Đón đầu chu kỳ mới, ngân hàng số dấn sâu vào cho vay tiêu dùng
(VNF) - Bước vào lĩnh vực cho vay tiêu dùng, các ngân hàng thuần số không chỉ tận dụng lợi thế công nghệ mà còn đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới. Các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm quyết định để các nhà băng này mở rộng thị phần và khẳng định vị thế trong bức tranh tài chính số hóa.
Tham gia sâu vào mảng cho vay tiêu dùng
Các ngân hàng thuần số tại Việt Nam, dù đang thu hút sự chú ý nhờ vào mô hình hoàn toàn số hóa, vẫn trong giai đoạn phát triển sơ khởi và phải đối mặt với những hạn chế về phạm vi hoạt động. Hiện tại, phần lớn các dịch vụ của ngân hàng thuần số chỉ tập trung vào khách hàng cá nhân với các sản phẩm và nghiệp vụ cơ bản như gửi tiết kiệm, mở thẻ, thanh toán, và vay nhanh.
So với các ngân hàng truyền thống, ngân hàng thuần số không sở hữu mạng lưới chi nhánh vật lý mà thay vào đó, dựa hoàn toàn vào nền tảng số để cung cấp dịch vụ. Điều này mang lại lợi thế về chi phí vận hành và khả năng tiếp cận rộng rãi, nhưng cũng hạn chế nguồn thu khi áp dụng việc không tính phí (zero-fee) ở nhiều dịch vụ nhằm thu hút người dùng mới. Các chuyên gia cho rằng, để đạt được lợi nhuận cũng như tiến tới điểm hoà vốn, các ngân hàng thuần số phải đẩy mạnh hoạt động cho vay.
Không chỉ dừng lại ở các khoản vay nhanh truyền thống trên ứng dụng, ngân hàng thuần số đang cho thấy tham vọng lớn hơn trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng bằng cách hợp tác với các đối tác chiến lược nhằm mở rộng tệp khách hàng và quy mô hoạt động.
Điển hình là Cake by VPBank, ngân hàng thuần số đầu tiên tại Việt Nam hợp tác với Thế Giới Di Động để ra mắt sản phẩm vay tiêu dùng trực tuyến 100% số hóa, giải ngân chỉ trong vài phút. Sự hợp tác này giúp Cake tận dụng được lợi thế của hệ thống hơn 3.000 cửa hàng Thế Giới Di Động trên toàn quốc, nơi có lượng lớn khách hàng mua sắm các sản phẩm điện tử, điện thoại, và laptop – những mặt hàng có nhu cầu cao về vay tiêu dùng.
Thỏa thuận này không chỉ giúp Cake by VPBank tiếp cận một tệp khách hàng rộng lớn hơn mà còn mang lại sự tiện lợi tối đa cho người tiêu dùng, khi họ có thể vay tiền trực tiếp và nhanh chóng ngay tại các điểm bán.
Trước đó, Cake cũng đã mở rộng thị trường thông qua hợp tác với BE Group – công ty sở hữu ứng dụng gọi xe BE để ra mắt dịch vụ mua trước, trả sau bePayLater, một hình thức cho vay tiêu dùng khái niệm mới giúp khách hàng thanh toán cho các dịch vụ trên ứng dụng BE như đặt xe, giao hàng, mua vé máy bay, và nhiều dịch vụ khác.
Không chỉ riêng Cake, ngân hàng thuần số Timo cũng đang tích cực tìm kiếm cơ hội mở rộng sang lĩnh vực cho vay tiêu dùng. Giữa năm 2024, Timo đã ký kết đối tác chiến lược với SHBFinance, một công ty tài chính chuyên về cho vay tiêu dùng, nhằm ra mắt sản phẩm vay tiêu dùng nhanh ngay trên ứng dụng của Timo.
Theo ông Jonas Eichhorst, Giám đốc Điều hành của Timo, khách hàng của Timo hiện nay đang tìm kiếm và quan tâm về các sản phẩm tín dụng, nhưng ngân hàng thuần số này lại không chuyên sâu về nghiệp vụ cho vay. Do đó việc hợp tác với SHBFinance – đơn vị có chuyên môn sâu trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng là điều cần thiết để hai bên phối hợp và tận dụng điểm mạnh của nhau.
Bản thân Timo cũng đang cung cấp dịch vụ vay tiêu dùng tín chấp cho người dùng, với số tiền giải ngân có thể lên tới 100 triệu đồng. Việc hợp tác cùng SHBFinance cho thấy mong muốn mở rộng của ngân hàng thuần số này trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng.
Đón đầu chu kỳ tăng trưởng mới
Các ngân hàng thuần số khi mở rộng vào thị trường cho vay tiêu dùng đang tận dụng tối đa lợi thế công nghệ, đặc biệt là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), nhằm tối ưu hóa quy trình vay vốn. Điều này giúp rút ngắn thời gian đăng ký, phê duyệt và giải ngân, đồng thời cải thiện khả năng kiểm soát chất lượng tín dụng. Bên cạnh đó, với lợi thế về nguồn vốn, một số ngân hàng thuần số đã thu hút hàng nghìn tỷ đồng tiền gửi từ khách hàng, tạo nên nền tảng tài chính vững chắc cho các hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, thị trường cho vay tiêu dùng ngày càng chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt do sự gia nhập của nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới. Ngoài các ngân hàng và công ty tài chính truyền thống, các sản phẩm Fintech như ví trả sau (buy now, pay later) và P2P Lending (cho vay ngang hàng) cũng đang phát triển mạnh mẽ. Theo các chuyên gia, thị trường này đang được tái định hình, trong đó các ngân hàng truyền thống vẫn chiếm ưu thế nhờ cơ sở hạ tầng mạnh, dữ liệu khách hàng lớn, và độ tin cậy cao. Tiếp theo là các công ty tài chính, vốn đang nâng cấp công nghệ để bắt kịp xu hướng cạnh tranh từ các giải pháp Fintech hiện đại.
Sự cạnh tranh gay gắt này, dù tạo áp lực lớn, cũng phản ánh sức hút đáng kể của thị trường cho vay tiêu dùng. Sau giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao, thị trường được đánh giá đã "thoát đáy" và bước vào giai đoạn tăng trưởng mới.
Các số liệu gần đây cho thấy sự phục hồi tích cực của nhiều công ty tài chính, vốn chịu thiệt hại nặng nề trong giai đoạn suy giảm. Đơn cử nha, FE Credit – một trong những đơn vị chịu lỗ hàng nghìn tỷ đồng vào năm 2023 – đã ghi nhận lợi nhuận dương trong quý II và quý III/2024, lần lượt đạt 145 tỷ đồng và gần 300 tỷ đồng. Các công ty tài chính khác cũng đã có lãi, báo hiệu sự phục hồi toàn diện của ngành.
Theo các chuyên gia, chu kỳ tăng trưởng mới sẽ hướng đến sự cẩn trọng trong giải ngân, nhấn mạnh tính bền vững thay vì mở rộng nóng như trước đây. Mặc dù quy mô tài chính tiêu dùng của Việt Nam vẫn nhỏ hơn đáng kể so với các thị trường phát triển như Hàn Quốc hay Hong Kong, điều này lại mở ra dư địa lớn để các tổ chức khai thác và phát triển.
Trong xu hướng này, các ngân hàng thuần số đang đứng trước cơ hội lớn để khẳng định vai trò trong thị trường cho vay tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng hiện tại có thể là thời điểm quyết định để ngân hàng thuần số mở rộng thị phần và khẳng định vị thế trong bức tranh tài chính số hóa. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội này, các ngân hàng thuần số cần đảm bảo sự cân bằng giữa tăng trưởng và quản trị rủi ro, đồng thời duy trì chất lượng dịch vụ nhằm xây dựng lòng tin lâu dài với khách hàng.
Ngân hàng số: Bước chuyển thay đổi hành vi tiêu dùng
- Khác biệt ngân hàng số và Fintech: Cạnh tranh hay cộng hưởng sức mạnh 18/11/2024 12:30
- Rào cản khiến ngân hàng số chưa thể thoát 'bóng của mẹ' 17/11/2024 09:30
- Ngân hàng số: Bất ngờ chững lại và dấu hỏi về tương lai 16/11/2024 07:00
Bên trong dự án ở Đắk Lắk từng đạt giải Quy hoạch đô thị quốc gia
(VNF) - Đây là dự án Khu đô thị Đông Nam đường Trần Hưng Đạo có vị trí nằm tại phường An Lạc, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk với quy mô 19,29 ha.