Bà Phạm Chi Lan: Cần khôi phục ‘cơ chế máy chém’ để cắt giảm điều kiện kinh doanh

Lê Nguyễn - 20/11/2018 19:23 (GMT+7)

(VNF) – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đề nghị Chính phủ cần khôi phục “cơ chế máy chém”, học tập theo kinh nghiệm của Hàn Quốc ở giai đoạn khủng hoảng cuối thập niên 90 thế kỷ trước, để cắt giảm điều kiện kinh doanh.

VNF
Bà Phạm Chi Lan

Tại hội nghị công bố “Báo cáo thực hiện nghị quyết 19 và 35 về cải cách môi trường kinh doanh và phát triển doanh nghiệp – Góc nhìn từ doanh nghiệp” do VCCI tổ chức hôm 20/11, bà Phạm Chi Lan đã đưa ra các đánh giá về kết quả thực hiện cắt giảm điều kiện kinh doanh trong thời gian qua của Chính phủ.

Theo vị chuyên gia này, các thành tựu của Chính phủ là có nhưng vẫn còn thấp và “có vẻ tốn chi phí quá lớn”.

“Tôi nghĩ chúng ta tốn quá nhiều trong khi cái đạt được không nhiều. Riêng Nghị định 15 của Bộ Y tế có thể giúp doanh nghiệp tiết giảm 3.700 tỷ đồng/năm. Vậy với 15 Nghị định xóa bỏ điều kiện kinh doanh đã được ban hành, nếu cứ nhân với 3.700 tỷ đồng/nghị định thì sẽ thấy con số đó lớn thế nào. Nhưng 3.700 tỷ đồng đó là số tiền đã mất đi trong 5 năm, trước khi Chính phủ bỏ được các điều kiện kinh doanh. Vậy có thể thấy chi phí xã hội bỏ ra trong thời gian vừa qua là quá lớn để đạt được bước cải cách”, bà Lan nói.

Bà Lan cho rằng: “Chúng ta hay nói trên nóng dưới lạnh nhưng tôi mong trên nóng hơn nữa. Cần thấy rằng chúng ta đã thông qua CPTPP và đang thuyết phục EU sớm thông qua EVFTA. Vậy cạnh tranh của Việt Nam trong thời gian tới sẽ là cạnh tranh về thể chế. Nếu nhà nước không thay đổi được thể chế, để thể chế Việt Nam tương thích với các hiệp định mới, thì Việt Nam sẽ không có cách nào vượt lên được, không cách nào tận dụng được cơ hội và sẽ bị các thách thức đè nặng lên”.

Đánh giá về mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020 của Chính phủ, bà Phạm Chi Lan cho rằng Chính phủ không nên bám vào mục tiêu đó, bởi hiện nay số doanh nghiệp đang hoạt động mới chỉ đạt khoảng 500.000.  

“1 triệu doanh nghiệp là số doanh nghiệp hoạt động thực chứ không phải số đăng kí. 10 người đăng kí thì 7 người rút khỏi thị trường. Số ra khỏi thị trường mới là con số thực chứ số đăng kí thì chưa chắc đã hoạt động, đã tồn tại hay đã đóng góp được cho nền kinh tế. Tôi nghĩ không cần theo đuổi con số đó. Mục tiêu theo đuổi nên là cải thiện môi trường kinh doanh, gia tăng năng lực cạnh tranh, không chỉ với ASEAN mà còn với các nước CPTPP và EVFTA”, bà nói.

Với các phân tích như vậy, bà Lan đưa ra 3 khuyến nghị đối với Chính phủ. Một là tập trung cải cách bộ máy. “Nếu còn bộ máy thế này, không có áp lực thực sự thì không thể cải thiện, cắt bỏ điều kiện kinh doanh đâu. Chính phủ phải thấy rằng cắt bỏ điều kiện kinh doanh là yêu cầu của chính bộ máy chứ không phải là vì doanh nghiệp hay cho doanh nghiệp”.

Hai là ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối liên thông giữa các cơ quan. “Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp nói đúng là có một cửa nhưng lại có rất nhiều ngách, không qua ngách đó thì đừng hòng qua được cửa cuối cùng. Cho nên ứng dụng công nghệ thông tin là để nâng cao minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình và làm các nơi kết nối liên thông với nhau. Không liên thông được thì bộ máy nhà nước vẫn trong tình trạng phân mảnh. Căn bệnh lớn nhất của Việt Nam là phân mảnh và thương mại hóa. Từ cái phân mảnh, nó đẻ thêm khả năng thương mại hóa, tức là lợi dụng quyền lực của mình để tạo ra lợi ích riêng”, nữ chuyên gia bình luận.

Khuyến nghị cuối cùng mà bà Lan đưa ra là Chính phủ nên khôi phục “cơ chế máy chém”, học tập theo kinh nghiệm của Hàn Quốc ở giai đoạn khủng hoảng cuối thập niên 90 thế kỷ trước, để cắt giảm điều kiện kinh doanh.

“Chúng ta đã có danh mục 5.000 điều kiện kinh doanh, đã có rà soát của Bộ Tư pháp Bộ Kế hoạch, VCCI, Văn phòng Chính phủ; đã có danh mục rồi tại sao Chính phủ không quyết định cắt các điều kiện không hợp lí trong đó mà cứ phải chờ các bộ ngành. Chính phủ chủ động đi chứ, quyền trong tay Chính phủ mà.

“Hãy ra tiếp các nghị định đi. Tôi mong là tới đây có nghị định thứ 16 tuyên bố cắt giảm một loạt điều kiện kinh doanh. Nghị định này sẽ đưa ra thời hạn rõ ràng, ví dụ đến cuối năm 2018 nếu bộ này không cắt giảm, thì nghị định này sẽ tự động cắt giảm điều kiện kinh doanh không hợp lí. Phải làm thế chứ đừng chờ từng bộ, từng ngành vì chờ như thế  thì không làm được đâu…”, bà Phạm Chi Lan nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác