Thiệt hại cháy rừng Los Angeles ước tính ít nhất 250 tỷ USD, gánh nặng đổ lên vai ai?

Bích Hợp - 16/01/2025 15:01 (GMT+7)

(VNF) - Ước tính thiệt hại và chi phí kinh tế do cháy rừng ở Los Angeles gây ra lên tới hàng trăm tỷ USD, và số tiền này sẽ được chia đều cho chính quyền địa phương và liên bang, các công ty bảo hiểm và người dân.

Thiệt hại "thảm khốc"

Tính đến ngày 14/1, chính quyền Los Angeles báo cáo ít nhất 24 người tử vong và hơn 12.300 công trình đã bị phá hủy do vụ hoả hoạn lịch sử vừa qua. Trong khi đó, hơn 40.000 mẫu Anh (162km2) đã bị cháy, san phẳng toàn bộ khu dân cư và khiến cư dân phải di dời. Gió mạnh dự kiến ​​sẽ tiếp tục trong tuần này khiến lính cứu hỏa phải chạy đua để dập tắt đám cháy.

Theo ước tính mới của nền tảng dữ liệu thời tiết AccuWeather, tổng tiệt thại mà đám cháy gây ra sẽ lên mức "thảm khốc" vào khoảng 250 - 275 tỷ USD. Tổng thiệt hại do cháy rừng sẽ không được xác định rõ ràng cho đến rất lâu sau khi khói tan, và những nỗ lực tái thiết tốn kém có thể mất nhiều năm.

Theo Trung tâm Thông tin Môi trường Quốc gia Mỹ, kể từ năm 1980, hơn 400 sự kiện thời tiết và khí hậu ở Mỹ đã gây thiệt hại vượt quá 1 tỷ USD khi điều chỉnh theo lạm phát.

Các vụ cháy rừng ở Los Angeles có thể là một trong những vụ cháy rừng tốn kém nhất từng được ghi nhận. "Tổng chi phí của một thảm họa được tính toán từ cả tổn thất trực tiếp và gián tiếp", theo ông Jeff Schlegelmilch, giám đốc Trung tâm Phòng ngừa Thảm họa Quốc gia tại Đại học Columbia.

Ước tính của AccuWeather tính đến các chi phí trực tiếp như xây dựng lại, di dời, chi phí dọn dẹp và chi phí nơi trú ẩn khẩn cấp. Họ cũng tính đến các chi phí gián tiếp như hóa đơn chăm sóc sức khỏe cho những người bị thương hoặc tiếp xúc với khói cháy rừng, mất tiền lương và di dời nhà ở cho nhân viên, cùng với các tác động đến thị trường việc làm địa phương, bối cảnh kinh doanh và ngành du lịch...

Ông Schlegelmilch cho biết một phần lý do khiến các vụ cháy ở Los Angeles tốn kém như vậy là do giá trị bất động sản ở khu vực này cao. Ví dụ, khu dân cư Pacific Palisades bị ảnh hưởng nghiêm trọng là nơi sinh sống của một số người nổi tiếng và có giá trị nhà trung bình là 3,5 triệu USD/căn.

Ngoài thiệt hại trực tiếp và mất cơ hội kinh tế, còn có những chi phí khó có thể định lượng. Nhiều cư dân ở Los Angeles đang phải đối mặt với chi phí di dời ngắn hạn hoặc dài hạn, cùng với chấn thương về mặt cảm xúc hoặc thể chất.

Gánh nặng đổ lên vai ai?

Ngay sau thảm họa thiên nhiên, chính quyền địa phương và liên bang phải chịu một phần chi phí.

Cơ quan ứng phó khẩn cấp liên bang (FEMA) cung cấp nhiều loại viện trợ như cung cấp biện pháp giảm thiểu nguy cơ, dọn dẹp đống đổ nát và tài trợ cho các nơi trú ẩn khẩn cấp, cùng với việc cung cấp hỗ trợ tài chính cho một số cư dân phải di dời.

Chính phủ liên bang thường ký vào các khoản tài trợ theo khối (tiền được chuyển từ chính quyền quốc gia đến chính quyền địa phương cho một mục đích cụ thể, như cứu trợ thiên tai) nhưng có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm để số tiền đó có thể tiếp cận được với các cộng đồng địa phương.

