Vụ đầu độc cựu điệp viên Nga: Cảnh sát Anh đã tìm ra nghi phạm

Lê Anh - 22/04/2018 15:55 (GMT+7)

(VNF) – Cảnh sát Anh đang nghi ngờ một cựu điệp viên người Nga có mật danh là Gordon có liên quan đến vụ đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang người Nga Sergei Skripal hồi đầu tháng Ba vừa qua.

VNF
Các nhà thám tử Anh nhận định rằng có một nhóm gồm 6 người đứng đằng sau vụ đầu độc cha con ông Sergei Skripal.

Theo điều tra, các nhà thám tử Anh nhận định rằng có một nhóm gồm 6 người đứng đằng sau vụ đầu độc cha con ông Sergei Skripal bằng chất độc hóa học Novichok có xuất xứ từ Nga .

Một trong 6 người đó là một cựu điệp viên 54 tuổi thường được gọi là Gordon. Ngoài ra ông này còn có mật danh là Mihails Savickis và hai mật danh khác.

Tuy nhiên, cảnh sát Anh lo sợ Gordon đã bay về Nga và họ sẽ không bao giờ có cơ hội để thẩm vấn ông ta.

Cựu điệp viên Nga Boris Karpichkov.

Cảnh sát Anh có được kết luận này sau 5 giờ thẩm vấn một cựu điệp viên người Nga khác có tên là Boris Karpichkov (59). Ông Boris cho biết Gordon vốn là cấp dưới của ông hồi đầu những năm 1990.

"Ông ta là một người rất thông minh, có học thức, tham vọng và tàn nhẫn. Ông ấy đẹp trai, lịch sự và có thể nhanh chóng giành được lòng tin của người lạ", Boris miêu tả về Gordon trên tờ Sunday People.

Boris cho biết Gordon được đào tạo võ thuật và chuyên về Nhu thuật (võ cổ truyền Nhật Bản). Ông ta cũng từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật.

Boris cũng cung cấp cho cảnh sát ảnh chụp Gordon vào khoảng 3 thập kỷ trước. Theo đánh giá, Gordon cao khoảng 1m75, không có dấu vết đặc biệt nào trên mặt.

Bức ảnh được cho là của Gordon.

Gordon được cho là đã hoạt động ngầm với vỏ bọc là một doanh nhân thành đạt trong ngành công nghiệp an ninh.

Boris Karpichkov vốn là một cựu điệp viên cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB), tìm cách ẩn thân tại New Zealand sau khi đào tẩu sang Anh vào cuối thập niên 1990.

Karpichkov nói ông từng được cảnh báo từ trước vụ Skripal rằng họ nằm trong danh sách 8 người bị các cơ quan mật vụ Nga nhắm đến.

Trong một cuộc phỏng vấn trên CNBC, ông tiết lộ mình đã nhận được một cuộc gọi cảnh báo từ một người bạn cũ hồi giữa tháng hai.

"Hãy cẩn thận, dường như có chuyện sắp xảy ra. Việc này rất nghiêm trọng và không phải chỉ mình anh bị đâu", đầu dây bên kia nói.

Ban đầu ông nghĩ rằng đó chỉ là một câu chuyện đùa của người bạn. Tuy nhiên, vụ đầu độc ông Skripal ngày 4/3 ở thành phố Salisbury đã khiến ông Karpichkov cảnh giác.

Cựu điệp viên Karpichkov nói ông từng được cảnh báo có tên trong "danh sách mục tiêu của Điện Kremlin".

Cựu điệp viên Karpichkov cho biết trong số những người mà bạn ông nhắc đến hồi tháng 2 có ông Skripal. Bên cạnh đó, trong "danh sách mục tiêu của Điện Kremlin" còn có nhiều cựu điệp viên KGB khác cùng cựu nhân viên tình báo Anh Christopher Steele (tác giả bộ hồ sơ cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump thông đồng với Nga) và doanh nhân Bill Browder (người vận động quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Magnitsky trừng phạt nhiều người Nga).

Trước đó, theo Telegraph, lực lượng cảnh sát chống khủng bố nước này đã tham gia điều tra vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Nga đang củng cố hồ sơ vụ án liên quan tới "các cá nhân". Đây được xem là những kẻ tình nghi đứng sau, hỗ trợ cho vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Nga.

Nguồn tin mà Telegraph có được còn cho biết sau 1,5 tháng điều tra, cảnh sát chống khủng bố và tình báo Anh quốc thậm chí xác định danh tính cụ thể của những kẻ bị nghi là thủ phạm đứng sau vụ đầu độc cha con cựu điệp viên Sergei Skripal.

Cảnh sát và tình báo Anh đã rà soát các cá nhân vào Anh từ các chuyến bay, kiểm tra các camera an ninh tại thành phố Salisbury và các xe ô tô khả nghi... để củng cố hồ sơ vụ án.

>>> Nga lý giải tỷ lệ tín nhiệm của Tổng thống Putin sụt giảm

Cựu điệp viên Nga Sergei Skripal, bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ năm 2004 và sau đó bị kết án 13 năm tù giam vì tội phản bội tổ quốc (làm gián điệp cho Anh), bị tước bỏ mọi chức vụ và danh hiệu.

6 năm sau, điệp viên hai mang này được trao cho phía Mỹ trong một cuộc trao đổi điệp viên. Ông Skripal hợp tác với Cơ quan tình báo nước ngoài của Anh (MI6) kể từ khi ông được Anh cho tị nạn.

Ông cùng con gái Yulia được phát hiện trong tình trạng nguy kịch ở thành phố Salisbury, Anh, hôm 4/3, do bị tấn công bằng chất độc.

Dù chưa có bằng chứng rõ ràng, Anh cáo buộc Nga đứng sau vụ đầu độc và cùng hàng chục các quốc gia phương Tây trục xuất 150 nhà ngoại giao Nga. Đây là vụ trục xuất nhà ngoại giao tập thể lớn nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Bác bỏ cáo buộc, Nga cũng đáp trả tương xứng với quyết định trục xuất 150 nhà ngoại giao phương Tây đồng thời cảnh báo các động thái của phương Tây có thể đẩy thế giới vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Ông Gary Aikenhead, Giám đốc điều hành Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng (DSTL) tại căn cứ Porton Down (Anh) ngày 3/4 cho biết cơ quan này xác định đây là Novichok, chất độc thần kinh ở cấp độ quân sự nhưng không xác định được nguồn gốc chính xác.

Cho tới nay, Anh vẫn từ chối cung cấp bằng chứng để chứng minh cho cáo buộc Nga có liên quan đến vụ việc Skripal. Anh cũng từ chối điều tra chung với Nga về vụ việc này.

>> Vụ cựu điệp viên Nga: Dân Anh không đồng tình với cách hành xử của Chính phủ

Theo Sunday People
Cùng chuyên mục
Tin khác