Thị trường TMĐT Việt Nam: Miếng bánh béo bở nhưng không ‘dễ xơi’
Hoàng Lan -
26/04/2018 13:23 (GMT+7)
(VNF) – Thị trường thương mại điện tử Việt Nam khiến nhiều "cá mập" thèm muốn vì dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng thiết bị di động và internet cao, kinh tế tăng trưởng bền vững. Đây là miếng bánh béo bở nhưng không hề "dễ xơi" vì hàng loạt thách thức liên quan đến vận chuyển và người tiêu dùng Việt vốn nổi tiếng "nhạy cảm" về giá.
Tiki.vn ra đời trong phòng ngủ của Trần Ngọc Thái Sơn tại Sài Gòn, vào một buổi sáng thứ Bảy năm 2010.
Đơn hàng đầu tiên đến vào thứ Hai, khi Sơn kêu gọi một người bạn đặt mua một cuốn sách và anh đã tự giao hàng bằng một chiếc xe máy.
8 năm sau, Tiki.vn đã mở rộng từ việc bán sách tiếng Anh ban đầu sang đủ các loại hàng hóa từ tã lót, đồ điện tử đến vé máy bay và bảo hiểm.
Tổng giá trị hàng hóa hàng năm của Tiki (một chỉ số các trang web thương mại điện tử dùng để đo lường doanh thu của họ) rơi vào khoảng 240 triệu USD và phân phối trên khắp Việt Nam.
"Việt Nam là một đất nước rất trẻ đang trải qua thời kỳ dân số vàng", Thái Sơn chia sẻ. Anh nhận định Việt Nam là "một đất nước làm việc và mua sắm".
Tiki đã ra mắt công chúng được 4 năm. Thái Sơn chia sẻ rằng công ty đang xem xét mở rộng trong khu vực, có thể bắt đầu với Đài Loan.
Tiki.vn là một trong số nhiều công ty thương mại điện tử của Việt Nam được đầu tư bởi nước ngoài. Họ là những "cá mập" muốn vươn tới Việt Nam, nơi thu nhập tăng cao và tỷ lệ kết nối internet ngày càng tăng, là động lực thúc đẩy nhiều người mua sắm trực tuyến hơn.
Amazon, gã khổng lồ trong ngành bán lẻ của Mỹ, đã tham dự một hội nghị thương mại tại Việt Nam. Tuy nhiên, Amazon đã từ chối bình luận về các kế hoạch của mình cho thị trường này.
Hiện tại, cuộc cạnh tranh trong lĩnh vực Thương mại điện tử ở Việt Nam chính là cuộc chiến ủy nhiệm giữa các công ty thương mại điện tử của Trung Quốc.
Lazada, thuộc sở hữu của Alibaba đang là công ty dẫn đầu thị trường trong khi JD.com gần đây đã mua 22% cổ phần của Tiki, giá trị của thương vụ không được tiết lộ. Cũng phải kể đến chợ trực tuyến Shopee thuộc sở hữu của một công ty Singapore, trong đó Tencent của Trung Quốc là một cổ đông.
So với Trung Quốc, thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á diễn biến chậm hơn. Trở ngại lớn nhất của thương mại điện tử ở Đông Nam Á chính là vấn đề "hậu cần", bao gồm kho bãi và logistic.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trực tuyến Đông Nam Á vẫn đang bùng nổ.
Bain - một công ty tư vấn đã đưa ra ước tính rằng khu vực này có 200 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số, trong số 405 triệu người trưởng thành. Việt Nam chiếm 35 triệu trong 200 triệu người đó.
Việt Nam là quốc gia có nhiều người sử dụng thiết bị di động nhất ở Đông Nam Á. Thời gian người tiêu dùng Việt Nam trực tuyến (online) cũng nhiều hơn các nước trong khu vực.
Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen ước tính người Việt Nam dành gần 25 giờ trực tuyến mỗi tuần.
Rào cản lớn nhất cho các công ty thương mại điện tử ở Việt Nam chính là vấn đề giao hàng. Các công ty thương mại điện tử cho biết đường xá lạc hậu, tắc nghẽn giao thông và địa lý rộng lớn - hai thành phố lớn nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cách nhau hơn 1.600km là trở ngại của họ.
"Thách thức cho thương mại ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, là hậu cần", ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc bộ phận Hậu cần của Lazada tại Việt Nam nói.
Lazada đang thử nghiệm việc sử dụng xe đạp và xe ba bánh điện ở Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á - nơi hãng này hoạt động.
Các công ty thương mại điện tử cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ trung tâm thương mại đang được tăng đầu tư. Doanh thu của các trung tâm thương mại cũng tăng đáng kể trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng bền vững, khi mà GDP (tổng sản phẩm quốc nội) tăng hơn 7% mỗi năm.
Một thách thức khác cho thương mại điện tử đến từ người tiêu dùng, đó là việc người tiêu dùng Việt Nam nổi tiếng là nhạy cảm về giá. Điều này khiến các công ty thương mại điện tử khó khăn trong việc xác định giá cả và phí vận chuyển.
Ngay cả khi Amazon đến Việt Nam, gã khổng lồ này cũng phải đau đầu về giá nếu muốn giành được khách hàng.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone