Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Samsung là tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư vào Việt Nam gần 18 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng vốn FDI thực hiện, kim ngạch xuất khẩu năm 2020 khoảng 62 tỷ USD, chiếm gần 23% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Samsung đã hình thành cứ điểm sản xuất smartphone, máy tính bảng, máy tính, điện tử gia dụng tại Việt Nam. Các nhà lãnh đạo Samsung đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực của nước ta và quyết định làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Samsung là một trong những tập đoàn đầu tư rất lớn cho hoạt động R&D, hiện có 34 Trung tâm R&D trên toàn cầu với khoảng 1/5 tổng số nhân sự của hãng. Mỗi ngày hãng này chi 34,8 triệu USD cho R&D, con số tăng dần theo từng năm; năm 2016 Samsung đã chi 12,7 tỷ USD cho hoạt động R&D.
Trung tâm R&D của Samsung Electronics tại Hà Nội được thành lập từ năm 2012 có hơn 1.600 kỹ sư và nhân viên đang làm việc tại tòa nhà PVI Tower (Quận Cầu Giấy) chịu trách nhiệm phụ trách riêng thị trường phần mềm điện thoại và máy tính bảng của Samsung tại khu vực Đông Nam Á, chiếm 10% doanh thu toàn cầu của cả tập đoàn trong lĩnh vực này.
Trong tương lai gần sẽ chuyển về Trung tâm R&D của Samsung đang được xây dựng tại khu ngoại giao đoàn Bắc Từ Liêm, Hà Nội với vốn đầu tư 300 triệu USD đủ chỗ làm việc cho hơn 3000 chuyên viên. Đây sẽ là dự án R&D lớn nhất của Samsung tại khu vực Đông Nam Á, cho thấy rằng tập đoàn này không chỉ coi Việt Nam là một cứ điểm sản xuất mà còn biến thành cứ điểm lớn về R&D các ứng dụng phần mềm, một lĩnh vực đòi hỏi nhiều chất xám và lao động lành nghề.
Tại TP. HCM, Samsung có Trung tâm R&D tại Tổ hợp SEHC gồm các phòng lab liền kề khu vực sản xuất nhằm hỗ trợ tối đa và kịp thời các vấn đề liên quan đến kỹ thuật và chất lượng. Các phòng lab bao gồm Mold center, Automation, Facility, QA Test lab, Circuit, Software, Modelling và 3D Scanning.
Đây là trung tâm R&D thứ hai của Samsung tại Việt Nam nghiên cứu và thiết kế về ngành hàng thiết bị gia dụng như TV, tủ lạnh, máy giặt, máy hút bụi…, hỗ trợ Trung tâm R&D tại Hàn Quốc để thiết kế và tùy biến thiết kế phù hợp cho từng thị trường.
Samsung còn có Trung tâm Trải nghiệm giải pháp DN Samsung (Executive Briefing Center, gọi tắt “EBC”), được xem là lớn nhất khu vực Đông Nam Á. EBC là nơi trưng bày tất cả giải pháp thông minh tích hợp của Samsung trong một hệ sinh thái đa dạng và năng động, để giới thiệu những sản phẩm công nghệ kỹ thuật số của Samsung đến khách hàng.
Cũng như Samsung, nhiều tập đoàn quốc tế đã chú trọng đầu tư xây dựng các trung tâm tại R&D tại Việt Nam. Hãng sản xuất máy tính Hewlett-Packard (HP) năm 2012 đã quyết định đầu tư Trung tâm R&D tại Công viên Phần mềm Quang Trung, TP. HCM. Đây là trung tâm R&D đầu tiên mà HP lập ở Việt Nam.
Hãng sản xuất xe máy nổi tiếng Piaggio của Italia cũng đã xây dựng Trung tâm R&D bên cạnh nhà máy tại tỉnh Vĩnh Phúc. Trung tâm này cùng với nhà máy có vai trò quan trọng phục vụ cho cả khu vực châu Á.
Một số tập đoàn đa quốc gia khác như Panasonic, Yamaha và General Electric cũng đã có những Trung tâm R&D tại Việt Nam. Robert Bosch Việt Nam đang vận hành hai Trung tâm R&D tại tỉnh Đồng Nai và TP. HCM, đang được đầu tư thêm để nâng cao năng lực nghiên cứu, phục vụ cho cả khu vực châu Á.
Tập đoàn LG thành lập Trung tâm R&D đầu tiên tại Hà Nội vào năm 2016; hiện nay trung tâm có hơn 400 chuyên viên nghiên cứu, kết quả đã được ứng dụng rộng rãi vào các sản phẩm của LG. Từ sự thành công của trung tâm tại Hà Nội, tập đoàn LG đã quyết định mở rộng quy mô hoạt động và thành lập Trung tâm nghiên cứu LG VS đặt tại tầng 12, toà nhà DITP Tower, Lô A2-19, đường Nguyễn Tất Thành nối dài, Liên Chiểu, Đà Nẵng.
