Mưa như trút nước, đường phố Đà Nẵng bị ngập sâu
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.
- Điều gì khiến ông tin rằng kinh tế Việt Nam 2022 sẽ tốt hơn?
Đầu tiên là tỷ lệ bao phủ vắc xin, hơn 80% người trên 18 tuổi đã được tiêm 2 mũi, đang triển khai tiêm cho người 12 - 18 tuổi, đồng thời tiêm mũi 3 cho nhóm nguy cơ cao. Nguồn vắc xin về Việt Nam sẽ ngày càng nhiều, do vậy dịch bệnh sẽ trong tầm kiểm soát và nguy cơ người nhiễm Covid-19 tử vong sẽ giảm đáng kể. Chúng ta cũng đã có lịch trình mở lại các chuyến bay quốc tế và dần dần nền kinh tế sẽ mở hoàn toàn.
TS Lê Duy Bình
Bên cạnh đó, xuất khẩu vẫn tăng trưởng tốt dù dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp ở trong nước cũng như trên thế giới. Theo Tổng cục Hải quan, kết quả năm 2021, quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng tới hơn 100 tỷ USD so với năm 2020, đạt 668,55 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 336,3 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu đạt 332,2 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Năm 2022, dự báo nền kinh tế các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, EU sẽ phục hồi và chắc chắn xuất khẩu của Việt Nam sẽ còn tăng mạnh, kéo theo đà tăng của nền kinh tế.
Cùng với đó, việc Quốc hội xem xét thông qua gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô lớn nhất từ trước tới nay chắc chắn sẽ giúp nền kinh tế nhanh chóng phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
- Ngoài những vấn đề như ông nói, liệu có còn điểm sáng nào nữa không?
Tôi tin tưởng triển vọng kinh tế năm 2022 sẽ tích cực hơn năm 2021. Ngoài những điểm sáng ở trên, tôi cho rằng sự lạc quan còn xuất phát từ việc ở tầm quốc gia, kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát ở mức thấp. Đặc biệt, sức sống của nền kinh tế thể hiện qua sự hồi phục của cộng đồng doanh nghiệp khá tích cực, nhất là ở vùng Đông Nam Bộ, kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128. Ngay trong tháng đầu tiên thực hiện Nghị quyết 128, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng hơn 15% so với tháng trước đó. Niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài cũng dần phục hồi, thể hiện ở số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam năm 2021 đạt khoảng 30 tỷ USD.
Trong các điểm sáng đó, sự đồng hành của Quốc hội và công tác điều hành thích ứng, nhanh nhạy hơn trong phòng chống dịch của Chính phủ đóng vai trò quyết định, tạo lập nền tảng quan trọng để tính tới phục hồi và phát triển kinh tế.
- Nhưng, rõ ràng là nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn?
Đúng là nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô vẫn còn nhưng lạm phát đang trong tầm kiểm soát, dù rằng nó có khả năng quay lại khi triển khai gói kích cầu kinh tế. Ngoài ra, doanh nghiệp đã dần phục hồi song vẫn gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể hoạt động như trước bởi dịch hiện vẫn còn diễn biến phức tạp.
Một rủi ro khác cũng phải đối diện là việc sử dụng một số nguồn lực vẫn chưa hiệu quả khi giải ngân đầu tư công năm 2021 chưa như mong muốn. Sức mua của người dân suy giảm nghiêm trọng bởi dịch kéo dài khiến thu nhập giảm, tỷ lệ mất hoặc thiếu việc làm gia tăng, ảnh hưởng đến kích cầu nội địa. Đặc biệt, sức ép từ gói kích thích kinh tế sẽ rất lớn! Nếu không triển khai hiệu quả cũng sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng các nguồn lực, ổn định kinh tế vĩ mô, thậm chí có thể còn trở thành gánh nặng cho nền kinh tế trong trung và dài hạn.
- Xin được nhấn mạnh thêm ở góc độ doanh nghiêp, từ quan điểm của ông, cho đến thời điểm hiện tại, ông nhìn nhận thế nào về năng lực phục hồi của doanh nghiệp Việt trong năm 2022?
Doanh nghiệp mạnh mẽ hơn những gì tôi nghĩ. Số lượng doanh nghiệp thành lập tháng đầu tiên của năm 2022 là gần 13.000, số quay trở lại hoạt động cùng gần 20.000. Tinh thần kinh doanh vẫn hừng hực ngay cả khi cả nền kinh tế vừa trải qua những ngày tháng có thể nói là đen tối nhất. Trước đó, ngay trong lúc giãn cách, doanh nghiệp vẫn đảm bảo hàng hóa, sản phẩm cung cấp cho người dân, dành cho xuất khẩu... Tôi sang SriLanca, Myanmar, mấy nước xung quanh, không cảm nhận được sự hừng hực này từ giới kinh doanh. Các chuyên gia Đức cũng chia sẻ với suy nghĩ này, họ nói thấy người Việt ai cũng sẵn sàng lao vào kinh doanh. Đây chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam phục hồi nhanh sau dịch, cũng là yếu tố thúc đẩy sự xoay chuyển của doanh nghiệp trong bối cảnh thay đổi nhanh và mạnh của nền kinh tế.
Tất nhiên, có những doanh nghiệp đã biến mất, bên cạnh doanh nghiệp mới xuất hiện. Có thể nói dịch bệnh đã sàng lọc doanh nghiệp rất mạnh, rất căng thẳng và nhiều đau đớn, nhưng ở góc độ phát triển là tích cực. Ở Việt Nam, doanh nghiệp đóng cửa không đồng nghĩa với sự lụi bại của người kinh doanh, cảnh thất nghiệp kéo dài của người lao động vì cơ hội để bắt đầu lại, làm lại rất lớn. Đây là đặc điểm của các nền kinh tế đang phát triển, có sự năng động cao. Chính chính lúc này, những chính sách hỗ trợ cho các kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp, hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi và đứng dậy nhanh hơn, mạnh hơn.
- Doanh nghiệp là nền tảng cho sự thịnh vượng của quốc gia. Vậy, trong thế giới biến đổi mà Covid-19 chỉ là ví dụ điển hình, ông có điều gì lưu ý cho doanh nghiệp?
Không riêng gì doanh nghiệp mà tất cả chúng ta đều đang rất hi vọng sự phục hồi kinh tế, đặc biệt là kỳ vọng vào các gói hỗ trợ nhưng cũng phải đối diện một thực tế là nhà nước không thể có đủ nguồn lực để hỗ trợ tài chính cho toàn bộ hay để hỗ trợ các doanh nghiệp.
Từ góc độ thị trường, doanh nghiệp cũng không nên yêu cầu và luôn trông chờ vào hỗ trợ về tài chính của nhà nước. Với tinh thần doanh nhân là dám làm, dám chịu trách nhiệm, không trông chờ vào sự hỗ trợ tài chính hay giải cứu, doanh nghiệp có thể tìm ra giải pháp đúng nhất cho hoàn cảnh của mình.
- Vậy còn với nhà nước thì sao?
Ngoài các chính sách hỗ trợ đã được ban hành, thời gian tới, nhà nước nên tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ phù hợp bằng các biện pháp hỗ trợ phù hợp như giãn, hoãn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất hoặc sử dụng ngân sách bù đắp một phần chi phí tiền điện, đóng thay một phần chi phí bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Bên cạnh đó, nhà nước cần kiên quyết loại bỏ các quy định phòng chống dịch bất hợp lý khiến chi phí của doanh nghiệp tăng cao. Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các địa phương, giữa các bộ, ngành cũng là các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp. Cùng với đó, nhà nước cần tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo không gian cho doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Và cuối cùng, cách hỗ trợ tốt nhất là tìm kiếm và triển khai bất kỳ cơ hội, không gian và dư địa nào có thể để trả lại hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của doanh nghiệp. Các cơ hội đó có thể đến từ tiêm vắc xin; đến từ các biện pháp, quy định phòng dịch và kiểm soát dịch tễ phù hợp; từ sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ ngành, giữa các địa phương, giữa địa phương với trung ương trong các biện pháp chống dịch tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhằm tuân thủ các quy định phòng dịch nhưng cũng vẫn duy trì đươc sản xuất, duy trì được chuỗi cung ứng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
(VNF) - Mưa lớn kéo dài nhiều giờ liền khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP. Đà Nẵng ngập nặng. Học sinh phải nghỉ học, nhiều cơ quan cũng cho người lao động nghỉ làm.