Từ bỏ Nvidia: Quyết định 'đáng xấu hổ' nhất sự nghiệp ông chủ Softbank

Quỳnh Anh - 18/11/2024 08:30 (GMT+7)

(VNF) - Một trong số những niềm tiếc nuối nhất của tỷ phú Son Masayoshi - Tổng giám đốc điều hành của Softbank, là đã bán số cổ phần Nvidia mà ông nắm giữ.

Nếu hỏi tỷ phú Son Masayoshi, quyết định nào khiến ông hối hận nhất trong vài năm qua, chắc chắn, câu trả lời sẽ là: khoản đầu tư bốc đồng của ông vào WeWork và việc bán cổ phần trong nhà sản xuất chip Nvidia.

Mỗi khi hai điều này được nhắc đến trước công chúng, ông trùm kinh doanh và đầu tư Masayoshi Son sẽ cười gượng. Vì hai quyết định này khiến ông mất gần 200 tỷ USD.

Từng là cổ đông lớn nhất của Nvidia

Tuần trước, Hội nghị thượng đỉnh Nvidia AI được tổ chức tại Tokyo, với màn gặp mặt của hai người bạn cũ thân thiết là nhà sáng lập Nvidia Jensen Huang và tỷ phú Softbank Son Masayoshi.

Khi giới thiệu Son Masayoshi, CEO Nivida đã không tiếc lời khen ngợi cho người bạn cũ của mình.

"Ông ấy là một doanh nhân và nhà đổi mới độc nhất trên thế giới. Ông ấy có con mắt độc đáo trong việc xác định và làm việc với những người chiến thắng ở mọi thời đại. Chính ông ấy là người đã đưa Bill Gates và Jerry Yang vào thị trường Nhật Bản, và chính ông ấy là người đã giúp Alibaba thành công. Ông ấy đã mang tính toán mây, và ông ấy cũng đã mang Steve Jobs và iPhone tới Nhật Bản”, tỷ phú Nvidia nói.

Mối quan hệ giữa hai người tốt đến mức sau khi giới thiệu đầy tự hào về ông Son, tỷ phú Huang bắt đầu trêu chọc người bạn cũ của mình: “Có thể bạn không biết rằng Son Masayoshi từng là cổ đông lớn nhất của Nvidia”.

Những gì ông Huang nói hoàn toàn chính xác khi SoftBank từng nắm giữ tới 5% cổ phần của Nvidia.

Quyết định "đáng xấu hổ" nhất trong sự nghiệp

Nhắc tới sự kiện này, tỷ phú Nhật Bản này tiếc nuối tới rơi nước mắt. Đây chắc chắn là quyết định đáng xấu hổ nhất trong sự nghiệp đầu tư rực rỡ của tỷ phú Softbank.

Năm 2017, khi giá cổ phiếu Nvidia ở mức thấp, SoftBank đã mua lại gần 5% cổ phần của Nvidia từ thị trường mở và chỉ chi 700 triệu USD để trở thành cổ đông lớn nhất của Nvidia.

Tuy nhiên, chỉ hai năm sau, SoftBank đã bán hết số cổ phần này và thu về 3,3 tỷ USD.

Nhìn từ góc độ thời điểm đó, đây là một khoản đầu tư mang lại lợi nhuận khá tốt. Nhưng nếu SoftBank nắm giữ số cổ phiếu này cho đến thời điểm hiện tại thì nó sẽ có giá trị gần 180 tỷ USD.

Nói cách khác, SoftBank đã bán cổ phiếu của Nvidia trước khi kỷ nguyên AI xuất hiện, hoàn toàn bỏ lỡ sự phát triển thần tốc sau này và cũng bỏ lỡ lợi tức đầu tư hơn 200 lần.

Mỗi lần nhắc đến sự việc này, ông Son đều không giấu được sự tiếc nuối.

Ông lại một lần nữa công khai tự trách mình tại cuộc họp cổ đông SoftBank vào tháng 7 năm nay: “Mỗi lần nghĩ đến những cơ hội bị bỏ lỡ này, tôi thực sự rất bực bội. Tôi gần như đã bán cổ phiếu Nvidia trong nước mắt, lỡ mất một con cá lớn như vậy”.

Cái giá phải trả từ một sai lầm khác

Masayoshi Son rất ngưỡng mộ Jensen Huang và rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Nvidia, vậy tại sao ông lại bán cổ phiếu Nvidia trong nước mắt?

Thực chất, đây là "cái giá" phải trả cho một quyết định đầu tư “không nói nên lời và đáng tiếc” khác của Son Masayoshi.

Cuối năm 2018, Son Masayoshi đã lãnh đạo SoftBank đầu tư mạnh vào startup văn phòng WeWork.

Mặc dù báo cáo tài chính của WeWork đã chuyển sang màu đỏ sau khi mở rộng mạnh mẽ, nhưng Son Masayoshi - người đầu tư dựa vào trực giác, đã quyết định nhảy vào "hố lửa" này và hứa sẽ đầu tư 10 tỷ USD khi WeWork được định giá cao nhất (47 tỷ USD).

Tuy nhiên, ngay sau khi SoftBank đầu tư, WeWork bắt đầu gặp khủng hoảng tài chính và giá trị của công ty bắt đầu lao dốc. Với sự phá sản của WeWork vài năm sau đó, khoản đầu tư hơn 10 tỷ USD của SoftBank về cơ bản đã bị mất trắng.

Cuối năm 2019, trong cuộc trò chuyện giữa ông Son và tỷ phú Jack Ma tại Đại học Tokyo, khi nhắc đến con đường đầu tư của mình, ông đã than thở: “Tôi quá can đảm nên có lúc mất rất nhiều tiền”, với nụ cười đầy gượng gạo.

Do các khoản đầu tư lỗ vốn vào WeWork và Uber, báo cáo tài chính của SoftBank Vision Fund năm đó rất xấu. Ông Son phải bán bớt một số khoản đầu tư khác để cân bằng tài khoản và cổ phần của Nvidia, vốn đang có lợi nhuậnh tương đối tốt, lại trở thành "nạn nhân".

Việc bán toàn bộ cổ phiếu Nvidia khiến SoftBank bỏ lỡ khoản hoàn vốn đầu tư 180 tỷ USD nếu cộng với khoản lỗ hơn 10 tỷ USD từ khoản đầu tư trước đó vào WeWork, con số này tương đương với khoản đầu tư gần 200 tỷ USD mà ông Son đã bỏ lỡ vào năm 2019.

Theo Sina Finance
CEO Jensen Huang: Sứ mệnh của Nvidia là tạo ra cơ hội chứ không chạy theo xu hướng

CEO Jensen Huang: Sứ mệnh của Nvidia là tạo ra cơ hội chứ không chạy theo xu hướng

Tài chính quốc tế
(VNF) - CEO của Nvidia Jensen Huang mới đây cho hay ông muốn tập trung vào việc tạo ra những thị trường hoàn toàn mới mà chưa ai từng nghĩ đến trước đây thay vì cạnh tranh với những doanh nghiệp khác đã thành danh.
Cùng chuyên mục
Tin khác