4 đòn bẩy cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Huyền Trang - 14/08/2022 15:31 (GMT+7)

(VNF) - Tiền tệ và tài khóa, đầu tư công, xuất khẩu và cơ chế kinh tế mở là 4 đòn bẩy giúp Việt Nam tăng trưởng tích cực, theo GS Nguyễn Đức Khương.

VNF
GS Nguyễn Đức Khương, Giám đốc Nguồn lực và Nghiên cứu tại Trường IPAG Business School (Paris), Chủ tịch AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu).

Nửa năm 2022 đã đi qua, nền kinh tế Việt Nam đã dần phục hồi với nhiều tín hiệu tích cực khi số doanh nghiệp mới thành lập và quay lại thị trường nhanh, GDP tăng trưởng tốt. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc thực hiện, tiến độ xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản để thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, việc triển khai các dự án trong gói phục hồi kinh tế rất chậm. Trong bối cảnh đó, tình hình kinh tế thế giới vẫn có những tác động khó lường. Điều này, ít nhiều làm ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam.

Vậy, kinh tế Việt Nam 2022 có đạt được mục tiêu tăng trưởng như đã đề ra? Đâu sẽ là những thách thức ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới. Xung quanh vấn đề này, Tạp chí Đầu tư Tài chính có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Đức Khương, Giám đốc Nguồn lực và Nghiên cứu tại Trường IPAG Business School (Paris), Chủ tịch AVSE Global (Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu).

- Theo ông, những yếu tố nào sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của nước ta trong thời gian còn lại của năm 2022?

GS Nguyễn Đức Khương: Ngay từ đầu năm 2022, các tổ chức tài chính tiền tệ thế giới đã có những đánh giá tích cực về khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam. Báo cáo triển vọng kinh tế thế giới tháng 1/2022 của IMF dự báo tốc độ tăng trưởng 5,6% cho nhóm ASEAN-4 (Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam), chỉ đứng sau Ấn Độ và Tây Ban Nha. Nước ta đã khẳng định sự chắc chắn khi đi vào quỹ đạo của sự phục hồi với tốc độ tăng trưởng GDP ước tính quý I (5%) và quý II (7,7%) ở mức rất cao trên mặt chung quốc tế. Kết quả này đến từ nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt phải kể đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, hoàn thành tiêm chủng Covid-19 với tốc độ thần kỳ, nhanh chóng mở cửa thị trường trong và ngoài nước khi bệnh dịch được kiểm soát cơ bản.

Chính sách nhất quán trong hợp tác quốc tế trên cơ sở tự chủ, hoà bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi đã xây dựng được hình ảnh một Việt Nam có trách nhiệm quốc tế, một đối tác chiến lược đáng tin cậy.

Khi cạnh tranh địa chính trị phức tạp như hiện nay, một quốc gia sẽ có lợi thế lớn nếu tạo được lòng tin chiến lược với các đối tác. Hơn 14 tỷ USD đầu tư nước ngoài vào nước ta trong nửa đầu 2022 là một minh chứng cho điều này. Đà phục hồi và phát triển sẽ tiếp tục tốt nếu chúng ta tiếp tục đảm bảo được các yếu tố thành công nói trên.

- Ông có thể nói cụ thể hơn về những đòn bẩy tích cực cho tăng trưởng?

Quan sát các biến đổi của nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, tôi thấy có 4 đòn bẩy khác có thể thực hiện.

Thứ nhất là đòn bẩy chính sách tiền tệ và tài khoá. So với rất nhiều nước đã phải dùng nhiều biện pháp bất kể chi phí để cứu trợ xã hội, giải cứu kinh tế nhằm ứng phó với dịch bệnh và giờ đã hết dư địa thì Việt Nam vẫn còn không gian và sự chủ động chính sách. Do lạm phát vẫn được kiểm soát ở dưới 4% nên ở giai đoạn phục hồi, Chính phủ có thể tăng dòng tín dụng đến các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ đạo của nền kinh tế. Những hỗ trợ về thuế nên hướng đến khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu phát triển (R&D), hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới mô hình kinh doanh, kỹ năng quản lý.

Tiếp đến là triển khai giải ngân các gói đầu tư công, trong đó đặc biệt là rà soát, giải quyết những vướng mắc cho các chương trình tồn đọng; ưu tiên hướng đến các hạ tầng giao thông trọng điểm, hạ tầng logistics và hạ tầng số hoá; quá trình thực hiện rất cần chú ý đến điều kiện cho liên kết vùng miền, liên kết chuỗi giá trị.

Tiếp theo là đòn bẩy xuất khẩu. Khi đã đảm bảo được an ninh lương thực quốc gia thì Chính phủ có thể tăng xuất khẩu các mặt hàng nông phẩm, thuỷ hải sản và nguyên vật liệu. Sự kéo dài của chiến tranh Nga – Ukraine đang đưa thế giới vào giai đoạn khó khăn về lương thực, thực phẩm.

Cuối cùng, cơ chế kinh tế mở và năng động cho phép Việt Nam khôi phục khu vực dịch vụ rất nhanh. Đơn cử các dịch vụ ăn uống, du lịch nội địa của Việt Nam đã tăng mạnh. Nếu có thể tìm thấy cơ chế nhuần nhuyễn khai thác thị trường du lịch thế giới sẽ tạo được đột phá. Ví dụ, hiện tại giá xăng dầu đang ở mức rất cao, các chuyến bay quốc tế đến của Việt Nam chỉ ở mức cầm chừng. Nếu các hãng hàng không quốc tế cùng các công ty du lịch nghiên cứu phương án chia sẻ chi phí, hài hoà lợi ích thì có thể làm bùng nổ khách quốc tế tại Việt Nam. Chính sách hỗ trợ đặc biệt của Chính phủ cho mảng dịch vụ quốc tế này cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ phục hồi.

- Ông đã nói về những lợi thế, tích cực, vậy còn rủi ro, trở ngại?

Khi cơ hội và thách thức đan xen thì lựa chọn tác chiến hữu hiệu trong mọi trường hợp vẫn là tối ưu hoá các lợi thể và tìm cách giảm thiểu rủi ro. Trở ngại, rủi ro lớn nhất từ nay đến cuối năm là môi trường kinh doanh quốc tế phức tạp và biến động không ngừng, gắn chặt với những thay đổi từ các yếu tố địa chính trị, các căng thẳng đối đầu cục bộ ở nhiều khu vực, tình hình kinh tế toàn cầu. Yếu tố này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu và chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Giá năng lượng nói chung và xăng dầu nói riêng còn tiếp tục xu hướng tăng, đưa đến nguy cơ đẩy chi phí sản xuất và mặt bằng giá cả lên cao.

Hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc và Mỹ đều tiềm ẩn những rủi ro. Xu hướng tiếp tục kiểm soát chặt Covid-19 của Trung Quốc, làn sóng tăng lây nhiễm mới ở nhiều quốc gia khác, có thể làm cho xuất khẩu vào nước này có thể bị hạn chế bất cứ lúc nào. Năng lực sản xuất và quy mô xuất khẩu của nước ta cũng có thể bị hạn chế khi bị phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu nhập từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ đối diện với rất nhiều khó khăn, lạm phát cao, thất nghiệp gia tăng và nguy cơ suy thoái cận kề khi Cục Dự trữ Liên bang (FED) buộc phải nâng lãi suất cơ bản cao với mức tăng cao nhất kể từ 1994 để ứng phó với lạm phát. Nhiều chính sách quan trọng cũng đang được Mỹ xem xét lại để kích hoạt “bộ ổn định tự động” (hỗ trợ thất nghiệp, giảm thuế, chi tiêu công), trong đó có cán cân thương mại với các nước. Thêm vào đó là nguy cơ suy giảm nhu cầu từ thị trường EU do tác động của chiến tranh Nga – Ukraine (lạm phát cao, suy thoái, thiếu hụt năng lượng).

- Ở trên ông đã nói đến nhiều rủi ro bên ngoài, còn nội tại nền kinh tế nước ta thì sao?

Đánh giá khách quan, ở thời điểm hiện tại, Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển. Vị trí địa chính trị, uy tín quốc tế đang cho phép chúng ta tận dụng được nhiều cơ hội từ các đối tác chiến lược. Tôi đang nói đến khả năng làm việc, hợp tác thương mại với các cực phát triển lớn như Trung Quốc, Mỹ, và châu Âu. Hiện nay rất ít quốc gia có được lợi thế này. Chỉ riêng việc tiếp tục thúc đẩy hiệu quả mảng dịch vụ và xuất khẩu cũng có thể tiếp tục tạo ra tăng trưởng cao.

Tuy nhiên, tiếp tục như vậy thì chưa đủ để có tăng trưởng cao trong dài hạn, bền vững và có vị thế vững chắc trên bản đồ kinh tế thế giới. Ở giai đoạn phát triển của Việt Nam, điều chúng ta cần là phát triển đột phá. Để đột phá thì cần nhất là tinh thần quyết tâm, vượt lên chính mình, khát vọng tự làm chủ được kiến thức và những công nghệ mới. Tiếp đến là đầu tư vào những nền tảng cho tương lai như hạ tầng kết cấu, khoa học công nghệ và trình độ chuyên môn cho người lao động.

Chúng ta cũng cần có một nội hàm kinh tế mạnh. Đây là thời điểm vàng để có những điều chỉnh quan trọng, định hướng và tái cơ cấu nền kinh tế, từ đó tăng nội lực, sẵn sàng hấp thụ những tác động tích cực từ bên ngoài; tập trung vào những ngành nghề cần hàm lượng tri thức cao, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, đi sâu vào chuỗi giá trị quốc tế, thậm chí dẫn dắt trong một số ngành như kinh tế số, công nghệ số là điều tiên quyết để bứt phá. Trong đổi mới sáng tạo thì nên ưu tiên những đổi mới đưa đến gia tăng hiệu quả vận hành của bộ máy tổ chức, hệ thống thông tin, kết nối và những đổi mới giải quyết các bài toán cụ thể của tăng trưởng, phát triển bền vững (thương mại điện tử, tài chính toàn diện, ngân hàng số, chống biến đổi khí hậu…).

- Xét riêng bối cảnh hiện tại, việc giải ngân đầu tư công chậm đang là một vấn đề cho tăng trưởng năm nay, ông có bình luận gì về điều này?

Cơ cấu đầu tư đã nói rõ ưu tiên chiến lược cho tăng cường hạ tầng cơ sở. Đây là lựa chọn đúng vì hạ tầng là mạch máu kinh tế, là điều kiện thúc đẩy mạnh mẽ dòng chảy thương mại trong nước và kết nối giao thương quốc tế.

Dưới góc độ kinh tế thì giải ngân chậm trực tiếp làm giảm hiệu quả của nguồn vốn. Tiến độ triển khai các dự án cơ sở hạ tầng chậm đưa đến nguy cơ đội vốn và chi phí lên cao do giá thành các nhân tố sản xuất tăng theo thời gian. Đó là chưa kể đến khan hiếm nguồn lực, suy giảm động lực tăng trưởng trước mắt và lâu dài.

Khi chậm thì cần tìm rõ nguyên nhân chậm và tháo gỡ. Việc tháo gỡ cần sự hợp tác, năng lực hành động của các chủ thể liên quan. Nếu là vấn đề cơ chế thể chế hay các thủ tục và quy trình phức tạp thì cần những thay đổi mở rộng không gian, quy định rõ quyền hạn và trách nhiệm của người phụ trách, cũng như thời gian thực hiện các công việc. Nếu là sự trì trệ, thiếu năng lực hành động của những người được giao nhiệm vụ, cần thay thế bằng các nhân sự mới đáp ứng được yêu cầu công việc. Một nút thắt có thể làm chậm cả một quá trình.

- Được biết, ông đang sinh sống và làm việc tại Pháp. Kinh nghiệm của nước Pháp có mang đến cho ông gợi ý gì đối với quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam?

Nước Pháp cũng có rất nhiều khó khăn, nhiều động lực tăng trưởng cũng đã tới hạn, chưa kể đến những ràng buộc khi theo đuổi chính sách đoàn kết trong khối liên minh châu Âu. Do đã ở mức phát triển ổn định, bất cứ cải cách đột phá nào cũng khó diễn ra nhanh. Họ cũng đang tiếp tục thúc đẩy phục hồi, cải cách và tìm các động lực phát triển mới.

Bài học sâu sắc mà tôi tâm đắc nhất là quá trình phục hồi luôn đặt trên những nguyên tắc cơ bản, cần tuân thủ, trong những lĩnh vực tác động lên nhiều người dân. Ví dụ lĩnh vực y tế dường như được đưa riêng ra khỏi các lợi ích kinh tế, rất minh bạch, với vai trò rõ ràng của nhà nước và các thành phần kinh tế khác nhau. Những hiện tượng giá cả phi mã, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá cả của thuốc, hay thiết bị y tế…rất khó xảy ra.

Hay đối với các doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, chính phủ đưa ra những hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị suy giảm lợi nhuận biên (30% so với năm trước đó), các doanh nghiệp có lợi nhuận biên âm và các doanh nghiệp nằm trong lĩnh vực trực tiếp phải đối mặt với cạnh tranh quốc tế cao chịu suy giảm lợi nhuận biên. Ngay từ đầu năm, chính phủ Pháp cũng đã ban hành một chỉ thị giới hạn tăng giá khí đốt và giá điện ở mức 4%.

Bài học tiếp theo là “đầu tư cho tương lai” mỗi khi phải đối mặt với khủng khoảng. Chính phủ cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo, công nghệ mới, giáo dục – đào tạo, nghiên cứu phát triển (R&D), tiếp tục thực hiện mục tiêu tăng số lượng start-up, cũng như số kỳ lân công nghệ trong những năm tới.

- Ông dự báo thế nào về tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay?

Dự báo tốc độ tăng trưởng hàng năm phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố đầu vào. Môi trường kinh tế luôn thay đổi. Ngay cả Ngân hàng Thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế cũng phải cập nhật, tính toán lại các dự báo 3 tháng 1 lần. Song tôi luôn lạc quan về sự phát triển của Việt Nam, nơi mà tôi thấy sự năng động, cởi mở, tinh thần vươn lên và còn rất nhiều dư địa phát triển. Với những điều kiện hiện tại, tăng trưởng trong khoảng 6%, đến 7,5% là khả thi, chưa phải đánh đổi nhiều mà vẫn tiếp tục tốt được các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Sự nỗ lực phải đến từ mọi phía.

- Ông có khuyến nghị gì cho Chính phủ để kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh và bền vững?

Đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa kích hoạt các động lực tăng trưởng ngắn hạn và dài hạn. Có những đầu tư sẽ không tạo sự phát triển ngay, nhanh, nhưng không thể thiếu để tạo ra đột phát về trung và dài hạn, như đầu tư cho tri thức, đầu tư cho giáo dục – đào tạo, đầu tư cho nghiên cứu phát triển, sáng tạo và làm chủ công nghệ. Tôi muốn nhấn mạnh là chỉ tăng trưởng thôi thì chưa đủ để thu hẹp khoảng cách phát triển với những quốc gia đi đầu mà phải hướng đến những bứt phá. Chỉ có tích tụ tri thức bậc cao, tích tụ vốn con người mới có thể đưa Việt Nam ra biển lớn. Bên cạnh đó, mọi chính sách, quá trình phát triển cần phải xoay quanh hạnh phúc, và chất lượng cuộc sống của người dân, trong đó y tế, giáo dục, an ninh và môi trường là những ưu tiên hàng đầu.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Cùng chuyên mục
Tin khác