Bàn về các kịch bản tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2030

GS. TSKH Nguyễn Mại - 11/02/2021 23:03 (GMT+7)

(VNF) - Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2021 - 2030 là một trong những vấn đề được các nhà chính trị, chuyên gia kinh tế quan tâm, bởi vì có quan hệ đến thời gian thực hiện các mục tiêu về thu nhập quốc dân gắn với phát triển bền vững.

VNF

Bài này dựa trên tiền đề phát triển kinh tế xanh, kinh tế bao trùm, chuyển đổi sang kinh tế số đã được coi là định hướng phát triển đất nước trong trung hạn và dài hạn, để bàn về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Lý thuyết mới về tăng trưởng kinh tế

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã trao giải Nobel Kinh tế 2018 cho hai nhà kinh tế học người Mỹ là William Nordhaus (Đại học Yale) và Paul Romer (Đại học New York).

Ông William Nordhaus được vinh danh vì “tích hợp vấn đề biến đổi khí hậu vào phân tích kinh tế vĩ mô dài hạn”. Ông Paul Romer được vinh danh vì “tích hợp các sáng kiến công nghệ vào phân tích kinh tế vĩ mô dài hạn”.

Tờ The Guardian cho biết, ông William Nordhaus được vinh danh nhờ công trình nghiên cứu về những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, còn ông Paul Romer đã nghiên cứu về các nhà kinh tế học có thể đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế lành mạnh như thế nào.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận xét: “William Nordhaus và Paul Romer đã tạo ra các phương pháp để giải quyết một số câu hỏi cơ bản và cấp bách nhất trong thời đại của chúng ta về cách tạo ra sự tăng trưởng kinh tế bền vững và bền vững lâu dài”.

Công trình nghiên cứu của nhà kinh tế học Paul Romer đặt nền tảng cho cái gọi là học thuyết tăng trưởng nội sinh. Học thuyết này tạo điều kiện cho các nghiên cứu mới về quy tắc và chính sách khuyến khích các ý tưởng mới và thịnh vượng lâu dài. Lý thuyết tăng trưởng nội sinh của ông gắn liền với sự phát triển của những ý tưởng mới với số lượng người làm việc trong lĩnh vực tri thức (coi đây là nỗ lực dành cho R&D). Những ý tưởng mới này làm cho những người khác sản xuất hàng hóa và dịch vụ thường xuyên có năng suất cao hơn, làm tăng năng suất lao động tổng hợp (TFP).

Có nhiều biến thể của lý thuyết tăng trưởng nội sinh, nhưng một dự đoán mạnh mẽ là sự gia tăng dân số hoặc tăng tỷ lệ người làm việc trong lĩnh vực tri thức sẽ làm tăng trưởng kinh tế. Lý thuyết này:

1) Dự đoán tăng trưởng kinh tế cao hơn cho dân số lớn hơn, khác với lý thuyết tân cổ điển và lý thuyết kinh tế bi quan về dân số của Thomas Malthus. Ông cho rằng, chính sách một con của Trung Quốc là sai lầm không chỉ vì lý do xã hội, mà còn vì lý do kinh tế. Theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh, Trung Quốc và phần còn lại của thế giới có thể có tăng trưởng mạnh hơn vì Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều ý tưởng mới với dân số thậm chí còn nhiều hơn.

2) Bởi vì các ý tưởng là thứ mà các nhà kinh tế gọi là “không có đối thủ” (có nghĩa là việc tôi sử dụng một ý tưởng, như một công thức hoặc một công thức toán học, không ngăn cản bạn sử dụng nó), sẽ là động lực kinh tế cho nhiều người làm việc trong lĩnh vực tri thức nếu có quyền sở hữu trí tuệ như bằng sáng chế và bản quyền. Vì vậy, cần hạn chế cạnh tranh trong lĩnh vực tri thức để kích thích tăng trưởng, mặc dù điều này dẫn đến những biến dạng và chênh lệch khác trong nền kinh tế.

