(VNF) - Phía Đông Hà Nội đang dần chuyển mình khi nhiều nhà phát triển đã chọn nơi đây để triển khai các đại dự án trong thời gian qua.
Sự trỗi dậy của bất động sản bên kia sông Hồng
Sau cuộc đại điều chỉnh địa giới hành chính năm 2008 khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, đã chính thức mở ra thời kỳ mới ở phía Tây, với các tuyến đường xuyên tâm, huyết mạch gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú, Lê Văn Lương kéo dài, Quốc lộ 32-Nhổn, Đại lộ Thăng Long. Cũng từ đó, thị trường bất động sản Hà Nội lệch hẳn về phía Tây với sự xuất hiện hàng loạt khu đô thị quy mô lớn như Geleximco Lê Trọng Tấn, Splendora Bắc An Khánh, Nam An Khánh, HUD Vân Canh, khu đô thị Vườn Cam…
Cùng thời điểm này, ở phía Đông Hà Nội lại khá mờ nhạt khi gần như không được giới đầu tư quan tâm, một phần vì giao thông cách trở “ngăn sông cách cầu”, hạ tầng nghèo nàn, một phần dự án chưa có nhiều. Trước những năm 2010, khu Đông chủ yếu là sản phẩm nhà ở giá rẻ như khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Việt Hưng, Thượng Thanh, Rice City… cũng như một số dự án chung cư giá rẻ dưới 20 triệu đồng/m2 chưa tạo được dấu ấn như khu Tây.
Tuy nhiên, giờ đây khu Đông Hà Nội đang dần chuyển mình với làn sóng cư dân đổ về sinh sống, tâm lý ngại “qua sông” gần như biến mất. Đặc biệt hệ thống cầu vượt sông Hồng ngày càng hoàn thiện và các kế hoạch như xây cầu mới đã trở thành cú hích cho khu Đông kéo theo đó là sự trỗi dậy của thị trường bất động sản.
Theo Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Nội sẽ xây dựng thêm 10 cây cầu lớn vượt sông Hồng, trong đó, một số dự án bắt đầu thi công. Cầu Vĩnh Tuy 2, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Tứ Liên, Thăng Long mới, cầu Thượng Cát, Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Vân Phúc và cầu Phú Xuyên được xây dựng không chỉ nhằm khép kín và tạo sự liên kết các vành đai mà còn mở thêm hướng phát triển đô thị Hà Nội về phía Đông theo mô hình đa trung tâm.
Cùng với mạng lưới cầu, phía Đông Hà Nội hiện là khu vực có hệ thống đường bộ đồng bộ. Dễ thấy nhất là những công trình lớn như nút giao Cổ Linh. Từ khi chính thức đi vào hoạt động đầu năm 2021, đã giúp kết nối loạt tuyến huyết mạch như vành đai 3, Cổ Linh, cầu Thanh Trì, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… Ngoài ra, khả năng kết nối vùng của phía Đông đang rộng mở với sự xuất hiện của các dự án lớn như đường liên tỉnh nối Hà Nội - Hưng Yên; vành đai 3,5; vành đai 4. Riêng tuyến vành đai 4 dài hơn 112km đi qua 3 tỉnh Hà Nội - Hưng Yên - Bắc Ninh đã được Quốc hội thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư trong năm 2022.
Thực tế cho thấy, những năm trở lại đây, khu vực phía Đông ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, Ecopark, Masterise, T&T, BRG Group… nguồn cung từ đó cũng tăng mạnh. Với sự xuất hiện của loạt ông lớn bất động sản, cơ cấu sản phẩm tại phía Đông cũng ngày càng đa dạng từ căn hộ trung, cao cấp đến các loại hình biệt thự đã đưa mặt bằng giá nơi đây lên cao, thậm chí có phân khúc giá ngang ngửa khu vực trung tâm Hà Nội. Đơn cử, tại Vinhomes Ocean Park, căn hộ đang giao dịch ở thị trường thứ cấp hiện đã vượt 40 triệu đồng/m2. Một số phân khu mở bán mới đã bán trên 50-60 triệu đồng/m2. Đặc biệt, biệt thự đơn lập có diện tích 368m2 đang được rao bán với giá 312 triệu đồng/m2. Tương tự tại Ecopark, trong năm 2019, sản phẩm biệt thự đảo có mức giá trung bình 20 tỷ đồng/căn và được đánh giá là “giá quá cao”. Thực tế tới nay, các sản phẩm này đang được rao bán trên thị trường với giá 50-60 tỷ đồng/căn.
