Những câu hỏi đặt ra xung quanh chuyện HoSE nghẽn lệnh

Thanh Long - 10/03/2021 09:53 (GMT+7)

(VNF) - "Sau 3 tháng FPT xử lý không được thì FPT chịu trách nhiệm hay Uỷ ban chứng khoán chịu trách nhiệm?", ông Nguyễn Duy Hưng đặt câu hỏi, giữa bối cảnh giới đầu tư khá hồ hởi và đánh giá cao tinh thần và quyết tâm của Bộ Tài chính và FPT trong việc xử lý tình trạng nghẽn lệnh trên HoSE.

VNF
Những câu hỏi đặt ra xung quanh chuyện HoSE nghẽn lệnh

Thời gian gần đây, giới đầu tư tỏ ra rất bức xúc trước tình trạng nghẽn lệnh trên sàn giao dịch chứng khoán TP. HCM (HoSE). Một trong những nguyên nhân đẩy câu chuyện này lên cao trào là đề xuất nâng lô cổ phiếu lên 1.000 đơn vị của lãnh đạo HoSE.

Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một đề xuất "tồi", bởi việc dựng hàng rào kỹ thuật quá cao như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến đông đảo nhà đầu tư cá nhân, đi ngược lại với chủ trương phổ cập kênh đầu tư chứng khoán tới người dân của Chính phủ (theo Đề án "Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" được Thủ tướng phê duyệt, mục tiêu đặt ra là đến năm 2025, số lượng nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán chiếm 5% tổng dân số quốc gia, trong khi hiện tại, số lượng tài khoản chứng khoán bằng chưa đầy 3% tổng dân số, con số thực tế sử dụng còn thấp hơn nhiều).

Trước đó, giới đầu tư không có nhiều phản đối với phương án nâng lô cổ phiếu từ 10 đơn vị lên 100 đơn vị, bắt đầu áp dụng từ ngày giao dịch đầu tiên của năm 2021. Điều này cũng đã góp phần quan trọng giúp cải thiện ngưỡng thanh khoản.

Theo thống kê từ website của HoSE, tháng 12/2020, tổng khối lượng khớp lệnh cổ phiếu trên sàn đạt 12,5 tỷ đơn vị, tổng giá trị khớp lệnh đạt trên 257.448 tỷ đồng. Sang tháng 1/2021, tổng khối lượng khớp lệnh đã tăng lên 14 tỷ đơn vị, tổng giá trị khớp lệnh đạt trên 308.412 tỷ đồng; tăng lần lượt 13% và 20% so với tháng 12/2020 dù số ngày giao dịch thực tế của tháng 1/2021 ít hơn tháng 12/2020.

Trong một diễn biến mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã chính thức bác bỏ đề xuất nâng lô cổ phiếu lên 1.000 đơn vị.

Đặc biệt, Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định rằng giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HoSE là hoàn toàn khả thi, chỉ mất từ 3 - 4 tháng triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.

Mặc dù thị trường khá hồ hởi và đánh giá cao tinh thần và quyết tâm của Bộ Tài chính và FPT nhưng trong một dòng trạng thái đăng trên Facebook cá nhân mới đây, Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI Nguyễn Duy Hưng lại bày tỏ nghi ngờ về khả năng thành công của phương án này.

"Sau 3 tháng FPT xử lý không được thì FPT chịu trách nhiệm hay Uỷ ban chứng khoán chịu trách nhiệm?", ông Nguyễn Duy Hưng đặt câu hỏi.

Trên thực tế, nghi ngờ này không hẳn là không có cơ sở bởi việc sửa đổi hệ thống, "test" kỹ thuật, khắc phục lỗi phát sinh... có thể mất rất nhiều thời gian vì quá trình này có thể phải lặp lại nhiều lần và đặc biệt, tính an toàn của cả hệ thống phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, việc đặt ra câu chuyện trách nhiệm ở thời điểm này đã gây ra phản ứng khá gay gắt từ phía các nhà đầu tư bởi ở thời điểm hiện tại, nhiều ý kiến cho rằng nên cổ vũ FPT thay vì nghi ngờ và đặt câu hỏi về trách nhiệm.

Nếu có đặt câu hỏi về trách nhiệm, đầu tiên có lẽ phải hỏi đến lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và lãnh đạo HoSE trong việc để hệ thống giao dịch trên sàn HoSE bị nghẽn trong bối cảnh hệ thống công nghệ lạc hậu sử dụng trong hơn 20 năm nhưng không được thay mới (trong khi đó, hệ thống giao dịch nâng cấp phiên bản Core I5 của HNX được triển khai vào năm 2013 có sức tải lệnh gấp hàng chục lần hệ thống của HoSE).

Một câu hỏi lớn khác cũng được đặt ra là: Vì sao đã ký hợp đồng với Sở Giao dịch Chứng khoán Hàn Quốc từ năm 2012 nhưng HoSE vẫn chưa thể đưa hệ thống giao dịch mới vào hoạt động?

Câu hỏi lớn này kéo theo nhiều câu hỏi khác, rằng năng lực triển khai của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE phải chăng có vấn đề nên mới khiến dự án kéo dài lâu như vậy? Thậm chí có ý kiến còn bày tỏ nghi ngờ về năng lực công nghệ của đối tác Hàn Quốc.

Trong buổi họp báo hồi đầu năm nay của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chủ tịch Trần Văn Dũng kỳ vọng rằng hệ thống mới của Hàn Quốc sẽ vận hành chính thức cuối năm 2021. Đây có thể coi là mốc thời gian quan trọng cuối cùng để đánh giá năng lực thực thi của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE cũng như năng lực công nghệ của đối tác Hàn Quốc.

Dù ai "đúng", ai "sai" thì chốt lại, vấn đề nghẽn lệnh trên HoSE nhiều khả năng vẫn sẽ tiếp diễn trong 3 tháng tới. Giải pháp khả dĩ hiện tại là tạm thời chuyển giao dịch các cổ phiếu trên sàn HoSE sang hệ thống của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) để giảm tải cho hệ thống của HoSE.

Quan điểm của Bộ Tài chính cũng như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là chuyển giao dịch trên tinh thần tự nguyện (riêng nhóm VN30 không chuyển giao dịch), vì vậy rất cần sự chung tay của các doanh nghiệp niêm yết và đi đầu hẳn nhiên phải là các công ty chứng khoán.

Để chuyển giao dịch sang HNX, theo quy định, chỉ cần có Nghị quyết thông qua của HĐQT doanh nghiệp. Vì vậy, việc triển khai sẽ không mất quá nhiều thời gian nếu doanh nghiệp muốn. Ở phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tinh thần là tạo điều kiện nhanh nhất có thể.

Trên thực tế, đã có những doanh nghiệp đề xuất chuyển giao dịch, đi đầu là hai công ty chứng khoán là Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect (HoSE: VND) và Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BSI).

Trong một diễn biến mới đây, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) Nguyễn Thị Trà My cho biết đã gửi đề xuất đến HĐQT tập đoàn theo hướng chuyển cổ phiếu của PAN cùng 7 công ty thành viên gồm FMC, NSC, SSC, ABT, BBC, LAF và VFG từ hệ thống của HoSE sang giao dịch trên hệ thống của HNX.

"Mọi người lúc này cùng nhau hướng tới mục tiêu duy nhất là cấp bách giảm tải cho hệ thống HoSE", "nữ tướng" Nguyễn Thị Trà My chia sẻ.

Tinh thần này hy vọng sẽ được lan tỏa đến các doanh nghiệp khác đang niêm yết trên sàn HoSE!

Cùng chuyên mục
Tin khác