Việt Nam có thể có 500 sân golf; hợp long cây cầu 5.000 tỷ, thông tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ

Lệ Chi - 15/10/2023 15:35 (GMT+7)

(VNF) - Cuộc đua đầu tư sân golf: 'Tới 2030, Việt Nam có thể có 400 - 500 sân golf'; Cầu Mỹ Thuận 2 chính thức hợp long, cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sắp thông tuyến; Đại gia bí ẩn chốt mua căn biệt thự 561 tỷ đồng ở TP. HCM... là những thông tin được quan tâm trong tuần qua.

VNF
DN kêu cứu vì tiền thuê đất tăng đột biến, một đại gia chi 561 tỷ mua biệt thự ở TP. HCM

'Tới 2030, Việt Nam có thể có 400 - 500 sân golf'

Tại tọa đàm “Đầu tư ngành golf Việt Nam” và ra mắt ấn phẩm “Toàn cảnh đầu tư ngành golf”. do Tạp chí Đầu tư Tài chính – VietnamFinance tổ chức sáng 12/10, các chuyên gia nhận định ngành golf Việt Nam đang bước vào giai đoạn bùng nổ, các địa phương và nhà đầu tư đang có một cuộc đua đầu tư sân golf. Dự kiến, tới 2030, Việt Nam sẽ có 400-500 sân golf.

Theo TS Ngô Công Thành, Viện nghiên cứu ISC, nguyên Vụ phó Vụ Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư sân golf tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ bùng nổ, vì 3 nguyên do chính.

Một là hiện nay các nhà đầu tư rất quan tâm đầu tư đối với ngành golf, bởi sau thời gian thuê đất 50 năm thì các nhà đầu tư sẽ được ưu tiên được thuê đất tiếp và đến một thời điểm thích hợp (nếu điều kiện thuận lợi) thì nơi đây sẽ biến thành các khu đô thị, khu công nghiệp.

Hai là bây giờ thủ tục đầu tư sân golf đã đơn giản hơn, không phải thông qua Thủ tướng hay các bộ nữa. Dự án đã có trong quy hoạch rồi thì sẽ được triển khai. 

Ba là hiện nay nhu cầu chơi golf đang tăng cao.

"Tôi cho rằng khả năng tới năm 2030, cả nước có thể đạt tới 400-500 sân golf. Cơ sở của khả năng này là hiện nay nhiều tỉnh thành trên cả nước đã có quy hoạch sân golf và lộ trình rất rõ ràng", ông Thành nói. (Xem thêm)

Khó khăn đủ đường: 'DN bất động sản cần mạnh tay tái cơ cấu, hạn chế đầu tư dàn trải'

Tại hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển”, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, nêu ra 6 yếu tố chính đang tác động tới bất động sản gồm: kinh tế vĩ mô; môi trường pháp lý, cách thức quản lý và giám sát bất động sản; quy hoạch và kết cấu hạ tầng; tài chính; cung cầu và giá cả; thông tin dữ liệu minh bạch.

Theo ông Lực, thị trường hiện đang tập trung chính vào vấn đề pháp lý và tài chính. Trong đó, pháp lý là rào cản khó khăn lớn nhất, do nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ, đồng thời quy định pháp lý chưa đầy đủ, chưa được hướng dẫn kịp thời, chưa sát thực tiễn. Cùng với đó là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, làm chậm, thậm chí là ách tắc nhiều dự án.

Ông cho rằng vấn đề hiện nay cần giải quyết trước mắt là cần tiếp tục hoàn thiện thể chế cụ thể, đẩy nhanh tiến độ sửa đổi các sắc luật liên quan. Nhưng làm nhanh vẫn cần rà soát đảm bảo đồng bộ, nhất quán giữa các bộ luật, giải bài toán pháp lý cho bất động sản. Để nguồn vốn quay trở lại vào thị trường, nên sớm giải quyết dứt điểm, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, qua đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường bất động sản.

Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh rằng doanh nghiệp bất động sản cần quyết liệt trong công tác cơ cấu lại các khoản đầu tư cũng như hoạt động quản trị của doanh nghiệp. "Trước bối cảnh thị trường khó đủ đường, doanh nghiệp bất động sản cần hạn chế đầu tư dàn trải và mạnh tay tái cơ cấu doanh nghiệp để vượt qua nghịch cảnh", ông nói. (Xem thêm)

Tiền thuê đất tăng đột biến: Doanh nghiệp kêu cứu, Đà Nẵng loay hoay tìm cách gỡ

Ngày 11/10, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Đà Nẵng đã đi kiểm tra thực tế tại các dự án du lịch trước kiến nghị của doanh nghiệp về tiền thuê đất tăng đột biến.

Ông Lê Minh Kha, Phó tổng giám đốc Công ty CP Khách sạn và Du lịch Thiên Thai (đường Võ Nguyên Giáp, quận Ngũ Hành Sơn) cho hay, dự án Ariyana Đà Nẵng có diện tích khoảng 22ha. Đơn giá thuê đất của dự án được tính theo hệ số mặt đường Võ Nguyên Giáp. Hiện tại dự án phải nộp thuê đất là hơn 120 tỷ đồng/năm, tăng hơn 30 tỷ đồng so với năm 2018 và 2019.

“Hiện tại tiền thuê đất là gánh nặng cho dự án. Trong khi các hạng mục căn hộ, biệt thự, cung hội nghị là nơi tạo ra dòng tiền chính thì không đủ để trả tiền thuê đất”, ông Kha nói. (Xem thêm)

Đại gia bí ẩn chốt mua căn biệt thự 561 tỷ đồng ở TP. HCM

Một căn biệt thự tại Vinhomes Ba Son (TP. HCM) có diện tích 437,5m2 vừa được một khách hàng chốt với giá 561 tỷ đồng chỉ sau 20 phút đi xem.

Mới đây, trên một diễn đàn bất động sản, một môi giới đăng tải thông tin và hình ảnh vừa giao dịch thành công căn biệt thự VIC có diện tích đất 437,5m2, diện tích xây dựng 938,89m2, quy mô 4 tầng nổi và 1 tầng hầm.

Căn biệt thự có trị giá 561 tỷ đồng và được khách hàng chốt chưa đầy 20 phút. 

Thông tin đăng tải trên ngay lập tức nhận được sự quan tâm của rất nhiều môi giới bất động sản. Nhiều môi giới bất động sản bày tỏ ngưỡng mộ, đồng loạt chúc mừng và cho rằng đây là thương vụ giao dịch đình đám nhất hiện nay trong làng môi giới.

Vinhomes Golden River Ba Son là một dự án của chủ đầu tư Vingroup. Khu biệt thự tọa lạc ở khu cảng Ba Son - một địa danh nổi tiếng về lịch sử và văn hóa của TP. HCM, sở hữu mặt tiền sông Sài Gòn trải dài. (Xem thêm)

Cầu Mỹ Thuận 2 chính thức hợp long, cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sắp thông tuyến

Cầu Mỹ Thuận 2 thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 nối liền hai tỉnh Tiền Giang - Vĩnh Long.

Dự án khởi công hồi tháng 3/2020, dự kiến hoàn thành trong 40 tháng. Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu có tổng chiều dài khoảng 6,01km; trong đó, cầu chính dài khoảng 1,9km, thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h. Đường dẫn hai đầu cầu dài 4,7km; trong đó phía Tiền Giang dài 4,3km và phía Vĩnh Long dài 0,4km. Giai đoạn đầu, cầu được đầu tư phân kỳ làm 4 làn xe.

Tổng mức đầu tư của dự án là hơn 5.000 tỷ đồng. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác