Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Đầu tư 43,7 triệu USD/km, giá vé bao nhiêu?
Chí Bình -
30/09/2024 17:27 (GMT+7)
(VNF) - Suất đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến sẽ là khoảng 43,7 triệu USD mỗi km và được đánh giá là là "mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới".
Chính phủ vừa có dự thảo tờ trình gửi Quốc hội về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Tốc độ 350km/h, đi qua 20 địa phương
Theo đó, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ có chiều dài khoảng 1.545km, từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đường đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ tối đa 350km/h.
Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TPHCM.
Tuyến đường tập trung vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Trên toàn tuyến được bố trí 23 ga hành khách với khoảng cách 67km/ga, đặt tại gần khu vực trung tâm kinh tế, chính trị các địa phương.
Theo Chính phủ, hiện trong quy hoạch Hà Nội và TP. HCM đã báo cáo và được Bộ Chính trị cơ bản thống nhất, mỗi địa phương sẽ bố trí 1 ga. Riêng tại Hà Tĩnh, Bình Định và Bình Thuận sẽ bố trí 2 ga/ tỉnh. Điều này đảm bảo chạy tàu với tốc độ khai thác tối đa chiếm 70-80% chiều dài giữa hai ga dừng (cự ly tăng tốc khoảng 7,2km; cự ly giảm tốc khoảng 9,5km).
Ngoài ra, để bảo đảm phục vụ quốc phòng, an ninh, vận chuyển hàng hóa khi có nhu cầu, trên tuyến bố trí 5 ga hàng tại các đầu mối hàng hóa lớn.
Đặc biệt, trên tuyến dự kiến sẽ xây dựng 5 depot phục vụ khu tập kết, sửa chữa, bảo dưỡng tàu khách (tại Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa và TP. HCM) và 4 depot phục vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu hàng (tại Hà Tĩnh, Quảng Nam, Khánh Hòa và Đồng Nai).
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có kết cấu 60% cầu, 10% hầm và 30% nền đất. Suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD mỗi km.
"Đây là mức trung bình so với một số tuyến đường sắt tốc độ cao trên thế giới có cùng dải tốc độ khai thác khi quy đổi về thời điểm năm 2024", dự thảo nêu rõ.
4 dự án thành phần
Để rút ngắn thời gian thực hiện, huy động tối đa nguồn lực, các nhà thầu trong nước tham gia thực hiện, Chính phủ dự kiến phân chia dự án thành 4 dự án thành phần và đồng thời triển khai.
Theo đó, dự án thành phần 1 sẽ đầu tư đoạn từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Vinh (Nghệ An), với tổng chiều dài khoảng 281km; dự án thành phần 2 đầu tư đoạn từ ga Vinh đến ga Đà Nẵng, với tổng chiều dài khoảng 420km; dự án thành phần 3 sẽ đầu tư đoạn từ ga Đà Nẵng đến ga Diên Khánh (Khánh Hòa), với tổng chiều dài khoảng 480km; dự án thành phần 4 sẽ đầu tư đoạn từ ga Diên Khánh đến ga Thủ Thiêm (TP. HCM), với tổng chiều dài khoảng 360km.
Trên cơ sở lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật, quy mô đầu tư, tham khảo suất đầu tư các dự án đường sắt tốc độ cao đã và đang triển khai trên thế giới, sơ bộ xác định tổng mức đầu tư dự án này khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (67,34 tỷ USD), trong đó chủ yếu là chi phí xây dựng và thiết bị (hơn 974.000 tỷ đồng).
Tiến độ dự kiến đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025 - 2026. Triển khai giải phóng mặt bằng, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công các dự án thành phần cuối năm 2027. Phấn đấu xây dựng hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Về giá vé, dự thảo dự kiến giá vé đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam bằng 75% mức trung bình vé máy bay hàng không giá rẻ và phổ thông. Mức này được đưa ra dựa trên cơ sở tham khảo giá vé bình quân của VietnamAirlines và Vietjet. Trong đó, mỗi km vé hạng nhất dự kiến là 0,18 USD (khoang VIP), hạng hai 0,074 USD và hạng ba là 0,044 USD.
Như vậy, tính trên chặng Hà Nội - TP. HCM, vé hạng nhất khoảng 6,9 triệu; hạng hai là 2,9 triệu và hạng ba là 1,7 triệu đồng.
“Giá vé đề xuất không có sự khác biệt lớn đối với các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam hoặc với tuyến đường sắt tốc độ cao có chiều dài lớn, thấp hơn hàng không, cao hơn đường bộ nhưng chất lượng dịch vụ cao hơn, tiết kiệm thời gian, an toàn, tiện nghi để khuyến khích người dân tiếp cận dịch vụ đường sắt tốc độ cao”, Chính phủ cho hay.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone