‘Vũ khí mới’ của Nga giáng đòn kép vào châu Âu
(VNF) - Trong khi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang ngày càng giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga thì lượng nhập khẩu urê lại tăng vọt. Hiện EU đang bị thúc giục thực hiện hành động mạnh mẽ nhất có thể để ngăn chặn Nga sử dụng nguồn cung urê như một “vũ khí” mới.
Chuyển từ khí đốt sang phân bón
Sau khi Nga đưa quân tới Ukraine vào tháng 2/2022, các nước phương Tây đã ban hành một loạt lệnh cấm vận đối với hàng hóa và nguyên liệu thô của Nga, bao gồm khí đốt tự nhiên và dầu mỏ.
Tại thời điểm mới áp dụng, các lệnh cấm này được cho là không khả thi hoặc không thể thực hiện được do thực tế của thương mại và kinh doanh quốc tế.
Nhưng thực tế đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại, nếu trước đây, 40% lượng khí đốt tự nhiên nhập khẩu qua đường ống của châu Âu đến từ Nga thì cho đến nay, ngoại trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, phần lớn các đường ống đều đã bị chặn.
Kể từ đó, Nga đã cố gắng lách lệnh trừng phạt thông qua nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm cả việc chuyển thị trường xuất khẩu sang châu Á.
Bên cạnh đó, Nga cũng đã tìm ra một cách khác để đối phó với các lệnh trừng phạt thông qua việc Nga và Belarus tích cực xuất khẩu phân bón giá rẻ sang châu Âu. Đây được xem là một biện pháp gián tiếp để xuất khẩu khí đốt sang châu Âu bởi Nga đã tăng cường dùng khí đốt tự nhiên trong kho của mình để sản xuất phân bón. Trên thực tế, khí đốt tự nhiên chiếm 70% đến 80% chi phí hoạt động của một công ty phân bón thông thường.
Kể từ mùa vụ nông nghiệp 2020-2021, lượng urê nhập khẩu từ Nga của EU đã tăng gấp đôi. Nga hiện chiếm khoảng 1/3 tổng lượng nhập khẩu ure của EU. Trong đó, Pháp nhập khẩu 80% nhu cầu phân bón từ Nga.
Một số nhà quan sát chỉ ra rằng doanh số bán phân bón của Nga đang cung cấp nguồn doanh thu chính và thu nhập ngoại tệ cho nhà nước Nga và cỗ máy chiến sự của nước này.
Giá khí đốt là yếu tố chính trong chi phí sản xuất urê. Khi Nga điều chỉnh giá khí đốt và giữ ở mức thấp, điều này đã giúp các nhà sản xuất phân bón Nga có nhiều lợi thế.
Có một số ước tính chỉ ra rằng doanh số bán phân bón đã mang lại doanh thu hơn 1,5 tỷ euro (1,63 tỷ USD) cho Nga vào năm 2022-2023. Ngoài ra, Nga đã áp dụng thuế xuất khẩu 10% đối với phân bón và thuế đối với lợi nhuận vượt mức.
Trong khi đó, khoảng 20% công suất phân bón của EU hiện đang nằm im do thiếu nhu cầu vì phân urê Nga rẻ hơn đã thay thế phân bón sản xuất tại EU.
Theo một số chuyên Nga, Nga đang "giáng đòn kép" vào EU khi nước này sử dụng hoạt động xuất khẩu phân bón để khiến nông dân châu Âu phụ thuộc vào các nhà sản xuất của Nga; và sử dụng tiền thu được từ hoạt động xuất khẩu để tài trợ cho cuộc chiến tại Ukraine.
Phòng ngừa “vũ khí” mới của Nga
Do việc nhập khẩu ồ ạt phân bón của Nga vào châu Âu, hiện nay ngày càng nhiều người tỏ ra lo ngại rằng châu Âu, nơi đã đấu tranh rất vất vả để không phụ thuộc vào Nga về năng lượng, có thể trở nên phụ thuộc vào Nga về một mặt hàng thậm chí còn quan trọng hơn, đó là thực phẩm.
Để ngăn chặn điều đó, các lời kêu gọi đang gia tăng ở châu Âu về việc đặt ra giới hạn về lượng phân bón của Nga có thể được nhập khẩu vào EU.
Một số nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng các lệnh trừng phạt đối với phân bón của Nga, nếu được ban hành, sẽ là một quyết định an ninh quốc gia, tăng cường an ninh của châu Âu và tránh khả năng Nga sử dụng phân bón như một vũ khí chống lại châu Âu, giống như cách nước này đã sử dụng khí đốt tự nhiên trong quá khứ.
Ngành công nghiệp phân bón châu Âu cũng kêu gọi EU thực hiện hành động mạnh mẽ nhất có thể để ngăn chặn Nga sử dụng xuất khẩu urê như một vũ khí.
Tương tự như các biện pháp gần đây được áp dụng đối với nhập khẩu ngũ cốc, một giải pháp khả thi nhất có thể thực hiện sẽ là áp thuế đối với phân bón của Nga. Nhưng các chuyên gia cho rằng EU cần phải hành động nhanh chóng để áp dụng các mức thuế này.
EU cũng có thể thống nhất các biện pháp bảo vệ nông dân EU trước tác động của việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu urê của Nga. Ví dụ, sẽ có một khoảng thời gian giữa thời điểm công bố và thời điểm áp thuế. Điều này sẽ giúp các nhà sản xuất EU có thời gian tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu. Nông dân sẽ không thiếu phân bón vì EU có đủ năng lực dự phòng để đáp ứng nhu cầu nội bộ.
Các nhà kinh tế cho rằng áp thuế đối với phân bón của Nga là cách để EU đạt được một số mục tiêu chính sách cùng một lúc. Nó tước đi nguồn thu của Nga để tài trợ cho cỗ máy chiến sự của nước này, ngăn chặn nông dân EU phụ thuộc vào hàng xuất khẩu của Nga và ngăn chặn sự bất ổn của thị trường phân bón EU. Điều này sẽ cho phép các nhà sản xuất EU tiếp tục quá trình chuyển đổi xanh cho các nhà máy của họ.
‘Mục tiêu loại bỏ nhiên liệu Nga của EU đã hoàn toàn chệch hướng’
- Thiếu bộ phận quan trọng, đường sắt Nga đối mặt nguy cơ 'sụp đổ' 07/08/2024 11:45
- Sau phiên ‘đỏ lửa’, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm kỷ lục 06/08/2024 04:15
- Chứng khoán toàn cầu bị ‘đánh thức’ khỏi giấc mơ Mỹ hạ cánh mềm 06/08/2024 11:28
Chợ Tân Thanh: ‘Thiên đường’ sắm Tết một thời rơi vào ế ẩm
(VNF) - Chợ Tân Thanh - Lạng Sơn từng được ví là trung tâm mua sắm nhộn nhịp nhất là vào dịp Tết. Đây là nơi có số lượng hàng hóa “khủng” cùng mức giá cực phải chăng. Tuy nhiên, kinh doanh ở chợ Tân Thanh ngày càng đi xuống và không còn cảnh sắm Tết tấp nập như xưa.