Diễn đàn VNF

30 năm FDI: SCCI, những năm tháng đáng tự hào

(VNF) - VietnamFinance xin trân trọng giới thiệu bài viết của GS.TSKH Nguyễn Mại về Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầu tư (SCCI), cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài trong giai đoạn đầu mở cửa.

30 năm FDI: SCCI, những năm tháng đáng tự hào

Hai năm đầu của SCCI

Sau khi Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam vào cuối năm 1987, để kịp thời tiếp nhận nguồn vốn quốc tế, đầu năm 1988 Chính phủ đã giao cho Bộ Kinh tế đối ngoại nhiệm vụ thẩm định và cấp phép dự án FDI. 

Tháng 3/1989, Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (SCCI) được thành lập, có chức năng quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài, tiếp nhận các dự án FDI do Bộ Kinh tế đối ngoại đã cấp phép và bắt đầu thực hiện các công việc có liên quan đến FDI.

Từ tháng 5 đến tháng 9/1989, lãnh đạo SCCI có hai vị bộ trưởng là ông Đậu Ngọc Xuân, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước và ông Võ Đông Giang, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đối ngoại với cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban; vì các vị lãnh đạo cấp cao dự kiến Chủ nhiệm Ủy ban là một Phó Thủ tướng Chính phủ. 

Tháng 10/1989, ông Đậu Ngọc Xuân được phân công làm Chủ nhiệm Ủy ban. Tôi đang làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội được cử giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban. Năm 1990, ông Nguyễn Văn Ích, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, năm 1991, ông Lữ Minh Châu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bà Đỗ Ngọc Trinh, Bí thư Đảng bộ Quận I, TP. HCM và năm 1992, ông Nguyễn Nhạc, Chuyên viên cao cấp của Văn phòng Chính phủ được điều động và bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ nhiệm SCCI. 

Ngoài bộ phận chuyên trách, Ủy ban còn có các Phó Chủ nhiệm kiêm nhiệm là đại diện lãnh đạo Ủy ban Kế hoạch nhà nước, Ủy ban Khoa học kỹ thuật, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thương mại, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính.

Lãnh đạo và chuyên viên SCCI đều là "ngoại đạo" với đầu tư nước ngoài, do đó chúng tôi chủ trương tất cả cán bộ phải "vừa làm vừa học" để nâng cao trình đội chuyên môn, ngoại ngữ đáp ứng đòi hỏi của lĩnh vực mới mẻ và phức tạp này.

Năm 1989 và 1990, SCCI tập trung vào ba công việc chính: hình thành bộ máy và cơ chế vận hành; xây dựng, ban hành các văn bản pháp quy và xúc tiến đầu tư.

Trong điều kiện có hạn về kinh phí và phương tiện, lãnh đạo SCCI chủ trương hợp tác với một số tổ chức quốc tế như Tổ chức phát triển của Liên Hiệp quốc (UNDP), Tổ chức phát triển công nghiệp LHQ (UNIDO) trong việc đào tạo cán bộ SCCI và xúc tiến đầu tư; với Công ty Luật Philip Fox của Australia để dịch và in các văn bản pháp luật về FDI sang tiếng Anh, với Công ty VIR Ltd. được thành lập tại Hồng Công để xuất bản báo Đầu tư nước ngoài (tiếng Việt), Vietnam Investment Review (tiếng Anh).

Do có chủ trương đúng và biết tập trung vào ba công việc chính với sự hợp tác quốc tế có hiệu quả nên chỉ trong vòng hai năm từ khi thành lập, SCCI đã tiếp cận được phương thức quản lý nhà nước theo thông lệ quốc tế; nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư nước ngoài, soạn thảo trình Chính phủ ban hành một số Nghị định; ban hành một số Thông tư của Ủy ban; biên soạn các tư liệu phục vụ cho hoạt động xúc tiến đầu tư; cử hai đoàn đoàn công tác tại châu Âu và châu Á, để vận động đầu tư; tổ chức Diễn đàn đầu tư tại TP. Hồ Chí Minh vào đầu năm 1991 với sự tham gia của 650 đại biểu quốc tế và nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ máy và con người

SCCI có bộ máy tinh gọn, khoảng 100 cán bộ, nhân viên; từ 1989 đến 1991 chỉ có hai cấp là lãnh đạo Ủy ban và tổ trưởng chuyên viên. Mỗi tuần vào sáng thứ Hai và thứ Sáu Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm trực tiếp giao ban để trao đổi ý kiến về dự án FDI, phân công chuyên viên theo dõi, quy định thời gian hoàn thành; kiểm điểm công việc đã được giao để quy trách nhiệm từng cá nhân. 

