Tài chính quốc tế

Nga ‘ngỏ ý’ hỗ trợ Trung Quốc giữa tâm bão chiến tranh thương mại với Mỹ

(VNF) - Nga ngỏ ý sẵn sàng bù đắp vào nguồn cung hàng hóa Mỹ giảm sút tại thị trường Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ngày càng leo thang căng thẳng.

Nga ‘ngỏ ý’ hỗ trợ Trung Quốc giữa tâm bão chiến tranh thương mại với Mỹ

Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo hãng tin Sputnik, Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Chung Sơn vừa có cuộc gặp tại Bắc Kinh và thảo luận về triển vọng tăng trưởng thương mại và đầu tư Nga-Trung, cũng như sự hợp tác giữa hai nước trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Bộ trưởng Oreshkin khẳng định các biện pháp bảo hộ mậu dịch đơn phương của Mỹ không phù hợp với các quy tắc hệ thống thương mại đa phương, và gây ảnh hưởng tới cả thương mại quốc tế lẫn hợp tác thương mại và kinh tế Nga-Trung.

"Khi một đối tác thương mại quốc tế lớn phớt lờ các quy tắc chung của cuộc chơi, các thành viên WTO cần nỗ lực phối hợp hướng tới khôi phục tính hiệu quả của tổ chức (WTO), và giảm thiểu thiệt hại do các hạn chế thương mại không có căn cứ gây ra", ông Oreshkin tuyên bố.

Đồng thời ông cũng khẳng định rằng Nga sẵn sàng tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc để bù vào nguồn cung hàng hóa Mỹ giảm sút tại thị trường Trung Quốc.

Trước đó, trả lời phỏng vẫn hãng tin Sputnik hồi giữa tháng 9, Tổng thư ký Hiệp hội Phát triển Doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài He Zhenwei cho rằng cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đem tới cơ hội tuyệt vời cho Nga.

Ông He Zhenwei nói thêm rằng, hàng rào thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc và các biện pháp trừng phạt của Mỹ chống lại Nga khiến hai quốc gia xích lại gần nhau hơn và tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại.

Ô He Zhenwei cho rằng Trung Quốc sẽ giảm khối lượng sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu từ Mỹ và Nga có thể chiếm thị phần thị trường bị bỏ trống.

Từ đầu năm nay, ông Trump đã áp các mức thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc để giảm thiểu thâm hụt thương mại của Mỹ. Chính sách gây nhiều bất đồng này được cho là nhằm mục đích giảm sự "hấp dẫn" từ các mặt hàng rẻ sản xuất tại Trung Quốc. 

Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin.

Nhưng quyết định nói trên của ông Trump cũng khiến Bắc Kinh phải "ra đòn" đáp trả bằng các mức thuế quan mới lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ.

Cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung Quốc đã leo lên một nấc thang mới hôm 24/9 vừa qua, khi Washington chính thức áp thuế 10% với gói hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Đáp trả, Bắc Kinh cũng áp mức thuế tương ứng với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Washington.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngày 8/10 mới đây đã có cuộc gặp song phương tại Nhà khách Điếu Ngư Đài, Bắc Kinh.

Trong buổi gặp, ông Vương gọi các động thái của Mỹ thời gian qua là "đòn tấn công trực tiếp" vào lòng tin chung giữa hai nước, phủ bóng đen lên quan hệ song phương, đồng thời đòi hỏi Washington ngừng bán vũ khí cho Đài Loan, chấm dứt các chuyến thăm chính thức và mối liên hệ quân sự với Đài Bắc.

Đáp lại những chỉ trích của người đồng cấp Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington có những "bất đồng căn bản" với Bắc Kinh.

Trước đó, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence có bài phát biểu công kích toàn diện Bắc Kinh, tố cáo Trung Quốc đang dồn toàn lực, "sử dụng mọi công cụ chính trị, kinh tế, quân sự và tuyên truyền", nhằm gia tăng ảnh hưởng và tối đa hóa lợi ích thu được từ Mỹ.

Xem thêm >> Triều Tiên: Phi hạt nhân hóa là một loại cây ‘mọc trên niềm tin’

Tin mới lên