu cực. 

Áp dụng mức trần sẽ chặn dòng vốn đối với người có nhu cầu, và là phi thị trường. "Chúng ta đang giảm bớt các thủ tục hành chính, không có lý do gì để chúng ta đặt trần lãi suất" – TS. Lực nói.

Và cũng theo ông, lãi suất cạnh tranh sẽ giúp phát triển được thị trường tài chính lành mạnh, công khai minh bạch, người tiêu dùng có sự so sánh và tìm đến nơi tốt nhất với họ.

Chuyện lãi suất cho vay tiêu dùng cao là dễ hiểu và có cơ sở như đã phân tích, nhưng thị trường vẫn mong có cách nào để hạ được lãi suất xuống hay thấp hơn không?

Trả lời câu hỏi này, theo luật sư Trương Thanh Đức, lãi suất là kết quả tương đối mặc định của thị trường tín dụng, trong đó có vấn đề cung cầu. Vì vậy, muốn giảm lãi suất thì phải dựa vào thị trường phát triển lành mạnh, ít rủi ro. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố và có tính chất lâu dài.

Còn với tầm nhìn ngắn hơn, luật sư cho rằng cần cho mở cơ chế hơn, cho nhiều công ty tài chính tham gia thị trường này, đồng thời tạo điều kiện cho các công ty đẩy mạnh việc huy động vốn và tăng trưởng cho vay. Quan trọng nhất là tăng nguồn cung cấp tín dụng và tăng cường sự cạnh tranh thì lãi suất sẽ giảm xuống mức hợp lý nhất.

Theo Vietnamnet
Cùng chuyên mục
Tin khác