Thực tiễn Việt Nam

Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới biến động khó lường trước, thị trường toàn cầu liên tục đảo chiều, biến đổi khí hậu gây thiệt hại lớn về vật chất cho đất nước nên khó dự báo chính xác sự thay đổi trong ngắn hạn, càng khó hơn đối với trung hạn và dài hạn; do vậy cần nghiên cứu theo hướng có nhiều kịch bản tăng trưởng, từ đó gắn với hệ thống giải pháp về thể chế, thực thi thể chế để chủ động thích ứng với biến động tình hình thế giới và trong nước.

Vấn đề đặt ra cần trao đổi là liệu kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng với tốc độ cao hơn bình quân hàng năm của giai đoạn 2011- 2020 không (?).

Vào đầu thập niên thứ ba của thế kỷ XXI, nước ta đã tiệm cận 100 triệu người, đại bộ phận dân số đều đã phổ cập giáo dục phổ thông, tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề nghiệp ngày càng gia tăng, năng lực đổi mới sáng tạo gắn với tỷ lệ người dân sử dụng máy tính, smarphone, mạng internet khá cao, do đó cần nghiên cứu lý thuyết tăng trưởng nội sinh của Paul Romer để làm căn cứ khi hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm và 10 năm sắp đến.

Trên cơ sở lý thuyết tăng trưởng nội sinh, cần theo hai hướng tiếp cận bổ sung cho nhau:

Thứ nhất là khảo sát quan hệ giữa đầu tư với tăng trưởng kinh tế, bao gồm đầu tư công, đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: ICOR của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 là 6,3; 2016 - 2019 là 6,1, tức là đã giảm đi 0,2; năm 2020 do dịch Covid-19 và thiên tai nên tốc độ tăng GDP giảm xuống dưới 3%, ICOR trên 10,0.

Hệ số ICOR của Việt Nam khá cao, hiệu quả đầu tư rất thấp so với nhiều nền kinh tế trong khu vực, có nguyên nhân khách quan do đang trong giai đoạn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ở vùng sâu, vùng xa và cho xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; nhưng nguyên nhân chủ yếu do sử dụng vốn đầu tư nhất là đầu tư công còn lãng phí, tham nhũng, nhiều công trình tăng vốn, kéo dài thời gian hoàn thành, chậm đưa vào sử dụng.

Tuy ICOR không tính cho từng khu vực kinh tế, nhưng quan sát thực tế cũng có thể khẳng định rằng, đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài có hiệu quả hơn nhiều đầu tư công do được quản lý khoa học, giám sát thường xuyên, kịp thời ứng phó sự cố và tình huống.

Trong 30 năm từ 1991 đến 2020, ICOR của nước ta đã có nhiều năm đạt 3,0- 4,0, mặc dù khoảng 15 năm đầu chủ yếu là đầu tư công bao gồm của nhà nước và của doanh nghiệp nhà nước, đầu tư nước ngoài chiếm 23- 25%, đầu tư tư nhân chiếm dưới 30%. Từ đó có thể khẳng định rằng, theo lý thuyết tăng trưởng nội sinh thì ICOR giai đoạn 2021- 2030 có thể giảm xuống từ 4,0 đến 4,5 (gấp 1,5 lần của Hàn Quốc, Nhật Bản trong thời kỳ công nghiệp hóa) là hiện thực, cần được coi là mục tiêu quan trọng của việc sử dụng vốn đầu tư xã hội; nếu được như vậy, với tỷ lệ vốn đầu tư xã hội/GDP 32-35% thì tăng trưởng GDP đạt 7,5% đến 8,0%/năm.

Thứ hai khảo sát quan hệ giữa tiêu dùng với tăng trưởng kinh tế, bao gồm chi tiêu nhà nước, chủ yếu là tiêu dùng của dân cư.

Với tốc độ tăng trưởng tương đối cao, thu nhập của dân cư tăng ổn định, hình thành tầng lớp trung lưu khá đông, tỷ lệ hộ nghèo giảm liên tục, các dân tộc sinh sống tại vùng sâu, vùng xa được tiếp cận mô hình kinh tế tạo ra thu nhập cao, nên tốc độ tăng tiêu dùng sẽ nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Các ngân hàng thương mại nước ta đang gia tăng tín dụng tiêu dùng, bởi vì cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 11,4% tổng dư nợ của nền kinh tế, trong khi tại nhiều quốc gia con số này là 40%; dư địa để phát triển tín dụng tiêu dùng ở nước ta vẫn còn khoảng 1,5-2 triệu tỷ đồng và còn tăng theo mức tăng của tổng tín dụng của nền kinh tế.

Cho vay tiêu dùng ở Việt Nam rất hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài; nhiều tập đoàn tài chính hùng mạnh đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản như Shinhan Card, Lotte Card, Hyundai Card, Shinsei Bank…đang tìm cách sở hữu công ty tài chính tiêu dùng của Việt Nam.

Trên đây là hai yếu tố chủ yếu có quan hệ đến tăng trưởng kinh tế của nước ta trong trung hạn và dài hạn, cần nghiên cứu và phân tích thực tiễn để tìm ra nguyên nhân và có cách tiếp cận đúng với giai đoạn mới.

Các nhân tố mới

Từ năm 2021 có ba nhân tố mới tác động đến tốc tăng trưởng kinh tế: các FTA thế hệ mới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ.

3.1. FTAs thế hệ mới

Ngày 1/8/2020, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực sau khi đã được Quốc hội của hai bên phê chuẩn. Hiệp định được kỳ vọng thúc đẩy thương mại hai chiều, sự phát triển kinh tế Việt Nam nói chung cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Theo các chuyên gia kinh tế, EVFTA được thông qua đã mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường EU đầy tiềm năng với hơn 500 triệu dân, GDP khoảng 18.000 tỷ USD. Theo tính toán, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với thời điểm chưa có Hiệp định.

Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu các cam kết về cắt giảm thuế quan và phi thuế quan được thực thi triệt để, kết hợp với một số yếu tố có liên quan đến cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, thay đổi chính sách của các nước, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được cải thiện trong cả ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Kết quả tính toán chỉ ra rằng EVFTA góp phần làm GDP tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2020- 2023) và trên 4% các năm sau đó.

Theo báo cáo “Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương: Trường hợp Việt Nam” do Ngân hàng thế giới (World Bank) thực hiện, CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

Báo cáo này cho thấy, tính đến năm 2030, theo các giả định thận trọng, GDP của Việt Nam ước tính sẽ tăng thêm 1,1% sau khi hiệp định CPTPP được ký kết, so với mức tăng 3,6% của TPP-12; nếu giả định mức tăng năng suất vừa phải, tăng trưởng GDP ước tính lên tới 3,5% so với 6,6% của TPP-12.

Theo những thông tin mới nhất, Tổng thống mới đắc cử của Mỹ Joe Biden có thể khôi phục sự tham gia của Mỹ vào CPTPP (TPP-12), bởi vì Mỹ là nước khởi xướng TPP, do vậy quan hệ thương mại và đầu tư của Mỹ với Việt Nam thuận lợi hơn, tác động đến tăng trưởng kinh tế cũng lớn hơn.

3.2. Kinh tế số

Việt Nam được đánh giá là nền kinh tế kỹ thuật số tăng trưởng nhanh nhất ở Châu Á- Thái Bình Dương (APAC), đề ra các mục tiêu đầy tham vọng cho nền kinh tế số, đóng góp 30% GDP vào năm 2030.

Hiện nay nước ta số người sở hữu điện thoại cầm tay trung bình 1,7 máy/người, trong đó 70% dân số sử dụng điện thoại thông minh, 70% thuê bao di động mạng 3G, 4G, 68% người Việt xem video và nghe nhạc trên thiết bị di động, số người truy cập các trang thương mại điện tử chiếm 72%, mua hàng trực tuyến online qua điện thoại chiếm 53% dân số.

