'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Xu hướng mới của FDI toàn cầu
Theo báo cảo của Diễn đàn thương mại và phát triển Liên Hiệp Quốc (UNCTAD), FDI toàn cầu năm 2017 là 1.520 tỷ USD, giảm 16% so với năm 2016, trong đó FDI ra nước ngoài của Mỹ giảm nhiều nhất, hơn 30% và Anh 60%; dự kiến năm 2018 có thể phục hồi bằng năm 2016 khoảng 1.700 tỷ USD.
Trung Quốc vẫn là nước thu hút FDI nhiều nhất trong các nền kinh tế mới nổi, đã trở thành quốc gia đầu tư ra nước ngoài chỉ đứng sau Mỹ. Các nhà đầu tư Trung Quốc không những đang thực hiện nhiều dự án FDI ở châu Á, châu Phi mà đã thành công trong M&A (mua bán & sáp nhập) tại Mỹ và châu Âu.
Tuy vậy, do Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách thu hút FDI theo hướng giảm ưu đãi cho nhà đầu tư, bắt buộc doanh nghiệp FDI phải chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước, cộng thêm tác động của chính sách bảo hộ mâu dịch của Tổng thống Donal Trump với phương châm “Nước Mỹ trước hết” nên trong vài năm gần đây đã có nhiều nhà đầu tư chuyển vốn ra khỏi nước này về nước hoặc sang nước thứ ba có môi trường kinh doanh thuận lợi hơn và ít rủi ro hơn. Việt Nam là quốc gia được lựa chọn hàng đầu. Trên thực tế đã có khá nhiều nhà máy đã được chuyển từ Trung Quốc sang nước ta và xu hướng này được dự báo còn tiếp diễn trong thời gian sắp đến.
FDI chủ yếu là đầu tư xuyên biên giới của các tập đoàn đa quốc gia (TNC) thông qua việc thành lập các dự án tại các nước tiếp nhận vốn đầu tư. Để thích ứng với sự thay đổi chuỗi gia trị toàn cầu trong thời đại mới, TNCs đã áp dụng phương thức mới để tiếp cận thị trường không theo phương thức truyền thống nhưng có hiệu quả hơn như thuê gia công, thuê dịch vụ, nhượng quyền, cấp phép và quản lý theo hợp đồng. Những hoạt động như vậy được gọi là “Phương thức đầu tư xuyên biên giới không góp vốn” (NEM).
Hiện nay TNCs đầu tư ra nước ngoài theo hai phương thức: 1) Góp vốn như đã được thực hiện ở Việt Nam trong 30 năm vừa qua với các hình thức chủ yếu: hợp đồng hợp tác kinh doanh, liên doanh và 100% vốn nước ngoài, M&A; 2) Không góp vốn theo NEM. Điển hình của NEM tại Việt Nam là Vingroup đã hợp tác với một số tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như GM của Mỹ, Siemen của Đức để sản xuất ô tô tại nhà máy VinFast.
Hai phương thức này có quan hệ với nhau; một số nhà đầu tư thông qua phương thức NEM trước cho đến khi kinh doanh có lợi nhuận và đạt được đồng thuận với đối tác trong nước thì chuyển sang phương thức góp vốn để tham gia quản trị doanh nghiệp.
Do vậy trong thời gian tới, quản lý nhà nước về FDI cần bao quát cả hai phương thức trên đây từ hoàn thiện thể chế cho đến triển khai dự án, kinh doanh của doanh nghiệp FDI.
Cách mạng công nghiệp 4,0 và FTA thế hệ mới
Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải thay đổi cách tiếp cận với định hướng và chính sách thu hút FDI. Trong khi vẫn ưu tiên thu hút FDI vào công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường, ít gây hiệu ứng nhà kính, giáo dục và đào tạo, nghiên cứu & phát triển, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, dịch vụ hiện đại, cơ sở hạ tầng thì cũng cần coi trọng công nghệ tương lai của Cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo ra giá trị gia tăng lớn như công nghệ thông tin, điện tử, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn (SMA), cơ khí chế tạo, tự động hóa, công nghệ sinh học.
Cách mạng công nghiệp 4.0 có liên quan đến việc làm và nhân lực; một số ngành nghề sẽ được tự động hóa, nhiều công việc rô bốt thay thế lao động của con người; nhân lực có trình độ cao là đòi hỏi cấp thiết để đáp ứng yêu cầu về chuyên môn của các nghề nghiệp mới, do đó hệ thống giáo dục cần cải cách mạnh mẽ và nhanh chóng mới đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho FDI thế hệ mới.
Cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi cơ bản quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Chính phủ điện tử và quản trị doanh nghiệp trong thời đại kỷ thuật số đòi hỏi không những thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật thông tin hiện đại, mà còn thay đổi tư duy và hành động của công chức nhà nước và cán bộ quản lý doanh nghiệp để đạt được hiệu quả kinh tế- xã hội cao hơn với chi phí về thời gian và tiền của ít hơn.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra thách thức mới cho dân tộc ta khi trình độ phát triển đất nước ở mức trung bình (thấp), đồng thời là cơ hội lớn để Việt Nam tận dụng được lợi thế nổi trội về nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, quyết tâm của nhà nước tạo đột phá về cải cách.
Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA đều có chương về đầu tư, trong đó có những nội dung mới liên quan đến thu hút FDI.
FTA thế hệ mới đòi hỏi cao hợn về đầu tư: 1) Công khai, minh bạch và dễ dự đoán của hệ thống luật pháp và sự thay đổi của pháp luật; 2) Quyền sở hữu trí tuệ, nhất là bảo vệ bản quyền, thương quyền, xử lý nghiêm hàng nhái, hàng giả, hình sự hóa các vi phạm về sở hữu trí tuệ, 3) Lao động và quyền của người lao động bao gồm tiền lương và điều kiện làm việc, chống cưỡng bức lao động, thành lập công đoàn độc lập và 4) phòng chống tham nhũng.
Bốn vấn đề trên đây không phải là áp lực từ bên ngoài buộc Việt Nam phải thực hiện như một số nhận định không chính xác, mà cần tiếp cận theo quan điểm phát triển: đó chính là đòi hỏi của đất nước khi đã bước sang giai đoạn cao hơn, đang theo đuổi mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Tiêu chí hàng đầu của FDI: chất lượng và hiệu quả
Trong 30 năm vừa qua không có thời gian nào mà Việt Nam coi nhẹ chất lượng và hiệu quả thu hút FDI. Tuy vậy đã có sự chuyển dịch quan hệ giữa số lượng và chất lượng, cũng như cách tiếp cận về chất lượng và hiệu quả FDI.
Trong giai đoạn 1988 đến 2004 trình độ phát triển của kinh tế Việt Nam còn thấp, vấn đề lao dộng, việc làm và thu nhập là các yếu tố chính trong đầu tư, kể cả FDI; do đó các dự án thâm dụng lao động và sản xuất hàng xuất khẩu được hướng ưu đãi cao, chưa có nhiều dự án công nghệ và dịch vụ hiện đại; do vậy chất lượng và hiệu quả FDI được đánh giá gắn với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của thời kỳ đó.
Từ 2005 đến nay đất nước ngày càng phát triển, các ngành công nghệ hiện đại như công nghệ thông tin, viễn thông, điện tử, nông nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ tiên tiến như ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán, đào tạo giáo dục, nghiên cứu khoa học được ưu đãi nhiều hơn đối với FDI. Do đó, chất lượng và hiệu quả FDI gắn liền với việc thu hút nhiều hơn các dự án thuộc những lĩnh vực này để góp phần tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới và mục tiêu gia tăng tốc độ tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững.
Từ nay về sau khi đất nước đã có tiềm lực cao hơn, đội ngũ doanh nghiệp trong nước đã đông đảo và có quy mô ngày càng lớn hơn thì chất lượng và hiệu quả FDI cũng thay đổi cho phù hợp với giai đoạn mới. Đó là gắn dự án FDI với vùng lãnh thổ và địa phương.
Trên thực tế hiện nay ở nước ta hình thành ba cấp độ phát triển: 1) Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có trình độ phát triển cao nhất, là hai địa phương có nhiều trường đại học và viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của đất nước; 2) Một số tỉnh, thành phố do thu hút được nhiều FDI và phát triển doanh nghiệp trong nước như Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa- Vũng Tàu... đã có bước tiến rõ rệt về thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, GDP/người cao hơn mức trung bình cả nước, thu ngân sách không những trang trải được nhu cầu của địa phương mà còn điều tiết ngày càng nhiều cho ngân sách trung ương; 3) Các địa phương chưa thu hút được nhiều FDI, doanh nghiệp trong nước còn ít, GDP/ người thấp hơn mức trung bình cả nước, thu ngân sách không đủ chi phải nhờ vào trợ cấp của trung ương.
