'Mua hàng xuyên quốc gia là đất hứa của thương mại điện tử'

Hoàng Hà - 21/11/2021 20:23 (GMT+7)

(VNF) - Hoa Nguyen, người sáng lập và là Giám đốc Công ty Dutycast đã dành cho Đầu tư Tài chính – VietnamFinance một cuộc trao đổi ngay sau khi startup này nhận được nguồn vốn đầu tư từ VinaCapital. Theo bà, mảng mua hàng xuyên quốc gia là mảnh đất hứa của thương mại điện tử toàn cầu.

VNF
Người sáng lập và là Giám đốc Công ty Dutycast Hoa Nguyen.

- Dutycast thành lập vào năm 2020, là thời điểm mà cả thế giới đối mặt với dịch Covid-19, các DN gặp rất nhiều khó khăn. Vì sao bà cùng các cộng sự quyết định “khởi nghiệp” giữa bối cảnh này?

Bà Hoa Nguyen: Thế giới đang dịch chuyển rất nhanh sau đại dịch Covid và thương mại điện tử đang bùng nổ khắp nơi trên thế giới. Mặc dù đại dịch Covid đã làm gián đoạn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến vấn đề lưu thông hàng hoá trên toàn thế giới nhưng nó cũng lại chính là đòn bẩy khiến thương mại điện tử bùng nổ. Đặc biệt khi con người không thể di chuyển được từ nơi này đến nơi khác thì nhu cầu về mua sắm cũng không vì thế mà giảm đi. Đây chính là thời điểm vàng cho thương mại điện tử.

Dutycast đang chạm vào vùng đất hứa của thương mại điện tử, đấy chính là mảng mua hàng xuyên quốc gia. Thị trường thương mại điện tử xuyên quốc gia toàn cầu năm 2020 có quy mô ước tính khoảng 994 tỷ USD và được dự đoán tăng lên mức 2.000 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt khoảng 17,4%.

Tiện ích Dutycast giúp việc mua sắm quốc tế dễ dàng khi cho phép khách hàng tự chọn sản phẩm trên các trang thương mại quốc tế, và cung cấp giá cuối cùng khi khách đặt hàng. Người tiêu dùng không còn phải gặp trở ngại như các khoản phát sinh từ việc chênh lệch tỷ giá, thuế hải quan và thuế địa phương, chi phí vận chuyển.

Đây là một giải pháp có tiềm năng quốc tế. Một ví dụ như sau khi nước Anh (UK) ra khỏi khối châu Âu, người tiêu dùng gặp bất lợi khi mua sắm quốc tế vì không biết giá cuối cùng và nhiều thủ tục rườm rà.

- Cách thức vận hành, quản trị của Dutycast như thế nào? Với những gì đang có, bà và các cộng sự sẽ đưa Dutycast tới đâu trong vài năm tới?

Đội ngũ sáng lập Dutycast quy tụ được rất nhiều nhân tài đã từng làm việc ở Tiki, Uber và cá nhân tôi đã làm việc với hàng chục các công ty công nghệ với quy mô lớn nhỏ khác nhau trong suốt 15 năm công tác. Với xuất phát điểm về công nghệ, chúng tôi có đặt ra sứ mệnh của Dutycast là mang đến một trải nghiệm mua sắm quốc tế Tự do - An toàn - Tiết kiệm - Thông minh cho người tiêu dùng. Khách hàng luôn là trọng tâm và thước đo sự tồn tại và sự thành công của Dutycast. Khi tất cả các thành viên của công ty có được mục đích chung là khách hàng, thì mọi người đều cố gắng để giúp đỡ lẫn nhau để được kết quả tốt.

Chúng tôi tự hào là đang tạo ra môi trường làm việc tự do, cởi mở và vận hành công ty theo cấu trúc phẳng. Điều đó có nghĩa là trong công ty chúng tôi, ai cũng có tiếng nói như nhau, bất kể người đó là ai, giữ chức vụ gì, miễn là những ý kiến đóng góp đó giúp ích cho sự phát triển chung của công ty.

Hơn 8 năm làm việc với những công ty công nghệ hàng đầu của Na Uy, điều tôi tâm đắc nhất đấy là “THINK GLOBAL”. Sống tại 1 đất nước như Na Uy, chỉ có 5 triệu dân, không có sự lựa chọn nào khác, các công ty khởi nghiệp ở đây phải nghĩ về việc sẽ mở rộng và chiếm lĩnh thị trường thế giới ngay từ ngày đầu tiên.

