Vì sao doanh nghiệp trong nước e dè với cao tốc Bắc - Nam?

Trần Lưu - 20/05/2019 10:39 (GMT+7)

(VNF) - Dù Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức đấu thầu rộng rãi, tuy nhiên việc các doanh nghiệp trong nước có cơ hội thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam vẫn là điều thiếu khả thi vì còn rất nhiều vướng mắc và khó khăn.

VNF
Doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn khi muốn tham gia làm cao tốc Bắc - Nam

Bên lề hội nghị kêu gọi đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 vừa được Bộ Giao thông vận tải tổ chức mới đây, đại diện một số doanh nghiệp trong nước đã nói lên những khó khăn của mình khi muốn tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam.

Theo ông Ngọ Trường Nam, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, băn khoăn lớn nhất mà các nhà đầu tư trong nước muốn được giải quyết khi tham gia vào dự án cao tốc Bắc - Nam chính là vấn đề yêu cầu về năng lực kinh nghiệm của nhà đầu tư, vấn đề tiếp cận nguồn vốn trong nước, vấn đề lãi suất và giới hạn tín dụng.

Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả cho biết, với yêu cầu về năng lực tài chính, các nhà đầu tư trong nước có thể liên doanh với nhau, cộng dồn năng lực tài chính để có thể đáp ứng được yêu cầu này. Tuy nhiên, với yêu cầu về năng lực kinh nghiệm như nhà đầu tư phải từng thực hiện các dự án có quy mô tương tự hay phải có vốn chủ sở hữu đã từng góp tương đương với dự án hiện nay... thì cơ hội cho nhà đầu tư trong nước là rất khó.

Một vấn đề nữa cũng đang làm khó các doanh nghiệp trong nước theo ông Nam đó chính là tiếp cận nguồn vốn. Các nhà đầu tư trong nước hiện nay muốn thực hiện các dự án sẽ phải huy động nguồn vốn tín dụng trong nước. Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn tín dụng trong nước đang rất khó khăn do ngân hàng coi lĩnh vực đầu tư BOT là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Ngân hàng Nhà nước cũng đang siết chặt tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.

Ngoài ra, hồ sơ dự tuyển hiện áp dụng mức lãi suất khoảng 7%/năm, còn lãi suất trên thị trường từ 11-12%. Đây là mức chênh lệch lớn mà Bộ Giao thông vận tải chưa có hướng xử lý và điều này khiến nhà đầu tư trong nước khó chấp nhận mức lãi suất này. 

Trước những khó khăn này, đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả kiến nghị cơ quan chức năng cần điều chỉnh hành lang pháp lý và các tiêu chí để tạo một sân chơi bình đẳng, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước được tham gia thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước cũng cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.

Đồng quan điểm với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, ông Nguyễn Văn Lợi, đại diện Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, với yêu cầu về năng lực tài chính thì hầu như các nhà đầu tư trong nước có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, về yêu cầu năng lực kinh nghiệm thì các doanh nghiệp trong nước khó có thể đạt được và điều này khiến các doanh nghiệp trong nước không có cơ hội thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam.

Ông Lợi lấy ví dụ, với quy định nhà đầu tư phải thực hiện dự án trước đó có tổng mức đầu tư đạt 50% tổng mức đầu tư của các dự án đang xét thì nhiều doanh nghiệp trong nước không đáp ứng được vì hầu như các nhà đầu tư trong nước chưa từng làm dự án nào lớn như vậy.

"Với quy định như vậy thì rõ ràng nhà đầu tư trong nước không có lợi thế so với doanh nghiệp nước ngoài", ông Lợi nói.

Xem thêm: Nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm cao tốc Bắc - Nam: 'Chúng ta không được phân biệt đối xử'

Cùng chuyên mục
Tin khác