Diễn đàn VNF

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo: 'Nên xem sản xuất mobile game là một ngành kinh tế'

(VNF) - Nhà nước vẫn chưa công nhận mobile game (trò chơi trên điện thoại) là một ngành công nghiệp trong các ngành kinh tế số, mặc dù nó đã tạo ra cả tỷ USD ngoại tệ cho đất nước.

Doanh nhân Đỗ Cao Bảo: 'Nên xem sản xuất mobile game là một ngành kinh tế'

Ông Đỗ Cao Bảo, đồng sáng lập, ủy viên HĐQT Tập đoàn FPT.

Mobile game không xấu

Xã hội Việt Nam hiện nay vẫn tồn tại định kiến về game online nói chung và mobile game nói riêng như: game gây ra nhiều hệ luỵ về sức khỏe, thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng tới công việc, đời sống… Tuy nhiên, có một thực tế là số người chơi mobile game trên thế giới lại rất đông đảo. Thống kê cho thấy trên toàn cầu có trên 2,5 tỷ người tham gia chơi game, chiếm 32% dân số thế giới (Việt Nam tỷ lệ chơi game rất thấp, chỉ 3,6%). Những nước có nhiều người chơi game online nhất là: Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Đức, Anh, Pháp, Canada, Italy, Tây Ban Nha, đều là những nước giàu có và văn minh.

Không những thế tại nhiều quốc gia, chính phủ còn thành lập quỹ để hỗ trợ ngành công nghiệp mobile game như: Anh, Pháp, Canada. Nnăm 2019, số tiền chính phủ Đức chi cho quỹ hỗ trợ mobile game lên đến 50 triệu EUR. Chưa hết, esport (mobile game) còn trở thành bộ môn thi đấu chính thức ở Sea Games và Asian Games từ nhiều kỳ đại hội.

Công bằng mà nói, nếu chơi mobile game một cách hợp lý và khoa học, điều tiết được thời gian, không “nướng” tiền thì đây là một cách giải trí lành mạnh, giúp mọi người tương tác, kết nối với nhau trong một cộng đồng, rèn luyện tư duy, khả năng suy luận, nhanh tay, nhanh mắt, giữ cơ thể thăng bằng.

Chúng ta hãy thử đặt và trả lời các câu hỏi như sau: “tại sao người dân các nước văn minh giàu có lại chơi mobile game nhiều thế”, “tại sao chính phủ các nước văn minh lại ủng hộ mobile game và coi mobile game là một cấu thành trong nền kinh tế số”, “có phải chơi game là có hại”, “tại sao rượu, bia, thuốc lá cũng có nhiều tác hại mà xã hội Việt Nam lại không có nhiều định kiến xấu như chơi game”.

Như vậy, mobile game có mặt tốt, có mặt xấu, có cả lợi và có cả hại (chỉ hại với những người nghiện chơi game thôi), nhưng tác hại của mobile game chưa chắc đã nhiều bằng tác hại của rượu, bia, thuốc lá. Số người chết vì nghiện game chắc thấp hơn hàng nghìn lần số người chết vì nghiện rượu, bia, thuốc lá. Số gia đình lục đục vì chơi game chắc chắn ít hơn rất nhiều lần số gia đình lục đục vì nghiện rượu, bia. Số người mắc bệnh do sử dụng rượu bia, thuốc lá chắc chắn gấp hàng vạn lần số người chơi game.

Phải chăng vì đối tượng uống rượu bia, hút thuốc lá, chắc chắn đều là người lớn còn chơi game phần lớn là học sinh, sinh viên nên người lớn áp đặt quan niệm lên người trẻ, lấy quyền của mình phán xét chơi game là xấu, có hại và cấm người trẻ chơi game?

Rõ ràng mobile game ở Việt Nam đang bị đối xử không công bằng: hệ luỵ và tác hại ít hơn rượu, bia, thuốc lá mà lại bị đối xử tệ hơn; có hiệu quả kinh tế cao hơn, thu về cho đất nước hàng tỷ USD ngoại tệ nhưng lại bị ghẻ lạnh hơn 2 ngành tốn hàng tỷ USD ngoại tệ nhập về để tiêu xài.

Sản xuất, phát hành mobile game là ngành có hiệu suất cao

Đã từ lâu, hầu hết nước kinh tế phát triển coi phát hành (xây dựng) mobile game là một ngành kinh tế, không những thế còn là ngành kinh tế có hiệu suất cao, có tăng trưởng tốt. Với lợi thế hoàn toàn online, không có biên giới, mobile game càng có nhiều lợi thế trong đại dịch Covid-19, vì không hề bị ảnh hưởng bởi phong toả, giãn cách, không hề bị ảnh hưởng bởi việc dừng các đường bay quốc tế, đóng cửa biên giới quốc gia.

Quy mô thị trường game toàn cầu năm 2020 là 110 tỷ USD. Với tốc độ tăng trưởng 15,8% năm, đến năm 2025 dự kiến quy mô sẽ tăng lên 163 tỷ USD. Doanh thu của mobile game chủ yếu đến từ thu tiền quảng cáo trên game, một phần khác đến từ việc bán các vật phẩm trên game. Xu thế quảng cáo trên mobile game ngày càng tăng, dẫn đến sự tăng trưởng cao của thị trường này.

Vậy quy mô thị trường mobile game Việt Nam cao nhất là bao nhiêu? Câu trả lời là 110 tỷ USD vào năm 2020 và 163 tỷ USD vào năm 2025 (chính là thị trường toàn cầu), bởi mobile game làm gì có biên giới. Một game được phát hành tại Việt Nam có thể có hàng chục triệu game thủ trên toàn thế giới tải về chơi; tiền quảng cáo cũng thu về từ khắp nơi trên thế giới; người phát hành game sẽ được chia % theo số tiền quảng cáo trên game.

Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có được bao nhiêu trong cái bánh 110 tỷ USD đó? Tôi nghĩ phải tính tiền tỷ USD chứ không tính tiền trăm triệu USD, bởi Việt Nam được xếp hạng 7 trong số các quốc gia phát hành mobile game trên toàn cầu. Việt Nam đứng đầu ở khu vực Đông Nam Á - Úc châu (ANZSEA). Trong tốp 5 mobile game đứng đầu ANZSEA thì Việt Nam chiếm 3 và chiếm luôn vị trí số 1, số 3 và số 4, nhường vị trí số 2 cho Singapore và số 5 cho Úc; còn trong tốp 10 thì Việt Nam chiếm 5, Úc có 3, Singapore có 2.

Triển vọng của mobile game Việt Nam

Số liệu thống kê của 42Matters đã cho thấy tiềm năng và quy mô của Việt Nam trong lĩnh vực phát hành mobile game trên Google Play (phần này khi nói “game Việt Nam” nghĩa là “mobile game của các nhà phát hành game Việt Nam”). Cụ thể, có hơn 1.643 nhà phát hành Việt Nam trên tổng số 163.797 nhà phát hành game trên toàn thế giới, chiếm hơn 1% (GDP Việt Nam chỉ chiếm 0,4% tổng GDP thế giới); có hơn 5.618 game Việt Nam trong tổng số 434.949 mobile game toàn cầu, chiếm 1,29%.

Điểm đánh giá trung bình của 5.618 game Việt Nam là 3,96 sao/5 sao, cao hơn điểm trung bình game toàn thế giới là 3,85 sao. Số lượt tải xuống trung bình của các game Việt Nam là 411.380 lượt (tức mỗi game có trên 400.000 người chơi). Có đến 87% các game Việt Nam có doanh thu từ quảng cáo (trung bình thế giới là 73%); có đến 42% các game Việt Nam có sử dụng thanh toán trong ứng dụng để kiếm tiền và có 2% game Việt Nam được trả phí. Hiện tại có 108 công ty khởi nghiệp gaming tại Việt Nam, trong đó có 44 công ty khởi nghiệp tại TP. HCM.

Như vậy dựa theo số liệu về tỷ lệ số mobile game là 1,29%, có thể ước tính số tiền các doanh nghiệp phát hành mobile game Việt Nam thu được năm 2021 khoảng 1,32 tỷ USD (1,2% x 110 tỷ USD). Ước tính theo tỷ lệ người chơi game thì 1,2 tỷ USD là thu từ nước ngoài, chỉ có 120 triệu USD là từ trong nước, một con số không hề nhỏ. Như vậy nếu tính về giá trị gia tăng thì mobile game Việt Nam đã tương đương với ngành giày da, túi xách.

Phát triển mobile game có đặc thù là không cần đông người, không cần thiết kế phức tạp, mà cần tính sáng tạo, cần làm nhanh, đấy là thế mạnh của người Việt Nam. Phát triển mobile game lại là công việc hoàn toàn có thể làm việc ở nhà, giao tiếp với đồng nghiệp, cộng sự qua mạng; khách hàng, người chơi thì ở trên toàn thế giới, chẳng lo dịch bệnh hiện tại cũng như trong tương lai.

Các công ty mobile game Việt Nam thống trị ở Đông Nam Á và châu Đại dương, vượt cả các công ty Úc, Singapore, bỏ rất xa các công ty Malaysia, Thái Lan, Indonesia và chỉ chịu thua các công ty mobile game Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Phần Lan, Hàn Quốc là minh chứng cho tiềm năng rất lớn và thành công của ngành công nghiệp công nghệ non trẻ mới có 7 năm tuổi đời.

Trường hợp điển hình đầu tiên của mobile game Việt Nam là Nguyễn Hả Đông với trò chơi Flappy Bird có thu nhập từ quảng cáo lên đến 50.000 USD một ngày vào tháng 1/2014. Chính Nguyễn Hà Đông và Flappy Bird đã tạo ra động lực cho các thế hệ phát triển mobile game Việt Nam sau này.

Điển hình thứ 2 là Amanotes, công ty Việt Nam được thành lập năm 2014, được Sensor Tower xếp là nhà phát hành mobile game số 1 Đông Nam Á năm 2019, là nhà phát hành Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 20 thế giới, khiến công ty này trở thành 1 trong 10 nhà phát hành trò chơi di động hàng đầu thế giới. Năm 2021 Amanot tiếp tục giữ vị trí số 1 Đông Nam Á - Úc, New Zealand trong tốp các công ty phát hành mobile game. Amanotes đã kết hợp game với âm nhạ nên duy trì được nhiều người chơi trung thành, nhờ đó đã tăng trưởng cao liên tục trong 6 năm kể từ khi thành lập, với 800 triệu lượt tải xuống trò chơi, 10 triệu người dùng hàng ngày và xếp hạng số 1 trong danh mục trò chơi âm nhạc trên hơn 140 quốc gia trên thế giới.

Điển hình thứ 3 là Onesoft, công ty Việt Nam được thành lập năm 2009, bắt đầu phát triển mobile game năm 2014, năm 2018 được ghi nhận là công ty game có số lượt cài đặt cao nhất Đông Nam Á, năm 2021 được xếp thứ 2 Đông Nam Á - Úc, New Zealand trong tốp các công ty phát hành mobile game.

Điển hình thứ 4 là Sky Mavis, công ty được đăng ký kinh doanh ở Singapore (hoạt động theo luật Singapore), do Nguyễn Thành Trung sáng lập, có trụ sở ở TP. HCM. Sky Mavis phát triển game Axie Inifinity, hiện có 2 triệu người chơi hoạt động hàng ngày, có doanh thu đến từ việc giao dịch, mua bán các nhân vật trong game lên tới 2,2 tỷ USD, trong đó 17% số tiền thuộc về Sky Mavis. Ngày 5/10/2021, Sky Mavis đã gọi vốn Series B 150 triệu USD, như vậy Sky Mavis đã chính thức được định giá 3 tỷ USD chỉ sau có 5 năm thành lập. Trường hợp Sky Mavis chỉ có 40 nhân viên (80% là người Việt) có doanh thu 374 triệu USD một năm, giá trị công ty lên đến 3 tỷ USD, chỉ sau có 5 năm thành lập đã khẳng định về hiệu suất, năng suất lao động rất cao của ngành sản xuất, phát triển mobile game non trẻ.

Hãy trả lại công bằng cho mobile game

Mặc dù có tiềm năng lớn như vậy, nhưng hiện nay Việt Nam vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa khai thác hết “mỏ vàng” công nghiệp mobile game. Nếu phát huy hết tiềm năng, chúng ta có thể đưa thị phần của việc xây dựng mobile game Việt Nam từ 1,2% hiện nay lên 3%, 4% thị phần toàn cầu. Điều này có nghĩa là ngành công nghiệp phát hành mobile game của Việt Nam có thể có quy mô 3,5 - 4,5 tỷ USD một năm.

Nguyên nhân của việc hạn chế trên là định kiến của xã hội, của các cơ quan quản lý vẫn còn nặng nề, dẫn đến các công ty sản xuất mobile game khó thu hút nhân lực tài năng. Định kiến game là xấu, chơi game là có hại đã khiến các trường đại học không có chương trình đào tạo chính quy nguồn lực cho phát triển ứng dụng mobile game, các phụ huynh không ủng hộ con mình đi theo con đường phát triển các mobile game, còn nhiều bạn trẻ thì chỉ dám làm âm thầm, không cởi mở khi chia sẻ về công việc của mình.

Một điểm nữa là chính các cơ quan quản lý nhà nước hiện vẫn chưa công nhận trên báo cáo chính thức rằng mobile game là một ngành công nghiệp trong các ngành kinh tế số, mặc dù nó đã tạo ra cả tỷ USD ngoại tệ cho đất nước. Không công nhận thì tất nhiên không có hỗ trợ, không có chiến lược phát triển, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực.

Đã đến lúc trả lại công bằng cho mobile game. Ít nhất, nó phải được đối xử công bằng ngang với rượu, bia, thuốc lá. Chúng ta đã có Sabeco, Habeco trong ngành rượu bia, có Tổng công ty Thuốc lá là doanh nghiệp nhà nước, lẽ nào các doanh nghiệp mobile game lại phải tồn tại âm thầm.

Hãy để những người làm mobile game bước ra ánh sáng! Hãy coi sản xuất mobile game là một ngành kinh tế trong nền kinh tế số Việt Nam! Hãy đưa mobile game vào trong các báo cáo hàng năm của Chính phủ! Hãy đưa mobile game vào trong chiến lược phát triển kinh tế số Việt Nam!

Tin mới lên