TS Bùi Trinh: ‘Tham gia CPTPP, người dân chuẩn bị thêm gánh nặng thuế, phí’

Thụy Khanh - 15/03/2018 09:01 (GMT+7)

(VNF) – "Tham gia nhiều FTA và sắp tới là CPTPP, tôi thấy người dân Việt Nam chuẩn bị phải chịu một gánh nặng nữa về các khoản thuế, phí để bù lại sự hụt thu khi tham gia hội nhập", TS Bùi Trinh nói.

VNF
TS Bùi Trinh

Như VietnamFinance đã thông tin, vừa qua 11 nước thành viên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức được ký kết tại Santiago (Chile). Đây được xem là một trong những hiệp định thương mại quan trọng nhất nhằm gỡ bỏ các rào cản thương mại giữa 11 nền kinh tế tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Dù vậy, hiện vẫn có những quan điểm khác nhau về lợi ích của Việt Nam khi tham gia CPTPP. Xung quanh vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh:

- Hiện nay vẫn còn những tranh cãi về lợi ích của Việt Nam khi tham gia vào CPTPP. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

TS Bùi Trinh: Tôi cho rằng từ năm 2007 khi Việt Nam tham gia vào WTO, hậu quả nhãn tiền là chúng ta không được cái gì cả. Nhà nước không được mà người dân lại tăng thêm gánh nặng thuế. Sau WTO, Việt Nam tiếp tục ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Tôi luôn đặt câu hỏi rằng chúng ta tham gia nhiều FTA như vậy để làm gì? Để tăng xuất nhập khẩu hay để tăng thu hút đầu tư nước ngoài?

Nói về xuất nhập khẩu, nếu vẫn cứ theo cấu trúc này thì phần Việt Nam nhận được trong giá trị xuất khẩu ngày càng nhỏ đi.

Nhìn vào cơ cấu sản phẩm xuất khẩu thì linh kiện điện thoại, điện tử, máy tính chiếm…35%; dệt may, da giày xấp xỉ 20%. Xuất khẩu những sản phẩm này hàm lượng giá trị gia tăng mà phía Việt Nam nhận được cơ bản là ở khâu gia công. Ngay như trong nông nghiệp, mức độ gia công cũng tăng dần. Tôi không hiểu đã ai nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề này chưa.

Tính toán từ mô hình cân bằng tổng thể cho thấy xuất khẩu hàng hóa lan tỏa đến giá trị tăng thêm trong nước ngày càng kém, nhưng lan tỏa đến nhập khẩu lại ngày càng lớn và gây phát thải nhà kính (GHG) cao nhất trong các nhân tố của cầu (52%).

Sản xuất hàng xuất khẩu mới là nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất chứ không phải tiêu dùng hoặc vận tải.

Những tính toán và từ số liệu thống kê cho thấy dường như xuất khẩu của Việt Nam là xuất hộ nước ngoài. Ví dụ nói chúng ta xuất khẩu được nông sản nhưng chúng ta cũng nhập từ giống đến phân bón, thuốc trừ sâu, máy móc thiết bị…

Nên nhớ thêm rằng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hiện nay chiếm 73%. Như vậy về cơ bản, xuất khẩu của Việt Nam đâu có được cái gì vì toàn là xuất khẩu hộ; hàm lượng giá trị gia tăng của Việt Nam rất ít.

Về thu hút FDI, có thể thấy càng nhiều FTA, vốn ngoại vào càng nhiều và Việt Nam càng phải ưu đãi thêm về thuế, đất đai… Trong 10 năm tới, tỷ trọng xuất khẩu của khu vực FDI còn tăng thêm ít nhất 10% nữa. Đồng nghĩa với đó là tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp quốc nội bị co lại. Vậy chúng ta, ngoài các tỷ phú bất động sản, còn lại cái gì?

Về nguyên tắc, sự lớn lên của khu vực FDI có thể làm tăng GDP. Nhưng tăng GDP có ý nghĩa gì khi ngân sách vẫn căng thẳng và người dân còng lưng cõng thêm gánh nặng của thuế khóa?

Tham gia nhiều FTA và sắp tới là CPTPP, tôi thấy người dân Việt Nam chuẩn bị phải chịu một gánh nặng nữa về các khoản thuế, phí để bù lại sự hụt thu khi tham gia hôi nhập.

Bởi tham gia vào các hiệp định đó thì nguồn thu từ thuế nhập khẩu sụt giảm. Thuế nhập khẩu giảm thì Bộ Tài chính buộc phải tăng thu thuế trong nước để bù đắp. Chúng ta đã thấy những đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng, thậm chí đề xuất đánh thuế cả nước ngọt, trà, cà phê… Đó là chính sách thuế tận thu để bù cho việc hụt thu khi tham gia hội nhập.

- Như ông nói thì chúng ta không có lợi ích gì nổi trội từ các hiệp định?

Tham gia vào các FTA nói chung và CPTPP nói riêng sẽ làm GDP tăng. Nhưng GDP tăng lại làm các nguồn lực giảm đi và người dân nặng gánh hơn.

GDP chỉ là một chỉ tiêu nhưng Việt Nam đang dùng nó như là chỉ tiêu duy nhất để đánh giá sức khỏe nền kinh tế. Chúng ta đều biết phương pháp tính GDP, xây nhiều cổng chào, tượng đài cũng làm tăng GDP. Vậy cứ bám vào con số GDP để làm gì? Cái vấn đề cốt lõi của một đất nước là GNI (thu nhập quốc gia), là NDI (thu nhập quốc gia khả dụng)… thì Việt Nam lại chưa tính đến.

Trong khi đó, thực tế hiện nay cho thấy GDP càng tăng thì càng bội chi nhiều, càng nợ công lắm. Thế lao theo tăng trưởng GDP làm gì để cuối cùng là tận thu và người dân phải chịu?

- Với CPTPP, hàng rào thuế quan được hạ rất thấp, thậm chí gỡ bỏ ở một số thị trường/mặt hàng, doanh nghiệp Việt sẽ mở rộng được thị trường, tăng xuất khẩu, đó là lợi ích chứ?

Tôi cho rằng cái xuất đấy mới là nguy hiểm, vì như tôi đã nói ở trên, chúng ta có gì để xuất đâu. Cái này tôi đã nói từ 10 năm nay nhưng không có gì thay đổi.

- Khi tham gia vào CPTPP, chúng ta sẽ phải sửa đổi rất nhiều quy định về pháp luật và chính sách, với những gì ông phân tích thì đây có lẽ là lợi ích lớn nhất cho Việt Nam?

Đúng vậy. Đấy là lợi ích lớn nhất. Còn nếu không thay đổi thì chẳng được lợi ích gì. Tôi lấy ví dụ từ khi gia nhập WTO đến nay, 10 năm rồi, chính sách thuế của Việt Nam vẫn không hề thay đổi. Chúng ta bóp thuế doanh nghiệp trong nước, trong khi ưu đãi thênh thang cho doanh nghiệp nước ngoài. Chính sách thuế như vậy là không công bằng giữa doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp nội.

- Ông có thể lấy một số ví dụ và nêu cách thay đổi?

Chẳng hạn ai cũng nói phải chú trọng nông nghiệp, nhưng tại nông nghiệp và đầu vào của nông nghiệp như thuốc trừ sâu lại "được" hưởng chính sách không chịu thuế, tức là VAT đầu vào không được khấu trừ, trong khi xuất khẩu "hộ" lại "chịu" thuế suất bằng 0, tức là vừa không chịu thuế vừa được khấu trừ VAT đầu vào.

Tại sao doanh nghiệp nội khi bán sản phẩm trong nước không được ưu đãi về chính sách thuế mà chỉ doanh nghiệp FDI được hưởng? Người Việt Nam chịu khổ quen rồi nên tiếp tục chịu đựng sao?

- Có tính toán rằng khi tham gia CPTPP, từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ giảm được 0,6 triệu người nghèo. Ông có cho rằng người nghèo sẽ được hưởng lợi từ CPTPP?

Tôi không nghĩ như thế. Nếu vẫn theo cấu trúc cũ thì khi tham gia các hiệp định, người nghèo chịu ảnh hưởng nhất, dễ tổn thương nhất.

- Vậy tầng lớp nào sẽ thụ hưởng lợi ích nhất?

Theo tôi nếu không thay đổi thì người Việt Nam chẳng được hưởng lợi gì. Còn nếu thay đổi thì Việt Nam được hưởng lợi quá nhiều.

- Ông đã nói rất nhiều đến hai chữ thay đổi, ông có thể nói rõ chúng ta cần thay đổi những gì?

Thay đổi cần nhất là thay đổi cách nghĩ, không lấy hình thức để quyết định hoặc che đậy nội dung, không quan tâm đến thành tích "ảo".

Thứ hai là chính sách cần hướng đến người dân rồi mới đến doanh nghiệp nội. Thứ tự ưu tiên chính sách về sở hữu cũng như ngành cần thay đổi dựa trên tình hình kinh tế thực.

Thứ ba là giảm trừ dần, tiến tới triệt tiêu tham nhũng từ nhỏ đến to.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác