Bê bối dầu ăn chở bằng xe bồn bẩn: Một mặt hàng lên ngôi
(VNF) - Vụ bê bối dùng xe bồn hóa chất chở dầu ăn thôi thúc người dân Trung Quốc mua máy ép dầu vì lo ngại về an toàn thực phẩm.
Một vụ điều tra về những bất thường trong các xe tải chở dầu ở Trung Quốc đã thúc đẩy người dân địa phương tìm nguồn cung thay thế trong bối cảnh lo ngại về độ an toàn của các loại dầu ăn có trên thị trường.
Họ đang chuyển sang tự sản xuất dầu bằng cách mua máy ép dầu gia dụng. Theo báo cáo địa phương, doanh số bán những chiếc máy này trong hai tuần qua đã vượt quá doanh số bán trong 6 tháng.
Báo chí địa phương trích dẫn dữ liệu từ nhà bán lẻ trực tuyến JD.com cho hay lượng tìm kiếm máy ép dầu tăng gấp 22 lần và doanh số bán hàng tăng gấp 4 lần từ ngày 5/7-12/7 so với doanh số trước khi vụ bê bối nổ ra.
“Nó thậm chí còn chưa mở, tôi có nên ăn nó hay không?”, một người đăng bài trên nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu, kèm theo chú thích là một video về một chai dầu ăn, đã thể hiện nỗi lo lắng của người dân địa phương.
“Thật đáng tiếc khi phải vứt nó đi, nhưng tôi sợ phải đến bệnh viện và dùng hết tiền để trả viện phí nếu tôi ăn nó”, một người dân tại tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc có cùng mối lo ngại. Một số hashtag thảo luận về vụ bê bối này dường như cũng đã bị kiểm duyệt trên một số nền tảng mạng xã hội khác của Trung Quốc.
Chính quyền Trung Quốc đầu tháng này đã mở cuộc điều tra về các lo ngại về an toàn thực phẩm sau khi truyền thông trong nước tiết lộ rằng một công ty nhà nước lớn là Sinograin đã sử dụng xe bồn chở nhiên liệu để vận chuyển dầu ăn.
Theo tờ Beijing News của Đảng Cộng sản Trung Quốc, những container này không được vệ sinh giữa các lần “thay ruột”. Tập đoàn tư nhân Hopefull Grain and Oil Group cũng được nêu tên trong báo cáo.
Nhiều tài xế được phỏng vấn cho hay để tiết kiệm chi phí, những xe bồn này thường không được vệ sinh trước khi vận chuyển các chất lỏng ăn được như dầu ăn, dầu đậu nành và xi-rô. Một số nhà sản xuất dầu ăn cũng không kiểm tra hoặc thực thi nghiêm ngặt việc kiểm tra xem các thùng chứa có sạch hay không, Beijing News đưa tin.
Một tài xế xe bồn cho biết đây là một “bí mật công khai” trong ngành vận tải xe bồn, thường thực phẩm và chất lỏng hóa học được vận chuyển thay thế cho nhau mà không được khử trùng hoặc làm sạch.
“Điều đó có nghĩa là người Trung Quốc sẽ sợ ăn ngoài. Họ không muốn ăn ở nhà hàng”, ông Shaun Rein, người sáng lập China Market Research Group, cho biết. Ông phỏng đoán rằng người tiêu dùng Trung Quốc cũng sẽ bắt đầu mua nhiều dầu nhập khẩu hơn, cũng giống như tác động lan tỏa của vụ bê bối melamine năm 2008.
Năm 2008, Trung Quốc chấn động bởi một trong những vụ bê bối an toàn thực phẩm tồi tệ nhất khi melamine, một loại hóa chất dùng trong nhựa, được thêm vào sữa khiến 300.000 trẻ em bị đầu độc và khiến sáu trẻ tử vong.
“Người Trung Quốc bắt đầu đến Úc, châu Âu để mua sữa bột trẻ em. Tôi nghĩ điều tương tự cũng sẽ xảy ra với dầu ăn. Hãy cẩn thận với các sản phẩm thực phẩm ‘Made in China’, ông Rein nói với “Squawk Box Europe” của CNBC.
Times Finance, tờ báo cũng đưa tin về sự gia tăng doanh số bán máy ép dầu, đã trích lời một người dân địa phương cho biết ông dự định đến Hồng Kông để mua dầu ăn và các loại gia vị khác, và sẽ nấu ăn ở nhà nhiều hơn vì ông không chắc chắn về loại dầu được sử dụng trong các món ăn được ông mua ở ngoài.
Chính quyền Trung Quốc đã hứa sẽ có hành động mạnh tay đối với những kẻ phạm tội. “Các doanh nghiệp bất hợp pháp và những người có trách nhiệm liên quan sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc theo luật pháp và sẽ không được dung thứ”, Ủy ban An toàn Thực phẩm của Quốc vụ viện Trung Quốc nêu rõ.
Bê bối an toàn thực phẩm 'rúng động': Dầu ăn chở bằng xe bồn bẩn, lẫn hóa chất
- Cuộc tổng đình công đe doạ chuỗi cung ứng chip, Samsung ‘xuống nước’ 19/07/2024 10:55
- Phương Tây đánh chặn, thanh toán bằng Nhân dân tệ của Nga ngày càng bế tắc 19/07/2024 08:00
- Xây nhà máy năng lượng mặt trời: Trung Quốc bùng nổ, Mỹ lép vế 18/07/2024 04:27
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone