‘Áp lực tăng tỷ giá sẽ gia tăng trong năm tới’

Bình Yên (thực hiện) - 10/10/2017 10:21 (GMT+7)

(VNF) - Mặc dù tỷ giá vẫn đang trong giai đoạn ổn định trong thời gian qua, tuy nhiên áp lực tăng tỷ giá sẽ gia tăng trong thời gian tới, theo nhận định của TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng hàng đầu Việt Nam. Trong cuộc trả lời phỏng vấn dành riêng cho VietnamFinance, ông Lê Xuân Nghĩa đã phân tích chi tiết các yếu tố có thể tác động lên tỷ giá.

VNF
TS. Lê xuân Nghĩa

"Từ cuối quý IV/2016 đến nay tỷ giá hối đoái VND so với USD khá ổn định. Mức tỷ giá VND/USD không hề thay đổi trong gần một năm qua, mặc dù tỷ giá trung tâm được NHNN điều chỉnh tăng giảm khá linh hoạt. Tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường tự do cũng chênh lệch không đáng kể, mặc dù giá vàng lên xuống khá thất thường.

Điều này cho thấy việc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô gắn với chương trình chống vàng hóa và đô la hóa đã đạt được kết quả quan trọng. Tình trạng găm giữ ngoại tệ và dịch chuyển tài sản từ nội tệ sang ngoại tệ và ngược lại đã giảm mạnh, nhờ đó trong 9 tháng NHNN đã tăng thêm được dự trữ ngoại tệ xấp xỉ 4,5 tỷ USD và đảm bảo tổng dự trữ ngoại tệ trên 11 tuần nhập khẩu (ngưỡng an toàn)", ông Nghĩa mở đầu.

Dựa trên tình trạng khá tích cực này, ông đánh giá thế nào về vấn đề dự trữ ngoại tệ của Việt Nam?

Tổng đầu tư gián tiếp (cổ phiếu, trái phiếu) của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến đầu tháng 9/2017 xấp xỉ 25 tỷ USD, chỉ bằng 55% tổng dự trữ ngoại tệ. Đây cũng là mức dự trữ ngoại tệ an toàn cho đầu tư gián tiếp nước ngoài nói riêng và thanh khoản quốc tế nói chung của Việt Nam.

Một số chuyên gia nước ngoài bày tỏ sự ngạc nhiên khi tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vẫn được duy trì trong khi Việt Nam vẫn đang ổn định tỷ giá theo hướng "neo" VND vào USD. Điều này nên được hiểu thế nào?

Tỷ giá VND neo vào USD và được giữ ổn định trong gần một năm qua, trong khi cùng thời gian trên đồng USD mất giá so với các đồng tiền chủ chốt khác khoảng 9%, đồng nghĩa với việc VND cũng mất giá tương tự so với các đồng tiền chủ chốt khác. Đây là một trong những nguyên nhân tạo ra sự tăng trưởng vượt bậc của xuất khẩu Việt Nam ở cả khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực nội địa (Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng xấp xỉ 20%, trong đó khu vực nội địa tăng xấp xỉ 17%).

Ông đánh giá thế nào về tình hình lạm phát hiện tại. Theo dự báo của ông, chỉ số này sẽ "về đích" thế nào?

Chỉ số CPI (lạm phát đo theo kiểu truyển thống) từ nay đến cuối năm dự báo khá ổn định với mức tăng bình quân tháng cao nhất khoảng 0,4%. Như vậy CPI cả năm khoảng 3% và lạm phát bình quân (kiểu mới) khoảng dưới 4%. Trong trường hợp tăng giá điện vào các tháng còn lại của quý IV, thì tác động đến lạm phát cũng không lớn.

Theo tính toán của các nhà phân tích, nếu tăng giá điện 5% thì chỉ làm tăng lạm phát mỗi tháng thêm 0,011%. Do đó, áp lực tăng tỷ giá hối đoái nội tại từ nay đến cuối năm không nhiều. Áp lực tăng tỷ giá từ bên ngoài cũng không lớn, dự báo Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất vào tháng 12 (tháng cuối năm 2017) và mức tăng cũng không lớn do lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức rất thấp so với kỳ vọng của FED.

Lạm phát của Việt Nam năm 2018 có thể vẫn chỉ ở mức năm 2017. Các yếu tố bên ngoài như tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2018 chỉ xấp xỉ hoặc thấp hơn năm 2017 (2017: 4%, dự kiến 2018: 3,9%) nghĩa là giá cả hàng hóa thế giới có thể không tăng hoặc tăng không đáng kể. Dự báo giá dầu mỏ có thể vẫn duy trì ở mức bình quân 2017, giá kim loại đang có dấu hiệu chững lại sau mấy tháng tăng liên tiếp từ giữa năm 2017. Giá các nhóm hàng hóa khác nhìn chung ít biến động, ngoại trừ giá lương thực do bị ảnh hưởng của báo lụt ở nhiều khu vực trên thế giới.

Các yếu tố bên trong cũng không có mấy đột biến, ngoại trừ một số điều chỉnh giá dịch vụ y tế và giá điện nhưng hiệu ứng lạm phát đang giảm giá dần. Lạm phát cơ bản (yếu tố tiền tệ tín dụng) năm 2017 dự kiến chỉ khoảng 1,6% -1,8%. Dự báo năm 2018 chỉ số này vẫn chỉ ở mức dưới 2%. Việc NHNN duy trì được lạm phát cơ bản dưới 2% là cái neo cơ bản để có thể kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý và ổn định dài hạn.

Tỷ giá VND/USD sẽ diễn biến như thế nào trong năm tới, thưa ông?

Năm 2018, áp lực tăng tỷ giá hối đoái có thể mạnh thêm chút ít, chủ yếu là do đồng USD tăng giá. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có vẻ không còn kiên nhẫn đợi lạm phát của Mỹ tăng trở lại, họ có thể điều chỉnh lãi suất thêm vài ba lần trong năm 2018, nhưng mức điều chỉnh không lớn.

FED đang đứng trước "áp lực kép" một mặt muốn tăng lãi suất thắt chặt tiền tệ và tăng giá đồng đô la, mặt khác với chính sách kinh tế thiên về "trọng cung" của Donal Trump trong khi cắt giảm các Hiệp định thương mại tự do khiến cho hàng hóa dư thừa, lạm phát giảm, chưa kể những áp lực cạnh tranh giảm giá từ các đối tác thương mại khác là Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản…Điều này khiến cho FED phải tăng lãi suất cầm chừng và do đó đồng USD phục hồi giá trị chậm so với các đồng tiền chủ chốt khác.

Tóm lại tỷ giá hối đoái 2018 có thể tăng nhẹ so với 2017 và chủ yếu là do tăng giá nhẹ của đồng USD.

Cùng chuyên mục
Tin khác