Các cuộc giao ban thực chất là lớp học bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho chuyên viên, nên công việc của Ủy ban ngày càng tốt hơn, có chất lượng hơn; một số chuyên viên Ủy ban về sau khi đã là cán bộ lãnh đạo cấp bộ đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ đó.

Từ năm 1992 do khối lượng công việc nhiều hơn nên SCCI thành lập các vụ chức năng và Trung tâm xúc tiến đầu tư. Mỗi đơn vị chỉ có một trưởng và một phó, trực tiếp làm việc với chuyên viên, không có cấp phòng.

Đối với các địa phương, SCCI đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn cho cán bộ lãnh đạo và chuyên viên tỉnh, thành phố về các vấn đề liên quan đến FDI; mỗi lớp diễn ra từ 1 tuần lễ đến 10 ngày; hàng nghìn cán bộ đã được bồi dưỡng kiến thức cần thiết để thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với FDI.

Khu công nghiệp Thăng Long, một trong những dự án FDI thành công của Hà Nội

SCCI là cơ quan cấp bộ đầu tiên của nước ta tuyển chọn công chức qua thi tuyển được tổ chức nghiêm túc, nên về cơ bản đã lựa chọn được những cán bộ có chất lượng; mỗi tuần lễ dành buổi sáng thứ bảy để học tập theo chuyên đề, tổ chức lớp học tiếng Anh do thầy giáo nước ngoài dạy; do đó nhìn chung cán bộ của Ủy ban đã đáp ứng được đòi hỏi về trình độ chuyên môn và phẩm chất đạo đức.

Lãnh đạo SCCI thường xuyên lưu ý đội ngũ chuyên viên, nhân viên rằng, hướng dẫn, hổ trợ nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi để thu hút được nhiều dự án đầu tư để là lý do tồn tại Ủy ban; thái độ giao tiếp, trình độ nghề nghiệp của cán bộ SCCI có tầm quan trọng đối với hoạt động đầu tư nước ngoài. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc với SCCI đều được đón tiếp nồng hậu và trao đổi chân tình, những khó khăn họ gặp phải được cán bộ Ủy ban hỗ trợ giải quyết.

So với các cơ quan nhà nước của Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore thì trong một vài năm đầu, SCCI còn thua kém về nhiều mặt từ hoạt động xúc tiến đầu tư cho đến thẩm định và cấp phép, triển khai dự án; do đó SCCI đã thiết lập quan hệ hợp tác với cơ quan quản lý nhà nước các nước đó để trao đổi, học tập kinh nghiệm; nên chỉ sau hai năm, như ghi nhận của Tổng thư ký BOI (Cơ quan quản lý đầu tư) Thái Lan, khi thăm Việt Nam vào cuối 1991: "SCCI đã thực hiện một khối lượng công việc lớn và đã đạt đến trình độ tương đương với BOI của Thái Lan".

Phong cách SCCI

Là cơ quan nhà nước mới được thành lập phải đương đầu với những thách thức lớn trong điều kiện rất khó khăn, nhưng lại có lợi thế là không chịu tác động của tập quán của bộ máy hành chính quan liêu thời kỳ kế hoạch hóa, nên chỉ trong một thời gian ngắn SCCI đã tạo lập được phong cách làm việc chủ động sáng tạo, lấy kết quả và hiệu quả làm tiêu chuẩn của mọi hoạt động.

Ủy ban đã được các nhà đầu tư, tổ chức quốc tế đánh giá cao, được lãnh đạo những địa phương đã có dự án FDI phối hợp hoạt động có hiệu quả; góp phần mở ra thời kỳ mới trong quá trình chấn hưng nền kinh tế đất nước - tích cực và chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, thu hút ngày càng nhiều và có hiệu quả vốn đầu tư quốc tế.