Tại thị trường Việt Nam, chúng tôi có kế hoạch sẽ có 1 triệu người sử dụng vào cuối năm 2022, song song đó Dutycast tự hào là startup Việt được sự hỗ trợ tài chính và nguồn lực công nghệ từ chính phủ Singapore (Enterprise Singapore) và công ty logistic lớn nhất Singapore là Sats. Với sự hỗ trợ đắc lực từ chính phủ và công ty đối tác Dutycast dễ dàng để mở rộng thị trường ở Singapore và các nước khác trong khu vực vào năm sau 2022.

- Được biết, Dutycast mới đây đã nhận được khoản đầu tư của VinaCapital để phát triển tại Việt Nam. Bà đánh giá thế nào về thị trường này tại Việt Nam và bà sẽ sử dụng nguồn vốn đầu tư này như thế nào?

VinaCapital không chỉ cung cấp cho chúng tôi sức mạnh tài chính để phát triển hơn nữa công nghệ và dịch vụ của chúng tôi tại Việt Nam mà giúp chúng tôi tiếp cận được thị trường nhanh chóng và hiệu quả hơn. Là một trong những quỹ đầu tư lớn nhất trong khu vực, VinaCapital có một hệ sinh thái mạnh mẽ bao gồm các công ty trong danh mục đầu tư cũng như các đối tác.

Việt Nam được dự báo sẽ trở thành nền kinh tế Internet phát triển nhanh nhất trong 10 năm tới ở Đông Nam Á. Người Việt Nam luôn được đánh giá có tầm nhìn quốc tế và luôn rất cởi mở với những công nghệ mới. Nghiên cứu mới công bố của World Data Lab (Anh) cho biết, Việt Nam sẽ có 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030. Theo tiêu chuẩn của tổ chức này, tầng lớp trung lưu là những hộ gia đình có mức chi tiêu bình quân đầu người từ 11 đến 110 USD một ngày. Và đây là tập khách hàng trọng tâm mà Dutycast đang tập trung nhắm đến.

- Bà đánh giá thế nào về các đối thủ cạnh tranh trong cùng lĩnh vực này?

Hiện nay, các sàn thương mại điện tử lớn trong nước không tập trung khai thác mảng mua sắm quốc tế nhưng sức mua hàng tiêu dùng nước ngoài là rất cao. Cá nhân tôi đánh giá, thị trường hiện tại ở Việt Nam đang được phân mảnh do có nhiều hình thức mua hàng hộ, xách tay và chưa có được một nền tảng đặt hàng trực tiếp, an toàn và tiện lợi như Dutycast.

Đối tượng khách hàng mà Dutycast đang phục vụ là tập khách hàng đang có nhu cầu mua sắm hàng quốc tế, họ mong muốn sử dụng các nhãn hiệu và các sản phẩm nước ngoài mà ở Việt Nam chưa cung cấp. Như đã chia sẻ ở trên, Việt Nam sẽ đón nhận hơn 20 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung vào năm 2030 và đây chắc chắn là khách hàng trọng tâm của Dutycast.

- Được biết bà là một người có kinh nghiệm làm việc nhiều năm trong ngành tài chính và công nghệ. Xin cho biết về những thành tựu quan trọng nhất mà bà từng đạt được trước đây?

Tôi được trao giải thưởng là một trong 50 phụ nữ hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ ở Na Uy vì những đóng góp của tôi trong việc phát triển và củng cố hệ sinh thái để giúp các công ty công nghệ vươn ra toàn cầu. Trong suốt 8 năm công tác, tôi đã lãnh đạo một chương trình hợp tác mở rộng giữa các trường đại học, các nhóm công ty công nghệ và các khu công nghiệp nhằm giúp củng cố, phát triển hệ sinh thái cho các công ty công nghệ của Na Uy vươn ra quy mô toàn cầu.

Chúng tôi đã làm việc với hơn 70 công ty (cả Na Uy và Trung Quốc) về công nghệ đại dương, công nghệ năng lượng mới, vật liệu mới và công nghệ y tế. Chúng tôi hợp tác với các trung tâm hàng đầu như MIT, Berkeley, Tsinghua. Hầu hết đây là các công ty công nghệ chuyên sâu về AI/ML trong chăm sóc sức khỏe/dầu khí, hydro, năng lượng mặt trời, năng lượng gió ngoài khơi, nuôi cá trên đất liền. Tôi tự hào vì đã đóng góp một phần nhỏ vào việc đẩy nhanh việc áp dụng các công nghệ có tác động tích cực đến thế giới.

Cùng chuyên mục
Tin khác