Big Tech Trung Quốc tăng gấp đôi chi tiêu cho AI bất chấp hạn chế từ Mỹ

Bích Hợp - 26/08/2024 14:16 (GMT+7)

(VNF) - Các "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc đã tăng gấp đôi chi tiêu vốn trong năm nay khi họ đầu tư mạnh tay vào cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI), bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm hạn chế sự tiến bộ của nước này trong công nghệ quan trọng này.

Alibaba, Tencent và Baidu đã chi tiêu vốn lên tới 50 tỷ Nhân dân tệ (7 tỷ USD) trong nửa đầu năm, tăng gấp đôi so với 23 tỷ nhân dân tệ của năm trước.

Các tập đoàn cho biết trọng tâm của các khoản chi là mua bộ xử lý và cơ sở hạ tầng liên quan đến việc cung cấp năng lượng cho việc đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn cho AI, cả mô hình của riêng họ và của những công ty khác.

Công ty mẹ của TikTok là ByteDance cũng đã tăng chi tiêu liên quan đến AI, được hỗ trợ bởi khoản tiền mặt hơn 50 tỷ USD và có lợi thế là công ty tư nhân và ít bị giám sát bởi các nhà đầu tư, FT dẫn nguồn thạo tin cho hay.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào R&D và chi phí vốn AI để đảm bảo sự tăng trưởng của mảng kinh doanh đám mây do AI thúc đẩy. Đơn giản là vì chúng tôi thấy rất nhiều nhu cầu chưa được đáp ứng từ nhiều khách hàng", giám đốc điều hành của Alibaba Eddie Wu nói với các nhà đầu tư trong tháng này.

Alibaba đang mua bộ xử lý để đào tạo loạt mô hình AI Tongyi và cho thuê sức mạnh tính toán cho những doanh nghiệp khác. Tổng chi phí đầu tư của "gã khổng lồ" công nghệ Trung Quốc trong nửa đầu năm là 23 tỷ nhân dân tệ, tăng 123% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Wu cho biết: "Ngay khi chúng tôi đưa một máy chủ vào hoạt động, máy chủ đó về cơ bản sẽ chạy hết công suất ngay lập tức. Chúng tôi có thể mong đợi thấy ROI (lợi tức đầu tư) rất cao trong những quý tiếp theo".

Doanh số bán hàng cho mảng kinh doanh đám mây của tập đoàn đã tăng tốc trong quý II, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Alibaba cho biết doanh thu từ các sản phẩm liên quan đến AI đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023.

Sự tăng trưởng đột biến này một phần là do các khoản đầu tư vào các công ty khởi nghiệp AI của Trung Quốc được xây dựng để thu hút khách hàng. Gần một nửa trong số 800 triệu USD mà công ty này đầu tư vào công ty khởi nghiệp AI Moonshot vào tháng 2 là dưới dạng phiếu mua hàng để mua các dịch vụ đám mây của công ty.

Trong khi các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đang cắt đứt quyền tiếp cận của Trung Quốc với các bộ xử lý AI hàng đầu của Nvidia như H100 và dòng Blackwell sắp ra mắt, các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc có thể mua các bộ xử lý hiệu suất thấp hơn như H20 của Nvidia, được thiết kế để không vượt quá ngưỡng công suất tính toán do Washington đặt ra.

Các nhà phân tích dự kiến ​​Nvidia sẽ vận chuyển hơn 1 triệu bộ xử lý cho các tập đoàn công nghệ Trung Quốc trong những tháng tới, với giá từ 12.000 đến 13.000 USD cho mỗi bộ. Trong đó, ByteDance là một khách hàng lớn, hai người quen thuộc với vấn đề này cho biết.

Chuyên gia Dylan Patel thuộc nhóm nghiên cứu chip SemiAnalysis ước tính công ty mẹ của TikTok đã mua hàng trăm nghìn chip H20 cho các trung tâm dữ liệu của mình tại Trung Quốc, đồng thời chi mạnh tay để hợp tác với các đối tác và xây dựng cơ sở hạ tầng điện toán tại Johor, Malaysia.

“ByteDance là đơn vị mua AI lớn nhất của Trung Quốc vì họ đang đầu tư mạnh vào Trung Quốc, Malaysia và mua từ các công ty công nghệ đám mây của Mỹ”, ông Patel cho biết.

Gã khổng lồ truyền thông xã hội và trò chơi điện tử Tencent cho biết các khoản đầu tư capex (viết tắt của từ Capital Expenditure được hiểu là chi phí đầu tư vào tài sản cố định của doanh nghiệp) đã tăng lên 23 tỷ nhân dân tệ trong 6 tháng đầu năm nay, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước, một phần "do đầu tư vào máy chủ GPU và CPU".

Theo Giám đốc chiến lược Tencent, ông James Mitchell, hoạt động kinh doanh đám mây của công ty đã được hưởng lợi từ nhu cầu thuê bộ xử lý đồ họa ngày càng tăng nhưng ở quy mô nhỏ hơn so với sự bùng nổ mà các công ty cùng ngành ở Mỹ đang trải qua.

"Các công ty khởi nghiệp đang cố gắng xây dựng các mô hình ngôn ngữ lớn của riêng họ ở Trung Quốc. Có rất nhiều công ty nhỏ, nhưng chúng có vốn hóa khoảng 1 tỷ - 2 tỷ USD chứ không đạt mức vốn hóa 10 tỷ USD hoặc 90 tỷ USD như ở Mỹ”, ông James cho hay.

Dù vậy, vẫn có những khoản đầu tư dè dặt. Một người hiểu rõ về chiến lược đầu tư của Tencent cho biết công ty này đang có những khoản chi nhỏ hơn cho các nhóm AI vì vẫn còn lo ngại về lập trường quản lý của Bắc Kinh.

Baidu, công ty đi đầu về AI lâu năm của Trung Quốc, là công ty hạn chế chi tiêu nhất khi chi 4,2 tỷ nhân dân tệ trong nửa đầu năm, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, chi tiêu vốn đầu tư của cá tập đoàn lớn của Trung Quốc vẫn còn kém xa so với các công ty cùng ngành ở Mỹ. Alphabet, Amazon, Meta và Microsoft đã chi 106 tỷ USD trong nửa đầu năm và cam kết đầu tư thêm trong những tháng tới.

Theo Financial Times
Trung Quốc loay hoay đối phó khủng hoảng thừa thép

Trung Quốc loay hoay đối phó khủng hoảng thừa thép

Tài chính quốc tế
(VNF) - Trung Quốc đã đột ngột đình chỉ việc phê duyệt các nhà máy thép mới khi nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng làm giảm lợi nhuận của ngành và thúc đẩy xuất khẩu tăng vọt.
Cùng chuyên mục
Tin khác