SCCI có thể là cơ quan cấp bộ duy nhất không thực hiện bình bầu lao động tiền tiến, chiến sĩ thi đua hàng năm vì lãnh đạo Ủy ban nhận thấy không thực sự cần thiết khi đại bộ phận cán bộ, nhân viên cơ quan làm việc rất mẫn cán, tự giác, nhiều bộ phận làm việc cả ban đêm đến 8-9 giờ tối và ngày chủ nhật, ngày lễ khi công việc chưa hoàn thành đúng tiến độ và yêu cầu. Thỉnh thoảng gặp lại cán bộ SCCI, một số vẫn "trách" tôi về việc trong lý lịch của họ những năm công tác tại Ủy ban không có danh hiệu thi đua nào cả (!).

Theo nhận thức của tôi, quản lý nhà nước dễ nhất là trong thời kỳ bình yên, mọi việc thuận buồm xuôi gió; khó nhất là xử lý tình huống; đó là thước đo khách quan và trung thực trình độ và năng lực của cán bộ lãnh đạo.

SCCI thường xuyên phải xử lý các tình huống chưa có tiền lệ ở nước ta, đòi hỏi vừa phải bảo đảm tính nguyên tắc trong khung khổ luật pháp, vừa phải đủ linh hoạt để giải quyết kịp thời ý nguyện của nhà đầu tư. Tôi muốn kể ra đây một trường hợp điển hình để minh chứng cho điều đó.

Vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thăm dò, khai thác dầu khí ở thềm lục địa phía Nam đã có sức hấp dẫn đối với nhiều tập đoàn dầu khi hàng đầu thế giới. Các nhà thầu quốc tế thực hiện dự án đầu tư theo trình tự: 1) Thương thảo và ký Hợp đồng phân chia sản phẩm (BCC) với Tổng công ty dầu khí VN (PVN); 2) SCCI thẩm định, phê chuẩn và cấp Giấy phép Đầu tư. BCC dài khoảng 40 - 50 trang, Giấy phép Đầu tư chỉ có ba trang, gồm ba nội dung chính: 1) Phê chuẩn hợp đồng và những điều cần lưu ý; 2) Quyền và nghĩa vụ của mỗi Bên đối với Bên kia và 3) Nghĩa vụ của mỗi bên đối với Nhà nước.

Trong các hợp đồng PVN ký với nhà thầu nước ngoài thì với BHP (Tập đoàn dầu khí Australia) có vốn đầu tư lớn nhất là 2 tỷ USD, do đó, BHP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ trực tiếp phê chuẩn hợp đồng và ký Giấy phép đầu tư để bảo đảm tính pháp lý cao. Tôi đã mời ông Tổng giám đốc BHP đến Hà Nội để trực tiếp trao đổi, tìm cách xử lý tình huống đó. 

Trong một buổi gặp thân tình, tôi đã nói với ông rằng, luật pháp Việt Nam quy định Bộ trưởng, Chủ nhiệm SCCI là người phê chuẩn hợp đồng và ký Giấy phép đầu tư, không phải là Thủ tướng Chính phủ. Tuy vậy, để thực hiện yêu cầu của BHP tôi kiến nghị hai bên cử ra Tổ công tác đặc nhiệm soạn thảo hợp đồng theo ý muốn của ông; sau hai tuần lễ tôi và ông gặp lại để thống nhất nội dụng Giấy phép đầu tư. Ông rất ngạc nhiên trước sáng kiến của tôi, vì không theo mẫu Giấy phép hiện hành. Nhờ vậy mà giải quyết được tình huống đó. 

Ông Tổng giám đốc BHP đã không ít lần ca ngợi phong cách làm việc sáng tạo của SCCI. Còn lãnh đạo Ủy ban thì coi việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài là chính, giấy phép đầu tư chỉ là thủ tục hành chính mà thôi. Kể lại câu chuyện trên đây, tôi hy vọng rằng, kinh nghiệm xử lý tình huống của SCCI có thể gợi ra cho các cơ quan quản lý nhà nước đối với FDI về việc làm thế nào để đơn giản thủ tục hành chính mà vẫn bảo đảm thượng tôn pháp luật.

Một thời để nhớ, một thời đáng tự hào là câu nói được cán bộ, nhân viên đã từng làm việc ở SCCI nhắc đến khi gặp lại nhau, bởi vì mỗi người đã trưởng thành nhiều trong thời gian công tác tại Ủy ban. Tình cảm chân thành giữa những người đồng nghiệp vẫn còn nguyên vẹn dù thời gian đã trôi đi vài thập niên; đó là tài sản vô giá mong được mỗi người trong chúng ta góp sức gìn giữ.

Tin mới lên