LG đã lựa chọn Đà Nẵng để thành lập Trung tâm R&D và đặt tại tòa nhà DITP bởi vì Đà Nẵng và tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư DITP) có tầm nhìn và kế hoạch phát triển phù hợp với chiến lược phát triển của tập đoàn, là biến Đà Nẵng trở thành “Thung lũng Silicon của Việt Nam” với những hành động cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch.
Ngày 27/1/2021, Tập đoàn Intel (Mỹ) đón nhận giấy chứng nhận điều chỉnh bổ sung thêm 475 triệu USD vốn đầu tư vào Intel Products Việt Nam (IPV), trước đó Intel đã đầu tư hơn 1 tỷ USD.
Nhà máy Intel Products Vietnam là cơ sở sản xuất lắp ráp và kiểm định (ATM) lớn nhất trong mạng lưới lắp ráp và kiểm định của Intel trên toàn cầu. Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào tháng 10/2010, IPV đã tạo ra hơn 5.000 việc làm cho người lao động trong nước, sản xuất các sản phẩm 5G của Intel, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 10, tiếp nhận các công nghệ phức tạp hơn, cũng như đa dạng hóa sản xuất ra những sản phẩm khác, bên ngoài mặt hàng chủ lực là bộ xử lý trung tâm của máy tính (CPU).
Intel đã hợp tác khá thành công với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp khởi nghiệp tại TP. HCM để nghiên cứu các vấn đề công nghệ ở trình độ cao, cung ứng sản phẩm đầu vào và tiếp nhân sản phẩm của hãng.
Intel thông báo dự định liên kết với một số bên thứ ba để sản xuất thêm nhiều sản phẩm trong những năm tới tại Việt Nam. Theo Nikkei Asia, những đối tác tiềm năng của Intel bao gồm hãng sản xuất TSMC của Đài Loan. TSMC đang phát triển chip 5 nannomet, loại chip tân tiến nhất hiện nay. TSMC được cho là đang đối thoại cùng Intel về ít nhất 5 dự án gia công sắp tới.
Đây là xu hướng rất đáng mừng cho hoạt động FDI, mở ra triển vọng lớn để các kỹ sư, chuyên viên trẻ của Việt Nam được lao động sáng tạo trong các Trung tâm R&D hiện đại, tiếp cận với phương pháp nghiên cứu tiên tiến và các định hướng mới về công nghệ.
Vốn FDI chất lượng cao bắt đầu chảy mạnh hơn vào Việt Nam thông qua các Trung tâm R&D làm cho quá trình chuyển giao công nghệ sẽ diễn ra nhanh hơn, do nhiều người Việt Nam có cơ hội làm việc và tiếp cận với công nghệ tiên tiến từ các tập đoàn toàn cầu.
Trưởng phòng Quản lý dự án tại Trung tâm R&D của Samsung Hà Nội Đỗ Đức Dũng khẳng định, tất cả các nhân viên người Việt Nam ở đây có trình độ ngang bằng với các nhân viên của Samsung tại bất cứ trung tâm R&D khác nào trên thế giới. Điều đó lý giải tại sao Samsung lại tin tưởng giao cho các kỹ sư người Việt Nam đảm nhiệm nhiều dự án phát triển mới.
Ông Jung Seung Min - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu LG VS cho biết quá trình hoạt động nghiên cứu phát triển của tập đoàn LG tại Việt Nam mới chỉ hơn 4 năm nhưng đã có sự phát triển và thay đổi vượt bậc về cả nhân lực và chất lượng các sản phẩm mà Trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam phát triển.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - ông Hồ Kỳ Minh cho hay, sự có mặt của LG tại TP. Đà Nẵng là tín hiệu đáng mừng cho Thành phố, đặc biệt trong lĩnh vực CNTT, R&D, góp phần nâng cao vị thế, chất lượng nguồn nhân lực, thu hút thêm các dự án, nhà đầu tư tầm cỡ khu vực và thế giới, góp phần vào sự phát triển của thành phố. Chính quyền TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện tốt nhất cho tập đoàn LG và các doanh nghiệp thuận lợi phát triển.
Ông Võ Quang Huệ, nguyên Phó chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Robert Bosch Việt Nam - công ty con của Tập đoàn Robert Bosch (Đức) nhận định, trình độ của các kỹ sư người Việt Nam đã tiến bộ rất nhiều trong những năm qua, đủ sức tham gia vào các dự án R&D của các công ty nước ngoài.
Hiện nay vẫn có những chuyên gia đánh giá thấp chất lượng nguồn nhân lực của nước ta, lo ngại sẽ không bảo đảm đủ điều kiện để tiếp nhận các dự án FDI công nghệ cao, R&D của làn sóng chuyển dịch nhà máy FDI từ Trung Quốc và một số nước.
