Diễn đàn VNF

Bà Phạm Chi Lan: Tư duy và hành động trong thập kỉ mới cần thay đổi quyết liệt như khi chống dịch

(VNF) - "Gần 30 năm Việt Nam mới thoát khỏi 'nước nghèo', vậy mà chính phủ kì vọng trong 10 năm tới có thể đạt được mục tiêu trở thành nước thu nhập cao, vậy thì cần phải có những sự thay đổi hết sức mạnh mẽ, quyết liệt từ tư duy cho đến hành động", chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định.

Bà Phạm Chi Lan: Tư duy và hành động trong thập kỉ mới cần thay đổi quyết liệt như khi chống dịch

Bà Phạm Chi Lan: Tư duy và hành động trong thập kỉ mới cần thay đổi quyết liệt như khi chống dịch

Thập kỉ đầu tiên Việt Nam thoát 'nghèo'

Trò chuyện với VietnamFinance, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định trong thập kỉ vừa qua, Việt Nam đã đạt được khá nhiều thành quả, nhưng vẫn chưa đủ để được coi đó là một sự chuyển đổi, một thời kì phát triển mạnh mẽ.

"Thập kỉ qua là thập kỉ đầu tiên Việt Nam vượt ra khỏi mức thu nhập thấp, nước nghèo để trở thành một nước có thu nhập trung bình thấp. Tuy nhiên, để tạo nền tảng đưa Việt Nam lên nước có thu nhập trung bình cao hơn thì những việc cần thiết vẫn chưa làm được", bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, vấn đề về bẫy thu nhập trung bình thấp vẫn sẽ hiện hữu ở Việt Nam. Mặc dù chính phủ đã đặt ra những ước vọng, tham vọng rằng nước ta sẽ trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2030, thế nhưng đó là khoảng cách khá xa, để đạt được cần sự chuyển biến không hề nhỏ.

"Gần 30 năm Việt Nam mới thoát khỏi 'nước nghèo', vậy mà chính phủ kì vọng trong 10 năm tới có thể đạt được mục tiêu như vậy, thì cần phải có những sự thay đổi hết sức mạnh mẽ, quyết liệt từ tư duy cho đến hành động", bà Lan cho hay.

Chia sẻ quan điểm cá nhân, bà Lan cho rằng trong thời gian tới điều đầu tiên là chính phủ cần thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa về hành động. Bộ máy nhà nước cần nâng cao kỉ cương, trách nhiệm và quyết liệt hơn nữa để thực hiện được những mục tiêu đã đề ra, chứ không phải hiện tượng "không hoàn thành cũng chẳng làm sao cả".

Bên cạnh những mục tiêu cao, cũng cần gắn với trách nhiệm của từng đơn vị, lãnh đạo để thực hiện mục tiêu đó. Bộ máy nhà nước cần hoạt động giống như những doanh nghiệp tư nhân, những người phải luôn "tự thân vận động" với nhu cầu hết sức cấp bách, chiến đấu trên thương trường, giữa "cái sống và cái chết".

Việc tập trung nguồn lực, năng lượng như cách chính phủ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trong thời gian qua là điểm rất sáng cần tiếp tục duy trì. Thành quả này là do chính phủ đã đưa ra mục tiêu số một là bảo vệ sức khỏe, an toàn của đất nước và hạ tất cả các ưu tiên trước đó xuống, bao gồm cả hội họp...

Ngoài ra, kết quả tích cực đó cũng đến từ sự minh bạch. Theo bà Lan, trong giai đoạn đẩy mạnh chống dịch, chính phủ rất minh bạch và hướng dẫn cụ thể cho người dân "là phải thực hiện thế này, thực hiện thế kia".

Đó là sự hiệu quả đến từ việc chỉ có một ban chỉ đạo thực hiện, chứ không phải có quá nhiều cơ quan tham gia, để rồi nảy sinh những chuyện như "sân anh, sân tôi"... cứ rõ ràng, rành mạch ai làm tốt vai trò, nhiệm vụ của người nấy thì kết quả chắc chắn sẽ như kì vọng.

Ở góc độ thận trọng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng chưa nên quá "hồ hởi" với những thành tích đã đạt được thời gian qua, đơn cử như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2020 đạt gần 90%.

"Cần thêm thời gian để đo về chất lượng, hiệu quả. Tránh trường hợp như dự án cao tốc Đà Nẵng, Quảng Ngãi chỉ sau vài tháng khánh thành mới lộ ra hàng loạt các điểm hư hỏng và đưa không ít cán bộ vào vòng lao lí", bà Lan nhận định.

