AmCham: 'Hạn chế quảng cáo trên Google, Facebook là vi phạm nguyên tắc WTO'

Vĩnh Chi - 08/12/2017 08:57 (GMT+7)

(VNF) – Theo ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Hà Nội (AmCham), Việt Nam đang có những thay đổi về chính sách và các quy định không phù hợp với thông lệ quốc tế. Những thay đổi này khiến cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài gặp nhiều rủi ro và trở ngại trong việc thực hiện đầu tư.

VNF
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa kỳ tại Hà Nội (AmCham)

Góp ý kiến tại hội thảo "Thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam" diễn ra hôm 7/12, ông Adam Sitkoff cho biết các thành viên của AmCham thường gặp phải tình trạng thực thi chính sách không đồng nhất, không hiệu quả, và đối xử không công bằng giữa các khu vực tại Việt Nam. Trong một số trường hợp, các hiện tượng này còn nảy sinh những hình thức mới.

"Thực tế này gây khó khăn lớn cho hoạt động của các thành viên của chúng tôi, bất luận nó là hệ quả của tham nhũng, chủ nghĩa bảo hộ, việc thu thuế hay Chính phủ đang chọn kẻ thắng người thua", ông nói.

Ông Adam Sitkoff cũng cho rằng những thay đổi gần đây về chính sách và các quy định của Việt Nam là không phù hợp với thông lệ quốc tế, gây rủi ro cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Chẳng hạn như dự thảo Luật An ninh mạng, ông Adam Sitkoff đánh giá đây là một dự luật "thực sự rất đặc biệt".

"Ngoài các biện pháp bảo vệ an ninh mạng, dự thảo luật cũng bao gồm việc kiểm soát thông tin trên Internet, mặc dù điều này đã được quy định bởi các luật khác. Quy định trong dự thảo luật về việc các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài phải đặt máy chủ tại Việt Nam không những không giúp cải thiện tình hình an ninh mạng của Việt Nam mà còn tạo ra gánh nặng không cần thiết cho các doanh nghiệp nước ngoài", Giám đốc điều hành của AmCham bình luận.

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt cũng được cho là một thực tế không thông dụng và không được khuyến khích. Theo ông Sitkoff, chỉ có 4 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương (chiếm khoảng 2% dân số trong khu vực) đánh thuế tiêu thụ đặc biệt lên nước ngọt. Hầu hết các quốc gia không đánh thuế này vì nó có tác động xấu đến nền kinh tế và chưa được chứng minh là bảo vệ sức khoẻ.

Trong khi đó, yêu cầu xác nhận việc công bố phù hợp các quy định an toàn thực phẩm trong Nghị định 38/2012/NĐ-CP đã gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của ngành thực phẩm và nước giải khát, dẫn đến việc tốn một khoản chi phí cao hơn trong khi không đem lại bất kỳ giá trị nào cho việc quản lý an toàn thực phẩm.

Việc Nghị định 181/2013/NĐ-CP đòi hỏi một đơn vị Việt Nam chỉ có thể làm việc với một cơ quan quảng cáo được cấp phép ở quốc gia đã đặt Việt Nam vào tình trạng vi phạm nguyên tắc "đối xử quốc gia" theo Hiệp định gia nhập WTO.

Ngoài ra, nó hạn chế cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa quảng bá sản phẩm, dịch vụ trong nước và quốc tế khi họ quảng cáo sản phẩm và dịch vụ của mình trên các nền tảng xuyên biên giới như Google hay Facebook.

Ông Adam Sitkoff cũng lưu ý rằng khi tiến hành thực hiện Bộ Luật dân sự mới, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành các quy định ngân hàng mới tạo ra những thách thức đáng kể cho các công ty nước ngoài.

Cụ thể, Thông tư số 23/2014/TT-NHNN và Thông tư số 32/2016/TT-NHNN không còn cho phép các tổ chức nước ngoài (văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức nước ngoài, đại sứ quán, quỹ đầu tư nước ngoài...) trực tiếp mở tài khoản ngân hàng tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Thông tư 39/2016/TT-NHNN còn hạn chế khả năng tài trợ linh hoạt và hợp lý thông qua các cơ sở không cam kết và ảnh hưởng đến khả năng của ngân hàng trong nước hợp tác với các ngân hàng nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của khách hàng Việt Nam.

"Một lần nữa, chúng tôi hi vọng Chính phủ sẽ xem xét những thách thức này khi khu vực tư nhân tìm kiếm các sáng kiến tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi hơn là hạn chế các cơ hội kinh doanh", ông Adam Sitkoff đề xuất.

Cùng chuyên mục
Tin khác