'Quy hoạch treo' điện hạt nhân: Người dân nên là trung tâm khi thiết kế chính sách

Nguyễn Đỗ Thuyên - 23/06/2022 07:57 (GMT+7)

(VNF) - Giữ lại hay xóa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ra khỏi quy hoạch quốc gia đang là vấn đề được công chúng và Quốc hội quan tâm. Những yêu cầu xuất phát từ góc nhìn của người dân - những người đang chịu ảnh hưởng bởi “quy hoạch treo” hay những lập luận từ góc nhìn của người hoạch định chính sách năng lượng đều cho thấy sự hợp lý nhất định. Vấn đề là, những lập luận “hợp lý” này khi đặt cạnh nhau lại trở nên mâu thuẫn.

VNF
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận (ảnh minh họa)

3 chữ “không”: Không thể, không nên, không có

“Không thể để người dân chờ 13 năm trời, giờ lại tiếp tục chờ” - đó là lời một người dân đang sống ở vùng có quy hoạch dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

13 năm trước (2009), hai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư; tuy nhiên đến năm 2016, Quốc hội đã cho dừng chủ trương đầu tư này.

Như nhiều “quy hoạch treo” khác, trong 13 năm qua, cuộc sống của người dân trong khu vực quy hoạch (xã Phước Dinh - huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải - huyện Ninh Hải) luôn trong tình trạng khó khăn, bất ổn: nhà cửa không thể sửa chữa, cơi nới; đất đai không thể sang nhượng, mua bán; hạ tầng công cộng ngày càng xuống cấp vì không được đầu tư; người dân không thể mở rộng sản xuất vì không được phép tác động lên đất của dự án. Thậm chí, vì khó khăn nên nhiều gia đình đã vay mượn tiền ngân hàng để trang trải cuộc sống, kết quả là nợ nần chồng chất.

“Không nên luyến tiếc nữa” - đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) phát biểu tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều ngày 30/5. Cùng với đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận), đại biểu Nghĩa cho rằng giải quyết khó khăn của người dân ở khu vực “quy hoạch treo” là nhu cầu bức thiết, do đó ông đề nghị xóa bỏ quy hoạch dự án phát triển nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. “Trong 10-20 năm tới, nếu chúng ta làm điện hạt nhân thì làm quy hoạch mới, và khi đó sẽ tính toán nếu làm thì đặt ở đâu. Còn giờ việc cấp bách là rốt ráo triệt để quyền lợi cho bà con”, đại biểu Nghĩa nói.

“Không có địa điểm nào phù hợp hơn phát triển ở đây” - Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định. Theo ông, Nghị quyết năm 2016 của Quốc hội đối với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chỉ là tạm dừng chứ không phải hủy bỏ. Thậm chí, có khả năng Việt Nam cần quay lại với điện hạt nhân, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vừa cam kết giảm phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050 như cam kết của Thủ tướng tại COP 26 vừa qua. Giữ lại địa điểm cho điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, vì vậy theo ông là cần thiết.

Ba ý kiến với ba chữ “Không” mạnh mẽ cho thấy sự xác quyết của người phát ngôn, cũng như cho thấy dư địa rất hạn chế của một giải pháp chính sách có thể đồng thời thỏa mãn nhu cầu của tất cả các bên. Các vị đại biểu Quốc hội phải nói ra tiếng nói của người dân mà họ đại diện. Bộ trưởng Bộ Công Thương phải cân nhắc các quyết định dựa trên góc độ ngành mà ông quản lý. Còn với người dân, điều họ quan tâm nhất chính là làm sao quay lại cuộc sống bình thường trước quy hoạch.

Trong câu chuyện này, có hai “nhóm lợi ích công” đã, đang hoặc sẽ chịu tổn hại: (1) Cuộc sống tạm bợ của người dân trong khu vực quy hoạch - đây là những thiệt hại đã và đang diễn ra suốt 13 năm, có nhu cầu bức thiết phải được giải quyết trong ngắn hạn, và (2) Nguy cơ Việt Nam không đạt được những cam kết về phát triển bền vững vì bỏ qua một nguồn điện nền ổn định phát thải ít khí nhà kính - đây là điều có khả năng xảy ra trong dài hạn. Cần có những phân tích kỹ thuật đầy đủ trước khi thử đưa ra lời giải cho bài toán đảm bảo cả hai nhóm lợi ích công này.

Điện hạt nhân trong mục tiêu Net Zero 2050

Nếu chỉ xét đến bối cảnh Việt Nam đang mạnh mẽ cắt giảm công suất nhiệt điện than và tăng mạnh tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió mấy năm gần đây, quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên là hợp lý về mặt kỹ thuật.

Như ông đã giải thích khá rõ, điện mặt trời và điện gió không có tính ổn định cao vì phụ thuộc vào thời tiết, dẫn đến khó đáp ứng phụ tải nền. Để vừa duy trì một tỷ trọng cao các nguồn năng lượng tái tạo (nhằm đạt mục tiêu Net Zero 2050) lại vừa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân, rất cần các nguồn điện đảm bảo phụ tải nền (là các nguồn có công suất lớn, làm việc ổn định khoảng 6.000 - 7.500 giờ/năm). Vì điện than đã không còn điều kiện phát triển, thuỷ điện cũng đã hết dư địa, điện hạt nhân trở thành lựa chọn tối ưu nhất cho vai trò là nguồn điện nền ổn định. Địa điểm dự kiến ở Ninh Thuận cũng đã được các đối tác Nga, Nhật cùng các bộ ngành liên quan nghiên cứu rất kỹ trước khi được kết luận là địa điểm phù hợp nhất để phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam.

Không phải chỉ có Việt Nam đang cân nhắc điện hạt nhân. Kể từ làn sóng từ bỏ điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011, nhiều nước đã quay lại hoặc có kế hoạch quay lại với loại năng lượng này. Chính Nhật Bản - quê hương của thảm họa Fukushima - mới 27/5 vừa qua đã tuyên bố sẽ tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân (vốn đang ngưng hoạt động trước đó). Mỹ và Đức được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên kể tên như là hai quốc gia vốn đã cắt giảm điện hạt nhân nhưng đến nay đã phải xây dựng lộ trình để phát triển mạnh hơn loại hình này. Danh sách này còn có cả Pháp, Anh, Ba Lan, Romania, Ukraine ở châu Âu; Philippines, Trung Quốc, Singapore ở châu Á.

Có nhiều lí do khác nhau khi một quốc gia hướng sự quan tâm tới điện hạt nhân: nhu cầu về tự chủ nguồn cung năng lượng, ổn định giá cả, nhu cầu cắt giảm phát thải khí nhà kính và hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, nhu cầu trở thành cường quốc về điện hạt nhân… 

Tuy nhiên, có một điểm chung mà tất cả các nước trên đều công nhận: công nghệ lò phản ứng hạt nhân đang ngày càng được cải tiến, giúp hạn chế rủi ro trong xây dựng và vận hành - điều đã từng là nỗi ám ảnh ngăn cản các quyết định đầu tư. Việc nước Anh phê duyệt thiết kế lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ ba Hualong 1 của Trung Quốc vào 12/2 bất chấp sự phản đối của đồng minh Mỹ cho thấy một thực tế: những căng thẳng trong quan hệ ngoại giao với Trung Quốc không phải là lí do để nước Anh từ chối một loại năng lượng hiệu quả và an toàn.

Trung Quốc hiện cũng đang thử nghiệm thiết kế an toàn của lò phản ứng thế hệ thứ tư, trong đó sử dụng loại chất làm mát lõi có thể ngưng tụ thành chất rắn ngay sau khi làm mát để tránh rò rỉ (thay vì sử dụng nước để làm mát lõi). Bình luận về lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ tư dạng module nhỏ trước Quốc hội Singapore hôm 4/4, Bộ trưởng Ngoại thương và Công nghiệp Singapore Alvin Tan khẳng định nó có thiết kế về an toàn tiên tiến hơn nhiều so với các công nghệ cũ. Việc quan sát kinh nghiệm từ các nước phát triển về điện hạt nhân sẽ giúp Việt Nam có cái nhìn khách quan hơn về loại hình năng lượng này, kịp thời nắm bắt các xu hướng công nghệ mới nhất, tận dụng được các cơ hội đầu tư - hợp tác cũng như đảm bảo được cam kết Net Zero 2050.

Nguyễn Đỗ Thuyên, ThS Chính sách công

Lối thoát nào cho người dân ở vùng quy hoạch treo?

Tạm dừng, xóa bỏ hay tiếp tục triển khai một dự án lớn như điện hạt nhân Ninh Thuận chưa bao giờ là một quyết định dễ dàng và nhanh chóng. Ngay cả khi Việt Nam đưa ra lựa chọn giống với các nước tiên tiến như Đức, Mỹ, Nhật hay Anh, Pháp thì quyết định đó cũng phải được tham vấn rất kỹ từ giới chuyên môn. Tuy nhiên, cho đến khi có quyết định mới về điện hạt nhân Ninh Thuận, người dân sinh sống ở vùng quy hoạch vẫn rất cần một chính sách có thể giúp họ thoát khỏi tình trạng hiện tại.

Nếu như lo ngại phương án “xóa điện hạt nhân Ninh Thuận khỏi quy hoạch” như đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa đề xuất sẽ cắt đứt cơ hội tiếp cận được nguồn điện nền hiệu quả và ít phát thải; các nhà hoạch định hoàn toàn có thể cân nhắc hướng tiếp cận khác, không gây ảnh hưởng đến quy hoạch nhưng có thể giúp người dân ổn định lại cuộc sống. Đã có một vài chính sách được ban hành theo hướng này, nhưng hiệu quả của chúng vẫn còn là dấu hỏi lớn.

Trong Nghị quyết 31 năm 2016 về việc “Dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận”, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ ban hành chính sách để giúp tổ chức lại sản xuất và ổn định đời sống của người dân khu có quy hoạch. Hai năm sau (2018), Chính phủ ban hành Nghị quyết 115, trong đó giao nhiệm vụ cho Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Ninh Thuận xây dựng và trình phương án ổn định sản xuất, đời sống cho người dân vùng quy hoạch.

Một năm sau (2019), UBND tỉnh Ninh Thuận xây dựng xong đề án chuyển đổi mặt bằng 2 dự án điện hạt nhân để hỗ trợ cho người dân trong vùng dự án, trình các bộ ngành để lấy ý kiến. Phương án cụ thể là: giữ nguyên khu dân cư hiện hữu, có mở rộng để ổn định đời sống người dân, chuyển đổi mặt bằng một số khu vực gần biển để phát triển du lịch (đối với đất dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1); giữ nguyên hiện trạng đất, phát triển thành khu dịch vụ du lịch biển gắn với sản xuất nông nghiệp (đối với đất dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2).

Tuy vậy, sau ba năm, vẫn còn những vướng mắc khiến đề án này chưa được thực thi. Tháng 2/2022, trả lời báo chí, ông Lê Kim Hoàng, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, nói “tỉnh đã hoàn tất các thủ tục liên quan, nhưng do Bộ Công Thương chưa trình Thủ tướng Chính phủ nên chưa thể phê duyệt đề án chuyển đổi mặt bằng”.

Tháng 3/2022, khi đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Ninh Thuận để đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 31, kết luận được đưa ra là “còn nhiều nội dung chưa được giải quyết thỏa đáng”, mà “nguyên nhân chủ yếu đến từ các bộ, ngành ở trung ương”. Trong phiên thảo luận hôm 30/5 tại Quốc hội, đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương cũng đưa ra ý kiến tương tự: “Còn quá nhiều việc cần làm mà Thủ tướng dù đã giao các bộ, ngành giải quyết, đến nay vẫn chưa có kết quả”.

Xây dựng chính sách: Người dân nên là trung tâm

Như vậy, mặc dù Quốc hội đã ý thức được tác động của việc tạm dừng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đến người dân sống trong khu vực “quy hoạch treo” và đã giao nhiệm vụ cho Chính phủ giải quyết kể từ 2016, nhưng sau 6 năm, tất cả vẫn chỉ đang nằm trên nghị quyết và đề án. Có hai trục trặc có thể nhìn thấy ngay:

Thứ nhất, điểm nghẽn chính sách hiện đang nằm ở phía các bộ, ngành của Chính phủ. Hiệu suất làm việc của Chính phủ chưa cao. Đã không có chuyển biến nào sau 3 năm kể từ khi các bộ, ngành nhận được đề án của tỉnh Ninh Thuận, và cũng tốn đến 2 năm chỉ để Chính phủ “giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Ninh Thuận xây dựng đề án”. Đây cũng là đánh giá của Đoàn công tác Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Nghị quyết 31 của Quốc hội đã ban hành từ năm 2016, nhưng Nghị quyết 115/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận ổn định đời sống nhân dân mãi đến năm 2018 mới ban hành. Điều này gây nhiều khó khăn cho tỉnh Ninh Thuận”.

Thứ hai, cách tiếp cận chính sách hiện tại chưa lấy người dân làm trung tâm, mà lấy các dự án, các khu vực quy hoạch làm trung tâm. Có thể nhận rõ điều này qua câu trả lời trước Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Công Thương: ông hoàn toàn chỉ nhìn vấn đề từ góc độ quản lý ngành và không nhắc đến những tác động đến đời sống của người dân.

Đề án được tỉnh Ninh Thuận xây dựng cũng phản ánh cách tiếp cận này khi các đề xuất hướng đến việc tác động vào các “khu vực”: giữ nguyên một số khu vực, chuyển đổi mặt bằng một số khu vực khác để làm du lịch… Sinh kế của người dân sẽ là hệ quả của quá trình chuyển đổi này, thay vì là chủ thể chính được nhắc tới.

Mặc dù Nghị quyết 115 của Chính phủ có tên là “Thực hiện một số cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, đời sống nhân dân giai đoạn 2018 - 2023”, đã không có một “cơ chế đặc thù” nào được đề xuất để giải quyết trực tiếp các khó khăn mà người dân khu vực quy hoạch treo đang gặp phải.

Không có cơ chế đặc thù cho việc đầu tư, nâng cấp đìa tôm hay đất nông nghiệp. Không có cơ chế đặc thù cho việc làm trại chăn nuôi gia súc ngay trên chính đất của mình. Không có cơ chế đặc thù cho việc cơi nới, sửa chữa nhà cửa. Không có cơ chế đặc thù để cha mẹ có thể tách thửa đất cho con cái, nghĩa là các cặp vợ chồng trẻ phải sống trong các căn nhà chật chội với cha mẹ, ông bà một cách rất bí bách. Và cũng không có cơ chế đặc thù để chôn cất người chết một cách đàng hoàng, bởi vì đất nghĩa trang nằm trong quy hoạch nhà máy điện, nghĩa là người dân vẫn phải tiếp tục phải đưa người chết lên các khu núi xa hoặc đất hoang ở chỗ khác để chôn cất.

Các chính sách vẫn đang được ban hành, các đề xuất vẫn đang được xem xét. Nhưng nếu người dân tiếp tục không được coi là trung tâm của chính sách, nhiều khả năng họ sẽ phải tiếp tục một cuộc sống đúng nghĩa là “sống không được mà chết không xong”.
 

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.