Loạt đại dự án nghìn tỷ thua lỗ: Qua 2 nhiệm kỳ vẫn chưa có lối thoát

Xuân Thạch - 19/11/2024 15:30 (GMT+7)

(VNF) - Đây đều là các đại dự án rất đươc kỳ vọng nhưng sau cả chục năm đình trệ, chỉ một vài dự án được tái cơ cấu, bắt đầu kinh doanh khả quan và giảm lỗ luỹ kế…Còn lại vẫn trong tình trạng “bất động”, gây lãng phí hàng chục ngàn tỷ đồng

Nhóm Vinachem tín hiệu khả quan

Theo BCTC quý III/2024 của Công ty cổ phần phân đạm và hoá chất Hà Bắc (UpCOM: DHB) thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam - Vinachem, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 1.024 tỷ đồng, giảm nhẹ 10% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế đạt hơn 38 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này là âm gần 309 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng năm 2024, lợi nhuận trước thuế của DHB cũng giảm mạnh chỉ còn âm hơn 61 tỷ đồng, so với con số cùng kỳ năm trước âm hơn 788 tỷ đồng. Tổng tài sản của Đạm Hà Bắc tính đến 30/09/2024 là gần 6.184 tỷ đồng, giảm hơn 8% so với cùng kỳ 2023.

Đạm Hà Bắc là một trong 12 đại dự án thua lỗ, bước đầu có lợi nhuận dương

Công ty cổ phần DAP – Vinachem ( UpCOM: DDV), theo BCTC quý III/2024 cũng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế tăng hơn 200% so với cùng kỳ khi đạt hơn 20 tỷ đồng, so với con số 6,7 tỷ của năm 2023.

Trong đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong quý III là gần 761 tỷ đồng, giảm hơn 9% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm do giảm sản lượng tiêu thụ (quý III/2024, sản lượng DAP tiêu thụ là 53.672 tấn, giảm 17.953 tấn, tương ứng với tỷ lệ giảm 25% so với cùng kỳ năm trước). Sản lượng tiêu thụ giảm, nhưng giá bán bình quân kỳ này tăng 1,86 triệu đồng/tấn, tương ứng tỷ lệ tăng 16,4% (giá bán bình quân kỳ này là 13,18 triệu đồng/tấn).

Một trong những đơn vị cũng có kết quả khá khả quan đó là Công ty Cổ phần Hoá dầu và Xơ sợi Việt Nam (VNPOLY) khi trong năm 2023 đơn vị đã vận hành trung bình 15 - 17 dây chuyền sản xuất sợi DTY.

Chất lượng sản phẩm sợi tái sinh bình quân đạt 91% chất lượng AA (cao hơn mức thoả thuận trong Hợp đồng – 85% chất lượng AA). Ngoài sản xuất cho đối tác, VNPOLY còn chủ động tự sản xuất kinh doanh sợi để tận dụng tối đa nguồn lực máy móc, thiết bị, tăng doanh thu, lợi nhuận cho Công ty.

Trước đó, kết quả sản xuất năm 2022 của VNPOLY ước đạt khoảng 10.314 tấn sợi các loại, đạt 100% so với kế hoạch năm 2022 điều chỉnh, tổng doanh thu ước khoảng 219 tỷ đồng (đạt 100% so với kế hoạch điều chỉnh). Lợi nhuận trước định phí ước khoảng 30,58 tỷ đồng, vượt 84% so với năm 2021.

"Tình hình sản xuất, kinh doanh của các dự án, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực. Một số dự án, doanh nghiệp có lãi, giảm lỗ lũy kế đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án, doanh nghiệp, bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động", đại diện của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước cho biết.

Loay hoay xử lý 8.100 tỷ tại TISCO 2

Cũng theo thông tin từ Uỷ ban quản lý vốn, ba dự án, doanh nghiệp còn lại trong danh mục giao đơn vị chủ trì xử lý gồm: dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên - TISCO 2, dự án Nhà máy Thép Việt Trung - VTM, dự án Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất - DQS

Với TISCO 2, sau nhiều năm đàm phán với nhà thầu không đem lại kết quả về xử ý vướng mắc, tồn đọng tại dự án vốn đầu tư hơn 8.100 tỷ, mới đây Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo việc chấm dứt, thanh lý hợp đồng EPC với nhà thầu MCC (Trung Quốc), hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản của nhà Nhà nước.

Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, TISCO 2 được coi là một trong những dự án khó xử lý nhất trong số 12 dự án, doanh nghiệp thua lỗ của Bộ Công thương.

Theo đó, vướng mắc chính của dự án TISCO 2 liên quan đến tranh chấp giữa chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và nhà thầu là Tập đoàn Khoa học Công nghệ và Thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC) về hợp đồng nhà thầu trọn gói (hợp đồng EPC).

TISCO 2 hàng năm vẫn gánh hàng trăm tỷ lãi vay, nhưng chưa có phương án xử lý

Điều đáng lo ngại nhất với TISCO 2 đó chính là khoản chi phí lãi vay hàng năm vẫn phải trả đều đặn, trong khi dự án vẫn nằm “đắp chiếu”, không tạo ra doanh thu.

Theo BCTC hợp nhất tính đến 30/09/2024, nợ ngắn hặn phải trả tăng lên gần 6.295 tỷ đồng, thêm gần 280 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí phải trả trong ngắn hạn là hơn 2.231 tỷ đồng, tăng gần 4,5% so với năm 2023.

Khoản chi phí này được lý giải chủ yếu đến từ chi phí lãi vay dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – Giai đoạn II”, chiếm phần lớn với 2.206 tỷ đồng, hơn 98% chi phí phải trả trong ngắn hạn.

Tương tự, chi phí phải trả trong dài hạn, lãi vay dự án “Cải tạo và mở rộng sản xuất Công ty Gang thép Thái Nguyên – Giai đoạn II” tính đến 30/09/2024 là hơn 557 tỷ đồng, tăng thêm 82 tỷ đồng so với đầu năm 2024.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện tổng giá trị TISCO 2 đã thực hiện đầu tư hơn 7.350 tỷ đồng, chiếm 90% tổng số vốn đầu tư, trong đó lãi vay được vốn hóa hơn 3.800 tỷ đồng. Được biết, thời điểm đầu năm 2019, tổng giá trị TISCO 2 đầu tư mới chỉ gần 5.100 tỷ đồng, sau hơn 5 năm, chi phí này đã “gánh” thêm hơn 2.250 tỷ đồng.

Các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, theo tính toán mỗi năm TISCO 2 sẽ còn tiêu tốn thêm hàng chục triệu USD, thiệt hại này vừa đến từ chi phí trả lãi, chưa kể các hệ thống dây chuyền sản xuất, trang thiết bị công trình, máy móc bị xuống cấp, hư hỏng theo thời gian, khó có thể khắc phục…

Dự án nghìn tỷ “bất động”, lãng phí lớn

Nhà máy bột giấy Phương Nam, đến nay vẫn gặp bế tắc trong việc xử lý, khiến chủ đầu tư là Tổng công ty Giấy Việt Nam (VINAPACO) âm vốn chủ sở hữu, mất khả năng thanh toán, nguy cơ dẫn đến phá sản.

Nhà máy bột giấy Phương Nam đã đầu tư nhưng đến nay vẫn chưa sản xuất ra thành phẩm

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, số nợ phải trả của dự án hiện nay là khoảng hơn 3.000 tỷ đồng, chủ đầu tư không thể bố trí nguồn để trả nợ. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của VINAPACO thực tế chỉ khoảng 1.400 tỉ đồng, nhưng nợ vay đến nay đã hơn 4.000 tỉ đồng.

Bộ Công thương cho biết, gánh nặng tài chính là quá lớn, nên việc xử lý đều rất khó bảo toàn vốn nhà nước. Việc phá sản cũng khó thực hiện do pháp luật không cho phép phá sản với dự án đầu tư mà chỉ thực hiện với doanh nghiệp, nếu thực hiện có thể sẽ phải phá sản cả VINAPACO, song cũng khó có thể đảm bảo thu hồi bảo toàn được vốn.

Dự án đã nhiều lần, trong nhiều năm được các cơ quan chức năng liên quan xây dựng phương án tháo gỡ, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý triệt để.

12 đại dự án của Bộ Công Thương chậm tiến độ, kém hiệu quả, lãng phí

1. Nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình, tổng mức đầu tư 12.000 tỷ đồng.
2. Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất Đạm Hà Bắc, tổng mức đầu tư 10.122 tỷ đồng.
3. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco 2), tổng vốn đầu tư 8.100 tỷ đồng.
4. Dự án nhà máy sản xuất Xơ sợi Polyester Đình Vũ, tổng mức đầu tư 7.000 tỷ đồng, trong đó 30% vốn chủ sở hữu, còn lại 70% vốn vay.
5. Dự án Nhà máy thép Việt Trung, vốn đầu tư 6.000 tỷ đồng.
6. Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, tổng mức đầu tư 5.170 tỷ đồng.
7. Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng, tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng.
8. Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất, tổng mức đầu tư 3.758 tỷ đồng, PVN góp vốn 5.095 tỷ đồng.
9. Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, tổng vốn đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng
10. Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ, tổng vốn đầu tư 2.484 tỷ đồng.
11. Dự án Nhà máy sản xuất Nhiên liệu Sinh học Quảng Ngãi, tổng mức đầu tư 2.200 tỷ đồng.
12. Dự án sản xuất Nhiên liệu sinh học Bình Phước, vốn đầu tư hơn 1.740 tỷ đồng.

TISCO 2 hơn 8.100 tỷ: 'Đắp chiếu' 17 năm, vẫn loay hoay tìm cách xử lý

TISCO 2 hơn 8.100 tỷ: 'Đắp chiếu' 17 năm, vẫn loay hoay tìm cách xử lý

Đầu tư
(VNF) - Sau nhiều năm đàm phán với nhà thầu không đem lại kết quả về xử ý vướng mắc, tồn đọng tại dự án TISCO2 vốn đầu tư hơn 8.100 tỷ, mới đây Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chỉ đạo việc chấm dứt, thanh lý hợp đồng EPC với nhà thầu MCC (Trung Quốc)
Cùng chuyên mục
Tin khác