Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận: 80 ngày vận hành xảy ra 55 vụ va chạm

Chí Bình - 21/07/2022 11:43 (GMT+7)

(VNF) - Sau gần 80 ngày vận hành cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đã có 55 vụ va chạm khi lưu thông trên tuyến. Trước những vấn đề mang tính cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sự an toàn của người dân, các chuyên gia cho rằng cần phải thực hiện một số giải pháp cụ thể để khắc phục tình trạng này.

VNF
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận liên tiếp xảy ra va chạm trong thời gian qua.

Trong tháng 7 vừa qua, UBND tỉnh Tiền Giang, trong vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã làm việc với các nhà đầu tư và Tập đoàn Đèo Cả, đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị một số giải pháp nhằm sớm khắc phục những hạn chế mà việc vận hành công trình sau khi hoàn thành giai đoạn 1 đã bộc lộ trong thời gian qua.

Như đã biết, tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,5km, được khởi công năm 2009, nhưng bị đình trệ suốt 10 năm. Năm 2019, Tập đoàn Đèo Cả được mời quản trị và điều hành dự án

Từ ngày 30/4/2022, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận được đưa vào khai thác không thu phí trong vòng 90 ngày để đánh giá chất lượng công trình và các bất cập liên quan đến đảm bảo an toàn giao thông của phương án phân kỳ đầu tư giai đoạn 1.

Theo PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), quãng thời gian từ năm 2019 đến khi hoàn thành dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã đối mặt với những khó khăn rất lớn, đó là dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn, khan hiếm nguồn vật liệu dẫn đến giá tăng đột biến.

Đặc biệt, với tính chất nền đất yếu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long để kịp tiến độ hoàn thành dự án theo yêu cầu của Chính phủ, các đơn vị này đã đã rất nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp đòi hỏi kỹ thuật cao để xử lý, rút ngắn thời gian chờ lún của nền đường… để đưa dự án về đích đúng hẹn, đúng theo thiết kế kỹ thuật của Bộ GTVT phê duyệt...

Theo ông Chủng, việc vận hành dự án mà chưa thu phí sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải tự bỏ nguồn tài chính để phục vụ công tác vận hành, chưa có nguồn thu để hoàn trả vốn và lãi vay cho ngân hàng... Với lưu lượng xe như hiện nay, 90 ngày không thu phí thì nhà đầu tư sẽ hụt nguồn thu hàng trăm tỷ đồng.

Việc Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cho lưu thông miễn phí một thời gian dài để nhận diện về chất lượng công trình, mức độ an toàn cho người tham gia giao thông là đáng hoan nghênh nhưng một khi dự án chưa thu phí thì còn nhiều thiệt hại cho các nhà đầu tư và liên danh ngân hàng hợp vốn cấp  tín dụng…

Theo PGS.TS Dương Đăng Huệ, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế - Dân sự (Bộ Tư pháp), đây là một hành động đã thể hiện sự thiện chí của nhà đầu tư cũng như ý thức tuân thủ nguyên tắc hợp tác của nhà đầu tư với nhà nước trong quá trình xây dựng, vận hành công trình dự án đã được ghi nhận trong Luật PPP.

Tuy nhiên, PGS.TS Dương Đăng Huệ cũng cho rằng mọi sự chia sẻ, thiện chí đều có giới hạn. Dự án cần phải đưa vào thu phí theo kế hoạch, thực hiện đúng nguyên tắc của hợp đồng và phương án tài chính đã ký để đảm bảo quyền lợi và tạo niềm tin cho doanh nghiệp đã dám mạnh dạn đảm nhận xử lý các vướng mắc, hoàn thành dự án.

"Còn một số vướng mắc, bất cập khác phát sinh trong quá trình thực hiện dự án ngoài việc các bên phải cùng nhau hợp tác để tiếp tục giải quyết vẫn cần có sự chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, không thể để dự án bị dừng khai thác, không thể để sự chậm trễ lại tiếp xảy ra một lẫn nữa sau 13 năm đình trệ”, ông Huệ nói.

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận, sau gần 80 ngày đưa vào khai thác (từ 30/4 đến ngày 17/7/2022), đơn vị quản lý vận hành cao tốc đã phục vụ hơn 1.800.000 lượt xe (lưu lượng trong 30 ngày gần đây đạt khoảng hơn 31.000 xe/ngày đêm); giải quyết 55 vụ va chạm; cứu hộ 489 trường hợp xe bị hỏng, chết máy, nổ lốp, hết nhiên liệu; tiếp nhận giải đáp hơn 1.100 cuộc gọi.

Vấn đề chính của dự án là việc triển khai hoàn thành giai đoạn 1 quá chậm, kéo dài hơn 1 thập kỷ và chưa đưa vào thu phí nên các phương tiện tập trung đi nhiều vào cao tốc, khiến lưu lượng xe tăng đột biến, gây ra nhiều tai nạn, làm khó và khổ cho đơn vị quản lý vận hành.

Cùng chuyên mục
Tin khác