230 tỷ USD đổ về Việt Nam: Nắn dòng kiều hối vào các lĩnh vực chiến lược
(VNF) - Nhận định lượng kiều hối chảy về Việt Nam đạt 230 tỷ USD trong vòng 30 năm qua là tín hiệu rất tích cực. TS Bùi Duy Tùng, giảng viên Kinh tế - Đại học RMIT Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng từ nguồn lực này.
- 230 tỷ USD kiều hối đã đổ về Việt Nam 22/08/2024 03:03
Phương án huy động nguồn lực “vàng” từ kiều hối
Thống kê của NHNN cho thấy, trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về Việt Nam đạt khoảng 230 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn FDI cùng kỳ. Đây là tín hiệu rất khả quan và việc sử dụng nguồn lực này một cách hiệu quả sẽ góp phần xây dựng một mô hình phát triển bền vững, tạo ra giá trị chung.
Ở các quốc gia như Ấn Độ và Mexico, kiều hối đã được chuyển thành công vào các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và bảo tồn môi trường, không chỉ tạo ra lợi nhuận cho các nhà đầu tư mà còn phát triển cộng đồng địa phương.
Chẳng hạn, đầu tư vào các trung tâm giáo dục công nghệ cao hoặc các dự án năng lượng xanh có thể tạo ra tác động kép: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết các thách thức xã hội như khoảng cách giáo dục và suy thoái môi trường.
Đối với Việt Nam, việc tận dụng kiều hối theo những cách tương tự, có lợi về mặt xã hội và kinh tế có thể mang lại lợi ích đáng kể. Đầu tư vào cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở các khu vực chưa phát triển tốt, có thể cải thiện kết quả sức khỏe cộng đồng đồng thời tạo ra lợi nhuận ổn định, khiến các dự án này trở nên hấp dẫn đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Mặt khác, bằng cách tạo ra một kênh đối thoại liên tục với cộng đồng kiều bào, các cơ quan, tổ chức hữu quan tại Việt Nam có thể hiểu rõ hơn về lợi ích và khả năng của những cộng đồng này, từ đó điều chỉnh các cơ hội đầu tư phù hợp với họ. Cộng đồng kiều bào Việt Nam là một lực lượng kinh tế mạnh mẽ. Để huy động hiệu quả lực lượng này đòi hỏi phải có sự giao tiếp nhất quán, rõ ràng và có chiến lược. Có thể xây dựng một cổng thông tin kiều hối, trong đó liên tục cập nhật các thông tin về dự án, chính sách, đầu tư để giúp cho kiều bào có một kênh thông tin minh bạch, chính xác.
Việc cung cấp các giải pháp tài chính linh hoạt đóng vai trò then chốt trong việc biến dòng kiều hối thành các khoản đầu tư có hiệu quả. Các quốc gia như Kenya đã đạt được thành công to lớn với các nền tảng tiền di động cho phép giao dịch tài chính dễ dàng và an toàn cho cộng đồng kiều bào của họ. Việt Nam có thể phát triển các sản phẩm tài chính tương tự, chẳng hạn như trái phiếu kiều bào được sử dụng thành công ở Ấn Độ như một hình thức để kiều bào thể hiện tình cảm yêu nước và huy động lượng vốn lớn cho các dự án phát triển quốc gia.
Về cơ bản, các trái phiếu này là nợ của chính phủ hoặc doanh nghiệp, được phát hành cho công dân đang sống ở nước ngoài. Các khoản tiền huy động được thông qua các trái phiếu này thường được sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn hoặc để hỗ trợ ổn định kinh tế.
Tương tự, Israel đã rất thành công với chương trình trái phiếu Israel, chương trình đã huy động được hàng tỷ USD từ các cộng đồng Do Thái trên toàn cầu, đặc biệt là để phát triển cơ sở hạ tầng và tài trợ của chính phủ. Ấn Độ cũng đã phát hành trái phiếu khôi phục Ấn Độ (Resurgent India Bonds) và trái phiếu phát triển Ấn Độ (India Development Bonds) để huy động tiền tiết kiệm của những người Ấn Độ không thường trú (NRI) trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Nước này đã thành công trong việc huy động được số tiền lớn vào thời điểm dòng vốn nước ngoài đổ vào rất quan trọng.
Các trái phiếu này thường cung cấp lãi suất cạnh tranh và đôi khi được miễn thuế tại quốc gia phát hành, khiến chúng trở thành khoản đầu tư hấp dẫn đối với những người di cư muốn đóng góp vào sự phát triển của quốc gia quê hương họ.
Ngoài trái phiếu kiều bào, các sản phẩm tài chính sáng tạo khác có thể được cấu trúc để thu hút kiều hối vào các kênh hiệu quả: quỹ đầu tư bất động sản (REIT) dành cho người nước ngoài, trái phiếu tác động phát triển (development impact bonds), nền tảng gây quỹ cộng đồng (crowd funding platform).
Cần "nắn dòng" kiều hối vào những lĩnh vực chiến lược
Việc thiếu thông tin về dòng tiền kiều hối đang chảy vào các lĩnh vực cụ thể là một lỗ hổng lớn trong việc quản lý và tối ưu hóa nguồn lực này. Trước đây, khi kiều hối được thống kê cụ thể, chúng ta có thể xác định được những lĩnh vực nào đang thu hút được dòng tiền nhiều nhất và từ đó đưa ra các chính sách, giải pháp phù hợp. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, việc thiếu các thống kê chi tiết đã gây ra khó khăn trong việc "nắn dòng” kiều hối vào những lĩnh vực cần thiết, có thể tạo ra giá trị gia tăng cao.
Việc thống kê cụ thể dòng kiều hối không chỉ giúp chính phủ và các tổ chức tài chính hiểu rõ hơn về các lĩnh vực đang được kiều hối quan tâm, mà còn tạo ra cơ sở dữ liệu quan trọng để hoạch định chính sách. Ví dụ, nếu thống kê cho thấy một lượng lớn kiều hối đang đổ vào bất động sản, chính phủ có thể điều chỉnh các chính sách về thuế hoặc đưa ra các biện pháp khuyến khích để chuyển hướng dòng tiền này vào các lĩnh vực khác như công nghệ cao, nông nghiệp sạch hoặc giáo dục.
"Nắn dòng" kiều hối vào các lĩnh vực chiến lược như sản xuất, y tế, giáo dục, và công nghệ cao có thể tạo ra những cú hích lớn cho nền kinh tế. Chẳng hạn, tại Ấn Độ và Philippines, các chính sách ưu đãi và khuyến khích đầu tư đã giúp chuyển hướng một phần lớn dòng kiều hối vào các ngành sản xuất và dịch vụ, từ đó tạo ra việc làm và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Việt Nam có thể phát triển các sản phẩm tài chính như quỹ đầu tư kiều hối, trái phiếu kiều bào. Đây là một chiến lược hiệu quả để không chỉ thu hút dòng kiều hối về Việt Nam mà còn “nắn dòng” tiền này vào những lĩnh vực chiến lược, phục vụ cho mục tiêu phát triển.
Trái phiếu kiều bào có thể được thiết kế để gắn kết trực tiếp với các dự án cụ thể, như xây dựng hệ thống giao thông công cộng, bệnh viện, trường học hoặc các khu công nghiệp công nghệ cao. Như vậy, dòng tiền kiều hối được đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tạo ra tác động tích cực và bền vững.
Vì trái phiếu thường có thời hạn dài, dòng tiền từ kiều hối sẽ được cam kết sử dụng trong khoảng thời gian dài, giúp đất nước có nguồn vốn ổn định để thực hiện các dự án lớn. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh các dự án cơ sở hạ tầng và phát triển cần thời gian để hoàn thành và mang lại lợi ích.
Để khuyến khích kiều bào đầu tư, trái phiếu kiều bào có thể được phát hành với lãi suất cạnh tranh, thậm chí có thể đi kèm với các ưu đãi thuế hoặc miễn thuế hoàn toàn đối với lợi nhuận từ trái phiếu, làm cho trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn so với các lựa chọn đầu tư khác, từ đó tăng khả năng thành công của việc huy động vốn.
Quỹ đầu tư kiều hối là một sản phẩm tài chính mà trong đó kiều bào có thể đóng góp vốn vào một quỹ chung để đầu tư vào các dự án phát triển. Các quỹ này có thể được quản lý bởi các tổ chức tài chính có uy tín, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong việc sử dụng vốn. Quỹ có thể được thiết kế để đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau, từ bất động sản, cơ sở hạ tầng đến công nghệ cao và năng lượng tái tạo, không chỉ giúp giảm rủi ro cho nhà đầu tư mà còn đảm bảo rằng các lĩnh vực cần ưu tiên đều nhận được sự đầu tư cần thiết.
Với quỹ đầu tư, kiều bào có thể đóng góp một số tiền nhỏ và vẫn tham gia vào các dự án lớn. Điều này mở rộng cơ hội đầu tư cho nhiều người hơn, thay vì chỉ tập trung vào những người có vốn lớn. Đồng thời, nó cũng giúp huy động vốn nhanh chóng và hiệu quả hơn. Thông qua việc đầu tư vào quỹ, kiều bào cảm thấy mình đang góp phần trực tiếp vào sự phát triển của quê hương, không chỉ tạo ra sự gắn kết mạnh mẽ hơn mà còn có thể kích thích thêm nhiều dòng kiều hối khác chảy về trong tương lai.
Hơn 5 tỷ USD kiều hối vừa đổ về TP.HCM trong nửa đầu năm
- Nhận diện dòng tiền hàng tỷ USD từ nước ngoài âm thầm đổ vào BĐS mỗi năm 06/05/2024 03:30
- Dòng kiều hối sẽ... đổ vào nhà đất 30/04/2024 03:00
- Kiều hối về TP.HCM tăng cao nhất 3 năm 18/04/2024 08:45
'Ngắm' khu đất xây tổ hợp thương mại, văn phòng của TAH Invest tại Tây Hồ Tây
(VNF) - Dự án tổ hợp thương mại và dịch vụ kết hợp văn phòng được triển khai trên lô đất B2-CC4 thuộc Khu đô thị Tây Hồ Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.