Các ông lớn công nghệ Trung Quốc ‘mất ăn mất ngủ’ sau tuyên bố của ông Tập Cận Bình

Minh Đăng - 17/03/2021 08:19 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết thời gian tới chính quyền sẽ tăng cường giám sát các “công ty nền tảng” (platform company) lớn đang nắm trong tay rất nhiều dữ liệu và quyền lực thị trường của nước này.

VNF
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Ông Tập Cận Bình ngày 16/3 đã chủ trì một hội nghị có sự tham dự của các quan chức hàng đầu của ủy ban giám sát tài chính quốc gia.

Phát biểu tại hội nghị, nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận định "sự phát triển của một số công ty nền tảng không theo quy chuẩn và điều đó tồn tại nhiều rủi ro".

Ông Tập cho rằng, những “gã khổng lồ” công nghệ đã tích hợp lượng dữ liệu khổng lồ và nhận được quá nhiều quyền lực thị trường. 

Do đó, ông Tập yêu cầu các nhà quản lý phải tăng cường giám sát các công ty vông nghệ, ngăn chặn tình trạng độc quyền, thúc đẩy cạnh tranh công bằng, ngừng tăng vốn vô tội vạ. Bên cạnh đó, ông yêu cầu các công ty công nghệ cần phải đảm bảo việc bảo mật dữ liệu và giám sắt chặt chẽ các hoạt động tài chính.

Thuật ngữ kinh tế nền tảng (platform) có thể áp dụng cho rất nhiều công ty từ truyền thông xã hội và thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ cho hàng trăm triệu người dùng, từ hãng công nghệ gọi xe Didi Chuxing, nền tảng giao hàng Meituan cho đến các ông lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử như JD.com và Pinduoduo.

Người đứng đầu Trung Quốc lưu ý rằng cần đẩy nhanh việc hoàn thiện chế tài để kịp thời lấp đầy những lỗ hổng, kẽ hở trong quy định đối với các doanh nghiệp này.

Theo CNBC, động thái mạnh mẽ bất thường từ ông Tập Cận Bình và các quan chức cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị mở rộng một chiến dịch quan trọng nhằm kiềm chế ảnh hưởng của các tập đoàn tư nhân lớn, có quyền lực trong nước.

Trước đó, Ant Group, công ty con của Alibaba là "nạn nhân" điển hình cho làn sóng kiểm soát mạnh mẽ từ giới chức Trung Quốc đại lục.

Hồi cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cùng cơ quan giám sát ngoại hối cũng yêu cầu Ant Group phải tuân thủ các quy tắc mới về mảng tín dụng vi mô (micro-lending) trong nỗ lực kìm hãm quy mô đang ngày càng phình to của gã khổng lồ này.

Các quy định mới từ chính quyền đại lục cũng khiến kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trị giá 37 tỷ USD của Ant Group, vốn được kỳ vọng trở thành đợt IPO lớn nhất thế giới, phải gác lại.

Mới đây, Tencent cùng 11 tập đoàn công nghệ Trung Quốc đã bị Cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc (SAMR) xử phạt vì liên quan đến 10 thương vụ thể hiện hành vi độc quyền bất hợp pháp. Mỗi công ty phải chịu khoản phạt lên tới 500.000 NDT, tương đương 77.000 USD.

Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn thạo tin cho biết hình phạt tài chính với Tencent vì lợi dụng vị thế độc quyền có thể sẽ chỉ là bước khởi đầu. Tencent tới đây sẽ là mục tiêu tiếp theo trong nỗ lực tăng cường giám sát với các tập đoàn công nghệ tài chính.

Bước đi này đánh dấu bước hành động quyết liệt của Bắc Kinh trong chiến dịch kiểm soát ảnh hưởng của các ông lớn công nghệ. Nó diễn ra chỉ ít ngày sau khi Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố chính quyền sẽ mở rộng giám sát đối với lĩnh vực công nghệ tài chính, tăng cường chống độc quyền, ngăn chặn bùng nổ vốn “mất kiểm soát”.

Xem thêm >> Biểu tình Myanmar: 149 người tử vong, hàng trăm người vượt biên sang Ấn Độ

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.