Thảm kịch máy bay rơi khiến 179 người tử vong: CEO Jeju Air bị cấm xuất cảnh

Thanh Tú - 03/01/2025 11:15 (GMT+7)

(VNF) - Cảnh sát Hàn Quốc đã cấm CEO Jeju Air là ông Kim E-bae rời khỏi đất nước trong bối cảnh cuộc điều tra về thảm họa hàng không dân dụng tồi tệ nhất từ trước đến nay tại Hàn Quốc đang diễn ra.

Thúc đẩy điều tra nguyên nhân vụ tai nạn

Động thái này được đưa ra vào ngày 2/1 khi các cơ quan hàng không đẩy mạnh cuộc điều tra về nguyên nhân vụ tai nạn chết người của chuyến bay mang số hiệu 7C-2216 của Jeju Air cào cuối tuần qua.

Trước đó, ngày 29/12, chiếc máy bay của Jeju Air khởi hành từ thủ đô Bangkok của Thái Lan đến Muan ở phía tây nam Hàn Quốc đã hạ cánh bằng bụng trên đường băng mà không bung càng đáp. Chếc máy bay sau đó trượt khỏi đường băng, đâm vào bức tường bê tông rồi phát nổ.

Các thành viên của đội cứu hộ làm việc tại hiện trường vụ rơi máy bay ở Sân bay quốc tế Muan tại Muan, Hàn Quốc, vào ngày 31/12/2024 (Ảnh Ahn Young-joon/AP)

Hai thành viên phi hành đoàn ngồi ở đuôi máy bay Boeing 737-800 đã được lực lượng cứu hộ kéo ra còn sống nhưng bị thương, 179 người còn lại đã tử vong.

Đây là tai nạn chết nhiều người nhất liên quan đến một hãng hàng không Hàn Quốc kể từ khi một chiếc Boeing 747 của Korean Air đâm vào sườn đồi ở Guam năm 1997, khiến 228 người thiệt mạng.

Sáng 2/1, Cơ quan Cảnh sát Tỉnh Jeonnam đã tiến hành "hoạt động tìm kiếm và thu giữ" tại sân bay Muan nơi chuyến bay 2216 bị rơi, một văn phòng hàng không khu vực ở phía tây nam thành phố và văn phòng của Jeju Air tại thủ đô Seoul.

Jeju Air cùng ngày thông báo rằng hãng có kế hoạch cắt giảm các chuyến bay nội địa và quốc tế do lo ngại về an toàn đối với máy bay Boeing 737-800 sau vụ tai nạn.

Cụ thể, hãng sẽ giảm các chuyến bay nội địa sớm nhất là vào tuần tới đồng thời lên kế hoạch giảm các chuyến bay trên các tuyến quốc tế bắt đầu từ tuần thứ ba của tháng 1.

Việc cắt giảm hoạt động diễn ra vài ngày sau khi chính phủ Hàn Quốc ra lệnh kiểm tra toàn bộ máy bay Boeing 737-800 trong nước.

Cuộc điều tra về vụ tai nạn vẫn đang được tiến hành và các quan chức vẫn chưa tiết lộ lý do của vụ tai nạn.

Trước đó, các nhà chức trách Hàn Quốc ngày 1/1 cho biết họ đã trích xuất dữ liệu ban đầu từ một trong hai hộp đen của máy bay Boeing 737-800, hộp còn lại sẽ được gửi đến Mỹ để phân tích do bị hư hỏng trong vụ tai nạn.

Quyền tổng thống nước này, ông Choi Sang-mok, ngày 2/1 tuyên bố phải hành động ngay lập tức nếu cuộc kiểm tra phát hiện bất kỳ vấn đề nào với mẫu máy bay.

“Do công chúng rất lo ngại về cùng một mẫu máy bay liên quan đến vụ tai nạn, Bộ giao thông vận tải và các tổ chức liên quan phải tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động bảo trì, giáo dục và đào tạo”, ông Choi nêu rõ.

Các chuyên gia hàng không đã đưa ra một loạt các nguyên nhân có thể xảy ra và các yếu tố góp phần gây ra thảm họa, bao gồm va chạm với chim, hỏng hóc cơ học và sự xuất hiện của một bức tường bê tông cứng cách cuối đường băng chưa đầy 300m.

Mối lo ngại chính

Theo các nhà quan sát ngành, mối lo ngại về thách thức bảo trì của các hãng hàng không giá rẻ (LCC) đã xuất hiện sau thảm kịch của Jeju Air, với dữ liệu cho thấy sự phụ thuộc lớn vào nước ngoài đối với các dịch vụ sửa chữa máy bay quan trọng, chẳng hạn như sửa chữa động cơ.

Sự cố trục trặc rõ ràng của bộ phận hạ cánh trên chiếc máy bay B737-800 của Jeju Air bị rơi đã làm dấy lên lo ngại rằng hãng hàng không này có thể đã ưu tiên hoạt động hơn thời gian bảo trì cần thiết, có khả năng gây nguy hiểm cho an toàn.

Theo dữ liệu từ Bộ Giao thông vận tải, chi phí bảo trì mà các hãng hàng không trong nước chi ra ở nước ngoài đạt tổng cộng 1,99 nghìn tỷ won (1,35 tỷ USD) vào năm 2023, tăng 58,2% so với mức 1,26 nghìn tỷ won vào năm 2019.

Đối với các hãng hàng không giá rẻ trong nước, mức tăng thậm chí còn rõ rệt hơn. Chi phí bảo dưỡng ở nước ngoài của các hãng hàng không giá rẻ lên tới 502,7 tỷ won vào năm ngoái, tăng 63,6% trong cùng kỳ.

Tỷ lệ sửa chữa do các hãng hàng không giá rẻ thực hiện ở nước ngoài được ghi nhận ở mức 71,1% vào năm 2023.

Trong số các hãng hàng không Hàn Quốc, chỉ có Korean Air và Asiana Airlines, những hãng hàng không cung cấp đầy đủ dịch vụ của nước này, có khả năng thực hiện các sửa chữa lớn, bao gồm đại tu động cơ, vì họ vận hành nhà chứa máy bay riêng và có năng lực bảo dưỡng, sửa chữa và đại tu (MRO).

Do các hãng hàng không giá rẻ thiếu các nguồn lực này và phải thuê ngoài để sửa chữa lớn nên các lựa chọn MRO trong nước vẫn còn hạn chế, chỉ có Korean Air và Korea Aviation Engineering & Maintenance Service cung cấp các dịch vụ như vậy.

CEO Jeju Air, ông Kim E-bae đã thừa nhận tình hình trong cuộc họp báo gần đây, tuyên bố công ty thực hiện một số sửa chữa tại địa phương và gửi phần còn lại cho các nhà cung cấp dịch vụ MRO ở nước ngoài.

Các chuyên gia cho rằng việc phát triển ngành MRO trong nước mạnh mẽ là điều cần thiết để nâng cao năng lực bảo trì của các hãng hàng không giá rẻ.

Thị trường MRO hàng không toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng lên 124,1 tỷ USD vào năm 2034, nhưng tiến độ phát triển ngành này của Hàn Quốc vẫn còn chậm.

Vào tháng 8/2021, Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc đã công bố kế hoạch tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành MRO hàng không trong nước, đặt mục tiêu tăng tỷ lệ bảo dưỡng trong nước lên 70% vào năm 2024.

Tuy nhiên, phải đến tháng 4 năm ngoái, chính phủ mới tổ chức lễ khởi công xây dựng Khu phức hợp hàng không tiên tiến tại Sân bay Incheon, một cụm MRO chuyên dụng.

Theo Aljazeera, The Korea Times
Hàn Quốc: Cảnh sát đột kích sân bay Muan sau thảm hoạ 179 người tử vong

Hàn Quốc: Cảnh sát đột kích sân bay Muan sau thảm hoạ 179 người tử vong

Tài chính quốc tế
(VNF) - Cảnh sát Hàn Quốc sáng 2/1 đã đột kích hãng hàng không Jeju Air và đơn vị điều hành Sân bay quốc tế Muan trong khuôn khổ cuộc điều tra về vụ tai nạn ngày 29/12/2014 khiến 179 người thiệt mạng trong thảm họa hàng không tồi tệ nhất tại nước này.
Cùng chuyên mục
Tin khác