TS Lê Đăng Doanh: ‘Muốn tự chủ kinh tế phải minh bạch, giảm tham nhũng và cải cách DNNN’

Ái Châu Tử - 02/09/2020 02:29 (GMT+7)

(VNF) – TS Lê Đăng Doanh cho rằng Việt Nam có cơ sở tốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ, tuy nhiên điểm mấu chốt vẫn là hành động của nhà nước.

VNF
TS Lê Đăng Doanh

Năm 2020 đánh dấu mốc tròn 75 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Trải qua 75 năm, Việt Nam đã trở thành một quốc gia có tốc phát triển nhanh, có tiếng nói và vị thế trên trường quốc tế.

Nước nhà đã vững nền độc lập, nhưng việc xây dựng nền kinh tế quốc dân tự chủ, tự cường vẫn còn những chặng đường dài phía trước.

Xung quanh vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

- Là nhà nghiên cứu và tham gia quản lý kinh tế Việt Nam qua những giai đoạn thăng trầm nhất, cảm xúc của ông hôm nay như thế nào khi nhìn lại những thành tựu của kinh tế đất nước?

TS Lê Đăng Doanh: Qua 75 năm, từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá, chúng ta đã vươn lên để trở thành một quốc gia phát triển năng động, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Điều đáng nói là thời gian xây dựng đất nước mới chỉ từ năm 1990 đến nay, bởi giai đoạn 15 năm trước đó, chúng ta đã dành cho việc thử nghiệm cơ chế tập trung quan liệu bao cấp, không phát huy được động lực, sự năng động sáng tạo của nhân dân.

Nhìn lại công cuộc Đổi mới, có thể thấy sự đi lên của đất nước bắt nguồn từ những sáng tạo của quần chúng như khoán trong nông nghiệp và việc “xé rào” trong doanh nghiệp nhà nước. Việc Chính phủ thành công trong công tác phòng chống dịch Covid-19 hiện nay cũng cho thấy vai trò to lớn của việc phát huy sức mạnh, sự năng động, sáng tạo của nhân dân. Đó là những kinh nghiệm rất quý báu.

Tuy vậy, cũng cần thấy rằng dù Việt Nam đã vượt qua đói nghèo, trở thành nền kinh tế thu nhập trung bình thấp, nhưng so sánh với kinh tế khu vực và thế giới, chúng ta vẫn còn khoảng cách khá xa.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với trào lưu kinh tế số, xã hội số đòi hỏi Việt Nam phải có nỗ lực cao hơn nữa để tránh bị tụt hậu.

- Thành tựu trong 75 năm qua là rất lớn nhưng điểm yếu của nền kinh tế của Việt Nam là sư phụ thuộc vào bên ngoài. Nó cho thấy kinh tế Việt Nam không bền vững?

Kinh tế Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư nước ngoài. Đầu tư nước ngoài chiếm đến 50% giá trị sản lượng công nghiệp và 65% xuất khẩu, đó là tỷ lệ quá cao.

Đáng nói là nhiều tỉnh ưu đãi cho đầu tư nước ngoài còn cao hơn doanh nghiệp tư nhân trong nước, trong khi giá trị gia tăng trong xuất khẩu của đầu tư nước ngoài ở Việt Nam quá thấp, chủ yếu là tiền công lao động và tiền thuê đất. Doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài còn rất hạn chế.

Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài không phải là doanh nghiệp của dân tộc Việt Nam, thương hiệu không phải là thương hiệu Việt. Chính phủ cần điều chỉnh chính sách, thu hút có chọn lọc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và khuyến khích, hỗ trợ có hiệu quả hơn doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, thương hiệu Việt Nam.

- Sự phụ thuộc vào bên ngoài khiến việc xây dựng nền kinh tế tự chủ là vấn đề thường trực. Vấn đề này càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh dịch bệnh khiến thế giới phong tỏa như hiện nay. Ông có suy nghĩ như thế nào về điều này?

Có thể nói đại dịch Covid-19 đã điều chỉnh quan điểm về lý thuyết kinh tế ưu tiên tuyệt đối yếu tố giá rẻ - đặt vật tư, nguyên liệu, sản phẩm ở nơi nào có giá thấp nhất, không cần tính đến cơ cấu kinh tế của một quốc gia hay một vùng kinh tế.

Việc một nền kinh tế phát triển như nước Pháp thiếu hụt máy thở, thiếu khẩu trang y tế, thậm chí hàng đã đặt mua mà còn bị nước khác “phỗng tay trên” bằng cách trả giá cao hơn… cho thấy mô hình đó không thích hợp để đối phó với đại dịch.

Bây giờ các nước đã thống nhất về một cơ cấu kinh tế tự chủ cần thiết tối thiểu theo nguyên tắc “tại chỗ” về những mặt hàng như dược phẩm, thiết bị y tế cần thiết, tránh bị phụ thuộc và bị động vào nhập khẩu từ bên ngoài.

Người ta cũng thấy cần thiết phải điều chỉnh nguyên tắc “chuyên môn hóa” tuyệt đối, cho phép những doanh nghiệp đủ điều kiện được hoạt động lưỡng dụng, được tham gia sản xuất dụng cụ, thiết bị, y tế bên cạnh sản phẩm chính.

Cơ cấu kinh tế vùng cũng được điều chỉnh thích hợp, một vùng kinh tế có đường kính 200-300 km nên có những sản phẩm cần thiết gì, có bệnh viện, trường học ra sao, thay vì chuyên môn hóa tuyệt đối cho một sản phẩm hay dịch vụ nhất định.

Đại dịch đã làm thay đổi sâu sắc và nhanh chóng về kinh tế và xã hội, cân bằng chiến lược trên thế giới cũng thay đổi. Mỗi nước, mỗi doanh nghiệp phải điều chỉnh chiến lược của mình. Tình hình trước đại dịch sẽ không thể quay lại nữa.

- Theo ông, xây dựng nền kinh tế tự chủ, có thể đứng vững trước sóng gió của kinh tế thế giới, Việt Nam cần những bước đi như thế nào?

Việt Nam có cơ sở tốt để xây dựng nền kinh tế tự chủ vì có nền nông nghiệp là chỗ dựa vững vàng, bảo đảm an ninh lương thực mà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Sự tự chủ về công nghiệp khó khăn hơn, đòi hỏi phải phát huy mạnh các tập đoàn kinh tế lớn, kết hợp với các viện và trường đại học, chất lượng nguồn nhân lực phải được nâng cao hơn nữa.

Tuy nhiên, khâu mấu chốt là nhà nước phải công khai, minh bạch, giảm tham nhũng, lợi ích nhóm và cải cách doanh nghiệp nhà nước.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác