Nhà phố trên 'đất vàng' Hà Nội, bỏ trống hàng loạt vì 'ế' khách thuê
(VNF) - Nhiều căn nhà mặt phố đường Kim Mã (Hà Nội) hiện nay vẫn để không từ nhiều tháng nay vì không tìm được khách thuê.
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) vừa công bố Báo cáo tình hình kinh tế tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2017.
Báo cáo cho biết, tính đến hết tháng 10/2017, tín dụng (bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) ước tăng khoảng 13,5% so với cuối năm 2016. Tỷ trọng tín dụng trung dài hạn giảm trong khi tỷ trọng tín dụng ngắn hạn tăng. Tín dụng trung và dài hạn ước chiếm 53,7% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%). Tín dụng ngắn hạn ước chiếm 46,3% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 44,9%);
UBGSTCQG nhận định, tín dụng ngoại tệ tăng cao hơn cùng kỳ năm 2016 chủ yếu là do nhu cầu nhập khẩu tăng cao. Cụ thể, tín dụng bằng ngoại tệ tính đến cuối tháng 10 ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 4,4%).
"Cơ cấu tín dụng theo ngành nghề kinh tế cũng đã có chuyển biến tích cực. Tỷ trọng tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 9,9% (10 tháng năm 2016 là 8,3%). Tỷ trọng tín dụng vào hoạt động kinh doanh bất động sản và xây dựng giảm xuống còn 15,5% (năm 2016 là 17,1%)", báo cáo của ủy ban này cho hay.
Vẫn theo UBGSTCQG, tín dụng tiêu dùng tiếp tục đà tăng mạnh kể từ đầu năm 2017 phù hợp với những xu hướng gia tăng cầu tiêu dùng của nền kinh tế. Thống kê cho thấy tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng khoảng 58,6% so với cuối năm 2016.
Đối với hoạt động huy động vốn, báo cáo cho biết vốn huy động 10 tháng đầu năm 2017 tuy giảm so với cùng năm trước nhưng vẫn đạt mức tăng trưởng khá, ước tăng 12% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm trước tăng 14,7%).
Trong đó, tiền gửi khách hàng ước tăng 11,5% so với cuối năm 2016; phát hành giấy tờ có giá ước tăng 24,4%. Huy động ngoại tệ tăng 3,7%, chiếm khoảng 10,1% tổng huy động. Huy động vốn bằng VND ước tăng 13%, chiếm 89,9% tổng huy động.
Thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng được cơ quan này đánh giá là ổn định khi lãi suất liên ngân hàng đã liên tục giảm (bình quân giảm khoảng 0,2 điểm% so với tháng trước) và tiếp tục được duy trì ở mức thấp (lãi suất qua đêm ở mức 0,9%/năm, lãi suất 1 tuần là 0,9%/năm, lãi suất 1 tháng là 1,5%/năm).
Cũng theo báo cáo, lãi suất huy động ổn định so với tháng trước. Tính đến tháng 10, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,7%, 6 tháng ở mức 5,7%, 12 tháng ở mức 6,8%, 12-36 tháng ở mức 7,1%.
Lãi suất cho vay giảm nhẹ so với đầu năm. Hiện tại, lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên ở mức 6,5%, cá biệt có ngân hàng thương mại ở mức 6%. Với lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường, lãi suất phổ biển ở mức 9,3-11% kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Trên thị trường ngoại hối, báo cáo của Ủy ban cho hay, tỷ giá VND/USD tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do ổn định so với tháng trước và tiếp tục xu hướng giảm so với đầu năm trong khi tỷ giá trung tâm tiếp tục được điều chỉnh tăng.
Cụ thể, tính đến ngày 20/10, tỷ giá trung tâm ở mức 22.465 VND/USD, tăng 1,39% so với đầu năm. Trong khi đó, tỷ giá ngân hàng thương mại giảm 0,19%, tỷ giá thị trường tự do giảm 1,49% so với đầu năm.
UBGSTCQG nhìn nhận, thị trường ngoại hối vẫn đang được hỗ trợ từ một số yếu tố. Đó là áp lực từ phía cầu ngoại tệ được giảm thiểu khi cán cân thương mại trở lại xuất siêu; Chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD vẫn nghiêng về việc nắm giữ VND (chênh lệch khoảng 6,8%/năm). Vấn đề dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục 45 tỷ USD cũng đã tạo dư địa khá tốt trong việc ổn định tỷ giá.
(VNF) - Nhiều căn nhà mặt phố đường Kim Mã (Hà Nội) hiện nay vẫn để không từ nhiều tháng nay vì không tìm được khách thuê.