Năm 2021 tiếp tục là giai đoạn khó khăn với doanh nghiệp

Trong năm mới 2021, cũng là ngưỡng cửa của thập kỉ mới, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dự báo sẽ là khoảng thời gian tiếp tục khó khăn đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Không chỉ từ những diễn biến khó lường của đại dịch, những nhân tố "bất định" như biến đổi khí hậu, thiên tai đang trở nên trầm trọng với tốc độ và cường độ trầm trọng hơn rất nhiều; ngoài ra, là những thách thức mà sự hội nhập đem lại.

"Đó là những vấn đề mà doanh nghiệp cần lường tới, đừng nhìn hội nhập chỉ là cơ hội, là màu hồng...", bà Lan nói.

Thành quả ban đầu của EVFTA là rất tốt, so với hiệp định trước đó như CPTPP, nhờ ý thức của cộng đồng doanh nghiệp đã cao hơn trước, họ không còn hờ hững, thiếu sự chuẩn bị mà đã nhanh chóng chớp được thời cơ. "Đấy là cái đáng quý, trong thời gian tới cần tiếp tục như vậy", bà Lan nhấn mạnh.

"Rất đáng mừng là qua đại dịch, các doanh nghiệp đã 'thức tỉnh' rất nhiều về vấn đề phát triển. Dường như họ đã thấy rõ sự phát triển của doanh nghiệp không thể tách rời những nhân tố khách quan, bao gồm chính sách của chính phủ, thái độ của xã hội...", bà Lan cho biết.

"Hiến kế" để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vượt khó, phát triển hơn trong năm 2021 và các năm kế tiếp, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng cần đặc biệt chú ý đến yếu tố đầu tiên là tăng cường hiểu biết, nắm bắt mọi vấn đề của thị trường, tiên lượng được những thách thức, cơ hội mới.

Để làm được điều này, một mình doanh nghiệp rất khó thực hiện. Do đó, rất cần các hiệp hội ngành - là nơi kết nối của cộng đồng doanh nghiệp đẩy mạnh việc tìm kiếm các nghiên cứu, giúp tạo ra hướng đi chung của toàn ngành, thông qua hoạt động liên kết với các tổ chức liên quan (các tổ chức nghiên cứu, trường đại học...).

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tăng cường hơn nữa sự liên kết với nhau, trong bối cảnh thời gian tới, thị trường sẽ mở cửa cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài rất nhiều.

"Các doanh nghiệp FDI họ hợp tác với nhau rất tốt, các tổ chức hiệp hội của họ cũng hoạt động rất tích cực, vì vậy các doanh nghiệp trong nước cần xác định là một mình sẽ khó chiến thắng, mà phải đi cùng những đối tác khác, kể cả đó là đối thủ cạnh tranh lúc trước. Phải cùng nhau mới có thể chiếm cơ hội, có thể thành công ở thị trường Việt Nam", bà Lan nhấn mạnh.

Thêm vào đó, bà Lan cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp ưu tiên đến việc thực hiện các chuẩn mực theo hướng công nghệ số. Cần đáp ứng được chất lượng, mới có thể tính đến chuyện làm bền vững, mặt khác cũng cần bỏ qua cách làm việc chộp cơ hội ngắn hạn.

"Chuyển đổi số chỉ là cái chung mà tất cả doanh nghiệp cần hướng đến. Còn chuyển đổi ở lĩnh vực cụ thể nào thì sẽ tùy thuộc vào ngành đó. Ví dụ như ngành nông nghiệp, không thể không ứng dụng các phương thức canh tác mới... ở ngành dệt may là năng suất, thời gian giao hàng và đặc biệt là yếu tố thân thiện với môi trường", bà Lan nhìn nhận.

Cuối cùng, bà Lan nhận định, tạm gác qua những yếu tố khách quan khác, chính ban lãnh đạo doanh nghiệp hơn ai hết phải là người hiểu rõ những khó khăn của doanh nghiệp, từ đó tái cấu trúc nội bộ, điều chỉnh chiến lược kinh doanh cụ thể. Giải đáp được những vấn đề trên thì doanh nghiệp sẽ có thể làm ăn một cách lâu dài và phát triển được không những trong năm 2021 mà còn các năm tiếp theo.

Tin mới lên