Các nhà lãnh đạo tiểu bang và Los Angeles, Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ và các nhóm từ thiện cũng có thể sẽ gánh vác một số chi phí xây dựng lại nhà cửa và doanh nghiệp.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính phủ liên bang sẽ chi trả 100% chi phí ứng phó hỏa hoạn và cung cấp một khoản tiền kích thích một lần là 770 USD cho những người bị ảnh hưởng.

"Tôi đã nói với thống đốc và các quan chức địa phương rằng, không được tiếc tiền", ông Biden nói vào ngày 9/1.

Hiện quốc hội vẫn chưa đạt được thỏa thuận về gói viện trợ và vẫn chưa rõ kế hoạch của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với hoạt động cứu trợ thiên tai ở California là gì. Tuy nhiên, hầu hết các chương trình ứng phó của chính phủ không được xây dựng để cung cấp viện trợ dài hạn.

"FEMA không được thiết kế để chi trả toàn bộ chi phí xây dựng lại một ngôi nhà mới", ông Schlegelmilch cho hay.

Ông nói thêm rằng các công ty bảo hiểm tư nhân và nhà nước sẽ chịu trách nhiệm chi trả phần lớn, nhưng không phải toàn bộ, thiệt hại tài sản cho khách hàng của họ.

Tuy nhiên, không phải tất cả chủ nhà đều được bảo hiểm. Các công ty như State Farm và Farmers gần đây đã cắt giảm hoặc hạn chế phạm vi bảo hiểm ở những khu vực mà họ cho là "không thể bảo hiểm" do rủi ro thiên tai cao và gia tăng, khiến hàng nghìn hộ gia đình ở khu vực Los Angeles không được bảo hiểm hoặc buộc phải đăng ký FAIR, công ty bảo hiểm cuối cùng của tiểu bang. Điều này có nghĩa là một số cư dân có thể phải trả chi phí đáng kể để sửa chữa nhà của họ.

Schlegelmilch nói thêm rằng người dân Los Angeles cũng sẽ cảm nhận được tác động của cháy rừng đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Ông cho biết chi phí xây dựng có thể sẽ tăng khi người dân địa phương và các doanh nghiệp tìm cách xây dựng lại. Schlegelmilch dự kiến ​​giá thuê nhà thầu, thợ sửa ống nước, thợ điện và các chuyên gia khác sẽ tăng theo nhu cầu tăng cao.

Cũng theo ông Schlegelmilch, giá tiêu dùng tại khu vực Los Angeles đối với những thứ như tiền thuê nhà , gỗ xẻ và vật liệu xây dựng cũng có thể tăng đột biến do giá cắt cổ, nhu cầu tăng hoặc nguồn cung bị tổn hại. Ông cho biết thuế có thể sẽ không thay đổi trong ngắn hạn, nhưng tổng chi phí sinh hoạt trong khu vực có thể trở nên đắt đỏ hơn theo thời gian.

Sau cơn bão Sandy năm 2012 ở New York, Quốc hội đã cung cấp khoảng 20 tỷ USD đã điều chỉnh theo lạm phát đến USD năm 2024 cho các khu vực bị ảnh hưởng thông qua Khoản tài trợ khối phát triển cộng đồng. Con số này chiếm một phần trong tổng chi phí điều chỉnh theo lạm phát là 88,5 tỷ USD của cơn bão , theo Trung tâm thông tin môi trường quốc gia. Cơn bão Katrina năm 2005 đã gây ra thiệt hại 201,3 tỷ USD đã điều chỉnh theo lạm phát, một phần được chi trả bằng các khoản tài trợ ứng phó và phục hồi khẩn cấp của liên bang.

Schlegelmilch cho biết một thách thức chính đối với cứu trợ thiên tai trong các trường hợp như Sandy và Katrina là viện trợ có thể được phân phối không công bằng giữa các khu vực có thu nhập cao và thấp hơn vì các khu vực giàu có hơn thường có bảo hiểm và khả năng tiếp cận các nguồn lực mạnh hơn. Ông cảnh báo rằng điều tương tự có thể xảy ra ở California.

Theo Business Insider
Cơn ác mộng mới với Los Angeles: Giá thuê nhà 'bung nóc' sau thảm hoạ cháy rừng

Cơn ác mộng mới với Los Angeles: Giá thuê nhà 'bung nóc' sau thảm hoạ cháy rừng

Tài chính quốc tế
(VNF) - Giá nhà cho thuê ở Los Angeles tăng vọt khi các vụ cháy rừng lịch sử xảy ra ở nam California buộc hàng nghìn cư dân mất nhà phải vội vã tìm nơi ở mới.
Cùng chuyên mục
Tin khác