Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chính thức gia nhập BRICS
(VNF) - Trong tuyên bố đưa ra ngày 6/1, Brazil, quốc gia giữ chức chủ tịch BRICS vào năm 2025, cho biết Indonesia đã được kết nạp làm thành viên chính thức của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS).
Theo Bộ ngoại giao Brazil, tư cách ứng cử viên của Indonesia đã nhận được sự chấp thuận của các nhà lãnh đạo nhóm tại hội nghị thượng đỉnh ở Johannesburg vào tháng 8/2023.
Tuy nhiên, quốc gia đông dân thứ tư thế giới này chỉ quyết định chính thức gia nhập khối sau cuộc bầu cử tổng thống vào năm ngoái và hình thành chính phủ mới.
“Chính phủ Brazil hoan nghênh Indonesia gia nhập BRICS. Với dân số và nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia chia sẻ với các thành viên khác cam kết cải cách các thể chế quản trị toàn cầu và đóng góp tích cực vào việc làm sâu sắc thêm hợp tác Nam - Nam”, Bộ ngoại giao Brazil nêu rõ.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra tuyên bố trực tuyến rằng Trung Quốc hoan nghênh và chúc mừng Indonesia đã trở thành thành viên chính thức của BRICS và bày tỏ tin tưởng rằng Indonesia sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhóm.
Người phát ngôn cho biết việc Indonesia chính thức gia nhập BRICS phục vụ lợi ích chung của các nước BRICS và Nam bán cầu. Trung Quốc tin rằng Indonesia sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của nhóm.
“Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Indonesia và các thành viên BRICS khác để cùng xây dựng mối quan hệ đối tác toàn diện, chặt chẽ, thực chất và toàn diện hơn”, tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ.
BRICS được thành lập vào năm 2006 bởi Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với sự tham gia của Nam Phi vào năm 2010. Gần đây, liên minh này đã mở rộng và hiện bao gồm Iran, Ai Cập, Ethiopia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan và Malaysia đã chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên. Ả Rập Xê Út đã tuyên bố đang cân nhắc tham gia.
BRICS có mục tiêu được nêu rõ là khuếch đại tiếng nói của các nền kinh tế mới nổi lớn để cân bằng lại trật tự toàn cầu do phương Tây dẫn đầu. Các thành viên sáng lập của BRICS đã kêu gọi một trật tự thế giới công bằng hơn và cải cách các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới.
Tổ chức này được thành lập như một đối trọng với Nhóm G7, gồm 7 nước công nghiệp lớn là Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ. Tên của tổ chức này bắt nguồn từ một thuật ngữ kinh tế được sử dụng vào đầu những năm 2000 để mô tả các quốc gia đang nổi lên dự kiến sẽ thống trị nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050.
Trước khi Indonesia gia nhập, khối này chiếm gần 45% dân số thế giới và 35% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu, tính theo sức mua tương đương.
Indonesia chi 28 tỷ USD cung cấp bữa ăn miễn phí cho 1/4 người dân
- Hàn Quốc: Kiểm tra khẩn cấp toàn bộ hệ thống khai thác máy bay sau thảm kịch 179 người tử vong 30/12/2024 11:30
- Năm thách thức hàng đầu cho kinh tế toàn cầu 2025 02/01/2025 07:00
- Biến rác thành kho báu: Khai thác vàng từ rác thải điện tử 06/01/2025 10:15
Vào công trường thi công 600 căn nhà ở xã hội tại Long Biên - Hà Nội
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.