Những ý kiến trích dẫn trên đây đã giải đáp một phần lo ngại đó. Là một người làm trong lĩnh vực kinh tế đối ngoại, có dịp tiếp cận với những người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, từ giảm đốc điều hành, chuyên gia kinh tế, chuyên gia công nghệ, luật sư, nhà môi giới, tôi nhất trí với những nhận xét đúng đắn của họ về trình độ của lao động Việt Nam. Chúng ta có thể năng suất và chất lượng lao động của Việt Nam không thua kém các nước cùng ngành nghề, trong khi tiền công của người Việt chỉ bằng 1/3 đến 1/2 của nhiều nước.
Khoản chênh lệch đó là nguồn tích lũy vốn lớn cho những tập đoàn toàn cầu đang muốn biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất sản phẩm để cung ứng ra thị trường thế giới như Samsung. Hơn nữa, đã đến lúc chúng ta phải tự hào về năng lực lao động sáng tạo của người Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi sang nền kinh tế số, doanh nghiệp số, xã hội số, điển hình là nước ta là một trong những nước dẫn đầu ASEAN về cả công nghệ sản xuất sản phẩm và dịch vụ 5G.
Trong thập niên thứ hai của thế kỷ này, tuy công cuộc cải cách giáo dục chưa đạt được kết quả mong muốn, nhưng phải thừa nhận rằng, từ giáo dục phổ thông, nghề nghiệp, đại học đã có thay đổi tích cực, giáo dục đã coi trọng tư duy sáng tạo, không nặng về kiến thức, lớp lớp học sinh đã được đào tạo đủ năng lực trở thành những người lao động đáp ứng ngày càng cao đòi hỏi đổi mới và sáng tạo.
Đã có sự chuyển đổi đáng mừng như tỷ lệ học sinh lựa chọn học nghề ngày càng tăng, sự kết hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp ngày càng có kết quả, do đó số học sinh các trường đại học, dạy nghề có việc làm gia tăng, nhiều trường đạt trên 90%. Mỗi bước tiến trên con đường cải cách giáo dục càng khẳng định chất lượng ngày càng cao của nguồn nhân lực Việt Nam.
Để xu hướng thành lập các Trung tâm R&D của các tập đoàn toàn cầu tăng nhanh và mở rộng, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị đã đề ra chủ trương: “Xây dựng thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao..., thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm nghiên cứu-phát triển (R&D), trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam”.
Để thực hiện chủ trương đó, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch & Đầu tư chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành để tổ chức thực hiện (Nghị quyết 58 của Chính phủ).
Trước hết phải có nhận thức và quan điểm đối với “thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội” là những quy định mới chưa có tiền lệ trong các văn bản pháp luật của nước ta như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp. Cách tiếp cận để có được những quy định như vậy dựa trên hiệu quả kinh tế - xã hội của các Trung tâm R&D của nhà đầu tư nước ngoài về sáng chế, phát minh, du nhập công nghệ mới, phương thức sản xuất, kinh doanh mới, xây dựng đội ngũ chuyên viên, kỹ sư nghiên cứu có trình độ cao, đẳng cấp quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại số, lan tỏa đến các doanh nghiệp Việt Nam thông qua các phương thức hợp tác phát triển.
Thứ hai, phải tạo ra lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực, trong đó có nhiều nước đã thành công trong thu hút FDI vào các Trung tâm R&D, đang đổi mới cơ chế, chính sách để tiếp nhận nhiều hơn các trung tâm dịch chuyển từ Trung Quốc. Cần lưu ý rằng, hàng năm các nước trên thế giới đã công bố hàng trăm chính sách ưu đãi mới; nếu khi nghiên cứu “thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội” không cập nhật các thông tin đó thì khó mà tạo ra lợi thế cạnh tranh quốc gia trong thu hút FDI thế hệ mới.
Thứ ba, phải biết cân nhắc giữa lợi ích lâu dài với lợi ích trước mắt. Ví dụ đối với các Trung tâm R&D nhà nước miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp dài hơn các dự án công nghệ cao, quy mô lớn, miễn thuế thu nhập cá nhân trong nhiều năm đối với các nhà quản lý, kỹ sư, chuyên viên chính; chính quyền địa phương tự đền bù, giải phóng mặt bằng trước khi giao đất cho nhà đầu tư.
Chính phủ có thể ủy quyền cho chính quyền tỉnh, thành phố quyết định giảm, miễn tiền thuê đất, nếu ngân sách địa phương bù đắp được. Cần nghiên cứu chính sách hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước bằng tỷ lệ % vốn đầu tư xây dựng trung tâm R&D, cũng như chính sách khuyến khích sự hợp tác giữa các Trung tâm R&D với các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng của Việt Nam.
Luật Đầu tư và Nghị định 31 của Chính phủ thi hành Luật Đầu tư chỉ nêu ra những nguyên tắc chung, theo đó những ưu đãi thuế, đất đai… được quy định tại Luật chuyên ngành.
Từ cách tiếp cận trên đây, kiến nghị Chính phủ nên có Nghị định về cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội để thu hút được nhiều FDI vào R&D, cũng như để hai trung tâm kinh tế lớn của nước ta là Hà Nội và TP. HCM trở thành đại bản doanh của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.