Hàng loạt dự án hạ tầng chậm tiến độ ‘trói chân’ TP. HCM

Lê Nguyễn - 24/09/2020 09:57 (GMT+7)

(VNF) – Tiến độ đầu tư các dự án hạ tầng tại TP. HCM đều chậm so với quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Điều này đang là trở lực đối với sự phát triển của thành phố về mọi mặt.

VNF
Hàng loạt dự án hạ tầng chậm tiến độ ‘trói chân’ TP. HCM (ảnh mang tính minh họa)

Hệ thống hạ tầng TP. HCM được quy hoạch như thế nào?

Hạ tầng giao thông tại TP. HCM có thể tạm chia thành 3 loại: đường bộ, đường sắt và hàng không.

Về đường bộ, hệ thống đường bộ kết nối TP. HCM được quy hoạch dạng vành đai và các trục hướng tâm.

Đối với vành đai, TP. HCM có 3 tuyến với tổng chiều dài khoảng 351 km. Trong đó, vành đai 2 đã được đầu tư 51/64 km theo quy hoạch, các đoạn tuyến còn lại đang được TP. HCM khẩn trương triển khai đầu tư và dự kiến hoàn thành năm 2023.

Vành đai 3 gồm 4 đoạn nhưng chỉ có đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn dài 16,3 km đã được tỉnh Bình Dương đầu tư đã đưa vào khai thác, 3 đoạn còn lại Bộ GTVT đã lập dự án đầu tư, trong đó dự án thành phần 1A đoạn Tân Vạn- Nhơn Trạch được đầu tư nguồn vốn ODA, đã ký hiệp định vay vốn.

Đường Vành đai 4 mới đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư trước đoạn Bến Lức – Hiệp Phước.

Đối với trục hướng tâm, TP. HCM có 5 tuyến quốc lộ đóng vai trò trục hướng tâm cho giao thông hỗn hợp vào tận trung tâm thành phố với tổng chiều dài 136,7 km . Các tuyến quốc lộ này hiện đã được đầu tư quy mô 4-8 làn xe song đến nay đã quá tải.

Bên cạnh đó, TP. HCM có 6 tuyến cao tốc đóng vai trò trục hướng tâm cho phương tiện cơ giới lưu thông với tốc độ cao kết nối đến hệ thống đường vành đai, có tổng chiều dài khoảng 353 km.

Trong số này, TP. HCM đã đưa vào khai thác sử dụng 2 tuyến là TP. HCM –Trung Lương, và TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây. Hiện nay thành phố đang đầu tư tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành và chuẩn bị đầu tư tuyến Biên Hòa – Vũng Tàu, TP. HCM – Mộc Bài và đang nghiên cứu các tuyến còn lại.

Về đường sắt, TP. HCM có hệ thống đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị. Theo quy hoạch đường sắt quốc gia trên địa bàn thành phố, bên cạnh tuyến đường sắt Bắc - Nam hiện có định hướng phát triển các tuyến đường sắt để tăng cường kết nối TP. HCM với các địa phương trong vùng và kết nối cảng biển (tuyến TP. HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP. HCM - Tây Ninh, đường sắt kết nối cảng Hiệp Phước, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam).

Riêng đoạn đường sắt hiện có Bình Triệu - Hòa Hưng (Sài Gòn) sẽ được nâng lên cao để tránh giao cắt với đường bộ, giảm ùn tắc giao thông đô thị.

Đối với đường sắt đô thị, theo quy hoạch, TP. HCM sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, 3 tuyến xe điện một ray (monorail) hoặc xe điện mặt đất (tramway).

Hiện thành phố đang thực hiện đầu tư tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên  và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương , chuẩn bị đầu tư tuyến số 5, giai đoạn 1 đoạn từ Ngã tư Bảy Hiền - Cầu Sài Gòn.

Về hàng không, sân bay Tân Sơn Nhất được quy hoạch đến năm 2030, với quy mô cấp 4E công suất 50 triệu hành khách/năm và 0,8-1 triệu tấn hàng hóa/năm, 106 vị trí đỗ tàu bay.

Để nâng cấp, mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc hiện nay, hiện nay thành phố đang triển dự án xây dựng nhà ga hành khách quốc nội T3 (ACV là chủ đầu tư) và dự án nâng cấp, cải tạo đường cất hạ cánh, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất.

Hàng loạt dự án còn chậm tiến độ

So sánh với quy hoạch giao thông vận tải TP. HCM được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định số 568/QĐ-TTg), có thể nói tiến độ đầu tư các dự án đều chậm; chưa đáp ứng nhu cầu vận tải và đang là trở lực đối với sự phát triển của thành phố về mọi mặt.

Cụ thể, tiến độ đầu tư các tuyến đường vành đai, quốc lộ, cao tốc và hướng tâm đều chậm, dẫn đến nhiều tuyến đường nội thành phải đảm nhận cả vận tải nội vùng và liên vùng. Các đô thị vệ tinh phát triển chậm do kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ dẫn đến vùng lõi thành phố trở thành đô thị nén với mức độ ngày càng cao.

Hệ thống vận tải hành khách khối lượng lớn đầu tư chậm, chưa hình thành hệ thống hoàn chỉnh, giao thông nội thành chủ yếu vẫn dồn lên hệ thống đường bộ trong khi loại hình này không thể đảm nhận vận tải hành khách khối lượng lớn.

Chi tiết hơn, về đường bộ, trong số 3 tuyến vành đai (tổng chiều dài khoảng 351 km, đoạn trên địa bàn thành phố dài 117,6km), hiện vành đai 2 mới chỉ được đầu tư 51/64 km, vành đai 3 và 4 đang được nghiên cứu đầu tư trong khi tiến độ theo quy hoạch hoàn thành trước 2020.

Các tuyến quốc lộ (các tuyến qua địa bàn thành phố khoảng 106,7 km), hiện đã đầu tư nhưng chưa đạt quy mô hoàn chỉnh theo quy hoạch và đang đều quá tải.

Các tuyến cao tốc, đến thời điểm này, chỉ đang khai thác 2/6 tuyến với chiều dài khoảng 95km/353km cao tốc theo quy hoạch, đạt tỷ lệ khoảng 27% so với kế hoạch.

Về đường sắt đô thị, tuyến số 1 đang trong quá trình xây dựng (khoảng 72% khối lượng), dự kiến cuối năm 2021 đưa vào khai thác thương mại. Tuyến số 2 đang triển khai đấu thầu các gói thầu xây dựng, tiến độ dự kiến đưa vào khai thác cuối năm 2026.

Các tuyến đường sắt đô thị còn lại và tuyến xe điện mặt đất đã lập xong dự án đầu tư để quản lý quỹ đất theo quy hoạch và xúc tiến đầu tư. Tuyến số 5 (giai đoạn 1) và tuyến số 3a hiện nay đã xác định được nguồn vốn đầu tư, cả hai dự án đang trong giai đoạn trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Theo thứ tự ưu tiên đầu tư, các tuyến số 1, 2 và số 5 (giai đoạn 1) phải được đưa vào khai thác vào năm 2020. Tuy nhiên với tình hình thực tế triển khai thì cả ba tuyến đều không hoàn thành như kế hoạch với nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện;

Về hàng không, năm 2019, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón 41,3 triệu hành khách (65,5% lượng khách sử dụng), trong đó khách quốc tế là 15,7 triệu - chiếm khoảng 2/3 lượng khách quốc tế đi bằng đường hàng không ở Việt Nam; khách quốc nội là 25,6 triệu và 682.000 tấn hàng hóa.

Như vậy, sân bay đang trở nên quá tải (vượt 1,6 lần so với công suất). Hiện nay chủ đầu tư đang triển khai đầu tư xây dựng nhà ga T3 và nâng cấp đường cất hạ cánh.

Cùng chuyên mục
Tin khác