Tại sao nên mở rộng về phía Đông?
GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhận định bất động sản khu Đông chắc chắn tiềm năng. Khi nói về việc mở rộng Hà Nội, ông Võ luôn ủng hộ Hà Nội mở rộng theo phương án lấy sông Hồng làm trung tâm và chia Hà Nội thành 2 nửa cân đối tả và hữu sông Hồng. Theo ông Võ, sự phát triển về phía Đông là phù hợp với địa thế phong thủy của Hà Nội. “Chúng ta cần thay đổi cách nhìn về sông Hồng để lấy hết tiềm năng từ đó cho phát triển Hà Nội. Đừng để dòng sông này đóng vai quốc phòng chủ đạo, hãy bắt sông Hồng đóng vai tạo động lực kinh tế để phát triển Hà Nội. Một dải đất gắn với sông Hồng và đất phía Đông và phía Bắc Hà Nội phải trở thành đất vàng”, ông Võ nhìn nhận.
GS Đặng Hùng Võ cho rằng việc những năm gần đây khá nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp quan tâm tới khu vực phía Đông Hà Nội là lựa chọn chính xác. Nhiều dự án lớn đã chiếm gần hết chỗ của quận Long Biên, phía Đông Hà Nội sẽ sớm trở thành một vùng đô thị sầm uất. Đơn cử, Vingroup hiện có đại dự án Vinhomes Ocean Park rộng tới 1.200ha, bao gồm 3 tổ hợp: Ocean Park 1, Ocean Park 2, Ocean Park 3. Hay như Ecopark với khu đô thị sinh thái quy mô 500ha ở Văn Giang. Cả Ocean Park 1, 2 cũng như Ecopark đã tạo thành những điểm đô thị ban đầu của khu vực phía Đông.
“Nếu như Ecopark chú trọng cảnh quan, môi trường dưới dạng thảm thực vật thì Vingroup tạo ra được cảnh quan môi trường gắn với tiện ích sử dụng của người dân. Các khu đô thị của Vingroup đi theo mạch triết lý phát triển của họ, đưa cây xanh ở chừng mực nhất định và tạo dựng mặt nước là điểm nhấn quan trọng hơn nếu xét về tính chất xanh, đồng thời đẩy tính chất thông minh của một khu đô thị lên cao hơn. Có thể nói Vinhomes Ocean Park là điểm nhấn mới và tô điểm nhiều hơn cho khu vực phía Đông”, GS Đặng Hùng Võ nhận xét.
Đồng quan điểm, TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng phía Đông chính là tương lai của Hà Nội. Hơn nữa, tại phía Đông, ông nhắc tới “tam giác kinh tế Bắc Bộ” gồm Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh đã chính thức hình thành, đặc biệt là với sự kết nối của cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc Hải Phòng - Bãi Cháy. Bởi vậy, việc phát triển đô thị ra phía Đông sẽ tận dụng được sự kết nối này.
Bên cạnh đó, TS Vũ Đình Ánh cho rằng mở rộng về phía Đông là cơ sở để hiện thực hóa mong muốn phát triển kinh tế biển của Việt Nam. “Phát triển kinh tế biển là phải hướng về biển, về phía Đông, chứ không thể đi về phía núi. Trong khi đó, tại phía Đông Hà Nội chỉ cần 1 giờ chạy xe ô tô là tới biển. Phía Đông chính là hướng đi kéo những người ở biển tới Hà Nội và ngược lại, tiếp cận với kinh tế biển”, ông bình luận. “Với 3 tổ hợp Vinhomes Ocean Park 1, 2 và 3, tự bản thân nó đã hình thành đô thị vệ tinh. Với các đại dự án này, chúng ta có thể hi vọng vào sự phát triển của bờ phía Đông Hà Nội không kém, thậm chí hơn hẳn Hà Nội hiện tại”, TS Vũ Đình Ánh nhấn mạnh.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.