Định hướng thu hút FDI cần thích ứng với trình độ của ba cấp độ phát triển:
- Hai trung tâm kinh tế, khoa học lớn của đất nước cần hướng vào các dự án công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại, giáo dục đào tạo, nghiên cứu & phát triển đề thực hiện Cách mạng công nghiệp 4.0 bằng cách khai thác tiềm năng về nguồn nhân lực chất lượng cao, công nghệ tin học, đội ngũ doanh nghiệp trong đó có nhiều tập đoàn lớn. Chính sách ưu đãi đầu tư được thực hiện đối với những dự án đáp ứng đầy đủ định hướng thu hút FDI tại hai đầu tàu kinh tế.
- Các địa phương ở cấp độ phát triển thứ hai thì căn cứ đặc thù, lợi thế của vùng kinh tế và địa phương để ưu tiên thu hút các dự án FDI công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ nhằm phục vụ cho tái cấu trúc nền kinh tế theo mô hình tăng trưởng hiệu quả và bền vững. Cần tránh tình trạng rập khuôn trong thu hút FDI như đã xảy ra đối với việc thành lập các khu công nghiệp, khu kinh tế đa ngành, đồng dạng ở nhiều địa phương, gây ra lãng phí đất đai, không đem lại lợi ích cho từng vùng và từng tỉnh. Chính sách ưu đãi đầu tư ở mỗi địa phương cần dựa trên cơ sở luật pháp thống nhất, đồng thời căn cứ đặc thù của địa phương để ban hành văn bản pháp quy nhất quán, minh bạch, không tùy tiện khi áp dụng.
- Đối với các địa phương kém phát triển thì Chính phủ và chính quyền địa phương cần huy động mọi nguồn lực, nhất là phương thức xã hội hóa để xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội như đường giao thông, điện, nước, thông tin, viễn thông, đào tạo nghề, dịch vụ pháp lý, kỹ thuật, kế toán, kiểm toán... phấn đấu trong vòng 3 đến 5 năm khắc phục về cơ bản nhược điểm đó. Tuyên Quang đang đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc kết nối với đường cao tốc Hà Nội- Lào Cai để rút ngắn thời gian đi ô tô từ thủ đô lên TP Tuyên Quang chỉ khoảng 1 giờ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư đến địa phương này thực hiện các dự án. Kinh nghiệm thực tế chỉ ra rằng ưu đãi đến mức cao nhất về thuế, đất đai vẫn khó thu hút được dự án FDI. Chính sách ưu đãi cần được áp dụng linh hoạt, kể cả miễn giảm thuế lâu dài những dự án tạo ra bước đột phá đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương và vùng kinh tế.
Nhân tố quyết định chất lượng và hiệu quả FDI là lựa chọn đúng dự án và nhà đầu tư. Từ năm 2006 khi Chính phủ phân cấp quyền và trách nhiệm thẩm định, cấp đăng ký đầu tư cho chính quyền tỉnh, thành phố, ban quản lý KCN, KKT đối với phần lớn dự án đầu tư (trừ dầu khí, bảo hiểm, ngân hàng...) thì quyền lựa chọn dự án và nhà đầu tư thuộc các cơ quan nhà nước đó. Chủ trương phân cấp đã có tác động tích cực trong cuộc ganh đua giữa các địa phương cải thiện môi trường đầu tư và thủ tục hành chính để thu hút FDI có hiệu quả. Tuy vậy đã nảy sinh những hiện tượng tiêu cực như dễ dãi trong thẩm tra tiềm lực của nhà đầu tư nên đã bị lợi dụng để đăng ký những dự án quy mô lớn nhằm bán lại kiếm lời, cạnh tranh ưu đãi quá mức gây thiệt hại lợi ích quốc gia và lợi ích địa phương.
Để thực thi tốt hơn quyền lựa chọn đã được phân cấp, các bộ cần sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy định về phân cấp quản lý nhà nước, quy hoạch ngành, vùng lãnh thổ và địa phương, quy trình, quy phạm và định mức kinh tế- kỹ thuật để áp dụng thống nhất trong cả nước. Chính quyền địa phương, Ban quản lý KCN, KKT cần nâng cao năng lực tiếp cận, lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định dự án FDI để bảo đảm thực hiện định hướng và chính sách mới về FDI đối với từng địa phương nhằm đạt được chất lượng và hiệu quả cao hơn.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.