Visa 10 năm tại Bali: Cách Indonesia thu hút đầu tư và thúc đẩy du lịch
Linh Anh -
26/10/2022 19:09 (GMT+7)
(VNF) - Indonesia mới đây đã đưa ra chương trình thị thực "quê hương thứ hai" cho phép người nước ngoài ở lại và làm việc tại đất nước này từ 5 - 10 năm nhằm thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài và thúc đẩy du lịch trong nước.
Theo quy định mới được ban hành hôm 25/10, quốc gia Đông Nam Á sẽ cung cấp thị thực "quê hương thứ hai” trong vòng 5 - 10 năm cho những người đăng ký có ít nhất 2 tỷ rupiah (130.000 USD) trong tài khoản ngân hàng. Đơn đăng ký thị thực có thể được gửi trực tuyến.
Chính sách này sẽ có hiệu lực vào dịp Giáng sinh (25/12), tương đương 60 ngày sau khi ban hành.
Theo thông cáo báo chí, mục tiêu của chương trình là "thu hút khách du lịch nước ngoài đến Bali và nhiều điểm đến khác".
Quyền Tổng giám đốc phụ trách Nhập cư Widodo Ekatjahjana cho biết: “Đây là một động lực phi tài chính cho một số người nước ngoài đóng góp tích cực cho nền kinh tế Indonesia”.
Thời điểm ra mắt chương trình thị thực “quê hương thứ hai” chính là mùa cao điểm du lịch của xứ sở vạn đảo, khi các hãng hàng không như Garuda Indonesia nối lại các chuyến bay quốc tế.
Hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới tại Bali vào tháng 11 dự kiến cũng sẽ thu hút sự chú ý của khách quốc tế về hòn đảo này với việc quy tụ hàng chục nghìn đại biểu.
Với chương trình thị thực mới nhất, Indonesia đã trở thành một trong các quốc gia cung cấp dịch vụ lưu trú dài hạn để thu hút nguồn vốn từ giới siêu giàu nước ngoài. Xu hướng này đang ngày một phổ biến khi dịch Covid-19 đã khiến quan niệm về nơi làm việc của cả thế giới thay đổi, với rất nhiều người lựa chọn làm việc từ xa thay vì tới văn phòng.
Trước đó, năm 2021, Indonesia đã đưa ra kế hoạch xin cấp thị thực kỹ thuật số cho những người du cư (những người không ở một địa điểm cố định, sống nay đây mai đó), tập trung vào việc thu hút du khách đến Bali, điểm đến hàng đầu của quốc gia đối và là một nguồn thu ngoại tệ lớn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone