Hà Nội: Căn hộ dần hạ nhiệt, hàng tỷ USD sẽ đổ sang Đông Anh xây chung cư

Lệ Chi - 19/05/2024 09:45 (GMT+7)

(VNF) - Sau cơn sốt tăng giá, chung cư Hà Nội neo cao khó bán mua; Dân TP.HCM ‘ngóng’ được chuyển đổi đất đai, thoát quy hoạch treo; Sau thông báo tái khởi động, Cocobay Đà Nẵng vẫn im lìm; Hà Nội kêu gọi đầu tư 6 khu đô thị hơn 34.000 tỷ tại Đông Anh... là những thông tin được quan tâm trong tuần.

Sau cơn sốt tăng giá, chung cư Hà Nội neo cao khó bán mua

Sau giai đoạn tăng nóng, giá chung cư cũ Hà Nội hiện đang chững lại và có giá đi ngang. Nhiều gia đình trẻ gác lại ý định mua nhà và tiếp tục đi thuê để quan sát diễn biến giá thị trường sắp tới.

Phản ánh từ thị trường cho thấy, giá căn hộ cũ hiện tại đang đi ngang, không tăng nóng như giai đoạn từ ra Tết đến giữa tháng 4. Dù giá chững nhưng giao dịch vẫn diễn ra bình thường, nhiều người gửi bán và nhu cầu tìm mua ở thực vẫn nhiều.

Do nhu cầu ở thực phân khúc chung cư nhiều nên dù giá đi ngang nhưng người bán vẫn chưa tính chuyện giảm giá. Thị trường căn hộ thứ cấp đang chững lại. Tuy nhiên, người bán không cần gấp nên giá vẫn neo ở mức cao, còn người mua đang trạng thái chờ đợi nên lượng giao dịch không nhiều so với mấy tháng trước. (Xem thêm)

'148 dự án không thể triển khai, giá nhà TP.HCM tiếp tục bị đẩy lên cao'

Tham luận tại Hội thảo khoa học về quản lý đất đai, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, trong giai đoạn 2015 - 2020, cả nước có hàng trăm dự án nhà ở thương mại không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng.

Số liệu tổng hợp của HoREA cho thấy 71% nguồn cung thị trường nhà ở TP. HCM thuộc phân khúc cao cấp, còn lại là nhà ở trung cấp, tại cuối năm 2023. Cũng do vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn nên TP. HCM có 148 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, nhà ở xã hội chưa thể hoàn thành thủ tục đầu tư, xây dựng, kinh doanh hoặc bị dừng triển khai. Từ đó, hơn 58.000 khách hàng mua nhà tại các dự án chưa được cấp "sổ hồng". (Xem thêm)

Sau thông báo tái khởi động, Cocobay Đà Nẵng vẫn im lìm

Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô - chủ đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng và nhà ở cao cấp The Empire phía tây đường Trường Sa (Cocobay Đà Nẵng) đã có báo cáo gửi UBND TP. Đà Nẵng và Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng về việc triển khai lại dự án.

Theo Công ty này, sau quãng thời gian dự án bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các tác động sau đại dịch, đến nay các công tác chuẩn bị đang được gấp rút triển khai.

Công ty sẽ triển khai lại dự án vào đầu tháng 5/2024 và dự kiến hoàn thành các công trình ở nhiều mốc thời gian khác nhau.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV sáng 14/5, tại dự án không có hoạt động xây dựng nào. Khu vực cổng chính của dự án - lối vào duy nhất - không có xe chở vật liệu xây dựng ra vào. Bên trong dự án vẫn trong tình trạng vắng vẻ, im lìm. (Xem thêm)

Dân TP.HCM ‘ngóng’ được chuyển đổi đất đai, thoát quy hoạch treo

TP. HCM cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ các loại đất khác sang đất ở kỳ vọng sẽ gỡ vướng cho đất quy hoạch "treo" lâu nay.

Ông Nguyễn Thông (ngụ Q.4, TP. HCM) cho biết, mình có hơn 1.000 m2 đất tại P. Phú Thuận – Q. 7 nhưng gần 8 năm nay không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể tách thửa vì khu đất nằm trong quy hoạch đất hỗn hợp gồm công viên, giao thông, đất ở mặc dù khu đất nằm lọt thỏm trong khu dân cư hiện hữu. Việc khu đất nằm trong quy hoạch đã khiến ông không thể xây nhà, cũng không bán nổi.

"Việc đất dính quy hoạch “treo” không chỉ làm hạn chế các quyền cơ bản của gia đình tôi mà hệ lụy của nó là để hoang hóa, lãng phí. Ai cũng biết đồ án quy hoạch trên là không khả thi, khó có thể thực hiện được vì nó đã tồn tại hàng chục năm, nhưng không ai quan tâm cả. Gia đình tôi cần được chuyển đổi mục đích sang đất ở để an cư lập nghiệp", ông Thông bức xúc chia sẻ. (Xem thêm)

Hà Nội kêu gọi đầu tư 6 khu đô thị hơn 34.000 tỷ tại Đông Anh

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành quyết định phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư của thành phố đợt 1 năm 2024. Trong danh sách 36 dự án, tại huyện Đông Anh có 6 dự án khu đô thị đang được thành phố kêu gọi đầu tư. Cụ thể, dự án khu đô thị mới G3 (gần 80ha, 8.127 tỷ đồng) nằm tại các xã Kim Chung, Đại Mạch; khu đô thị mới G13 (hơn 44ha, 3.113 tỷ đồng) nằm tại xã Mai Lâm, Đông Hội; khu đô thị mới G8 (46,6ha, 3.153 tỷ đồng) tại xã kim Nỗ, Kim Chung; khu đô thị mới G17 (20,6ha, 5.892 tỷ đồng) tại xã Nam Hồng.

Ngoài ra, huyện Đông Anh cũng có 2 dự án nhà ở xã hội kêu gọi đầu tư là khu đô thị mới - nhà ở xã hội Star City Tiên Dương tại xã Tiên Dương (44,72ha), với vốn đầu tư hơn 8.500 tỷ đồng; khu đô thị mới - nhà ở xã hội thành phố kết nối xanh Green Link City tại xã Tiên Dương (39,5ha) vốn đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng.

Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cũng phát đi thông báo tìm các nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị thông minh - sinh thái tại huyện Đông Anh.

Tổng mức đầu tư dự án là 35.000 tỷ đồng. Hiện khu đất này vẫn chưa giải phóng mặt bằng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được quyết định giao, cho thuê đất; tiến độ thực hiện dự án đến hết năm 2031. (Xem thêm)

Đất nền Quảng Ninh: Khảo giá 6 khu vực cấm phân lô bán nền trước 'giờ G'

Theo luật mới, Quảng Ninh sắp tới sẽ có 6 khu vực bị cấm phân lô, bán nền. Trước những quy định mang tính ràng buộc, diễn biến phân khúc đất nền tại đây đang cho thấy có nhiều dấu hiệu khởi sắc khi lượng tin đăng bán đất nền, đất dự án tăng mạnh.

Báo cáo thị trường bất động sản Quảng Ninh tháng 4/2024 của Batdongsan.com.vn lại ghi nhận mức độ quan tâm của nhà đầu tư tăng 11%, lượng tin đăng tăng 20%.

Mức độ quan tâm tăng mạnh ở tất cả các khu vực. Báo cáo cho biết Hạ Long tăng 8%, Vân Đồn tăng 39%, Cẩm Phả tăng 28%, Quảng Yên tăng 12%, Đông Triều tăng 6%, Cô Tô tăng 46%.

Trên thị trường mua bán, mức độ quan tâm tăng ở tất cả các phân khúc, loại hình. Trong đó, so với tháng 3/2024, mức độ quan tâm với chung cư Quảng Ninh tăng 7%, đất thổ cư Quảng Ninh tăng 10%, đất dự án Quảng Ninh tăng 11%, biêt thự Quảng Ninh tăng 13%, nhà riêng Quảng Ninh tăng 15%. (Xem thêm)

Cùng chuyên mục
Tin khác