Từ năm 2011 đến nay, thương mại điện tử đã có tốc độ tăng trưởng trung bình 25% -30%/năm; năm 2019, doanh thu bán lẻ thương mại điện tử đạt khoảng 10,4 tỷ USD, chiếm 4,92% thị phần bán lẻ (221 tỷ USD), dự tính đạt 50 tỷ USD vào năm 2025, chiếm khoảng 12% doanh thu bán lẻ.

Trong thời gian gần đây đã có một số tập đoàn kinh tế lớn như Viettel, Mobifone, Vingroup, FPT đầu tư xây dựng các Trung tâm nghiên cứu & Phát triển (R&D) quy mô lớn; sự hợp tác giữa các trường đại học, viện nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp đã có bước tiến đáng mừng, số công trình nghiên cứu, bài báo khoa học của nước ta được công bố trên các tạp chí quốc tế tăng lên nhanh chóng.

Nguồn nhân lực chất lượng cao đã được chú trọng đào tạo, từ đầu những năm 70 thế kỷ trước, một số trường đại học tại Hà Nội đã dạy môn học trí tuệ nhân tạo (AI) cho sinh viên, các nhóm nghiên cứu AI đã được duy trì tại Viện Hàn lâm Khoa hoc và Công nghệ, Trường Đai học Bách khoa, Cộng đồng nghiên cứu về Xử lý tiếng nói và Ngôn ngữ tiếng Việt (VLSP). Theo GS.TSKH Hồ Tú Bảo thì “Tính số người Việt làm về AI ở trong và ngoài Việt Nam, cả về số lượng và chất lượng, dường như không có sự khác biệt lớn giữa Việt Nam với Nhật Bản và Hàn Quốc” (Xem sách: “Việt Nam thời đại kinh tế số”, tr. 151).

Google (Mỹ) và Temasek (Singapore) đánh giá kinh tế số của Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD năm 2025. Tổ chức Data 61 (Australia) nhận định nếu chuyển đổi số thành công thì GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm tới.

Kinh tế số không những làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng thêm, mà còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, năng lực cạnh tranh của quốc gia và của doanh nghiệp.

3.3.Kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ

Trong những năm gần đây đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ nếu được nhân rộng tại nhiều địa phương, nhiều ngành, lĩnh vực thì trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam đã có một số mô hình kinh tế tuần hoàn được thực hiện, đem lại hiệu quả nhất định như mô hình khu công nghiệp sinh thái tại Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ, mô hình chế biến phụ phẩm thủy sản (vỏ tôm, đầu tôm) tạo ra Chitosan và SSE.

Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình đã vận dụng sáng tạo các nguyên tắc cơ bản trong nền kinh tế tuần hoàn để tổ chức thực hiện khá thành công trong các khu liên hợp, tự thu gom phế liệu, phế phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn gia súc. Tổ chức chăn nuôi tập trung và chăn nuôi liên kết, sản xuất đệm sinh học làm nền chuồng trại để xử lý phế thải trong chăn nuôi; xử lý triệt để tác nhân gây ô nhiễm môi trường trong cả quá trình tổ chức sản xuất và kinh doanh, góp phần quan trọng cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.

Với quy mô chăn nuôi tập trung 5.000 con trâu, bò trong mỗi khu trại, hàng năm mỗi khu trang trại, khu liên hợp sản xuất đã sử dụng khoảng 30 nghìn tấn phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn chăn nuôi để sản xuất khoảng 25 nghìn tấn phân bón hữu cơ vi sinh.

Công ty đã có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp trong quá trình tiếp cận và giải quyết các vấn đề thường phát sinh trong khâu tổ chức thực hiện, đặc biệt là bài toán chia sẻ lợi ích cho các thành phần và đối tượng liên quan được quan tâm đến mức tốt nhất có thể, do đó họ dễ nhận diện được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong quá trình tham gia chuỗi giá trị sản phẩm.

Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ, tạo ra các sản phẩm sạch, an toàn, được người tiêu dùng đón nhận như rau hữu cơ Thanh Xuân, thịt lợn hữu cơ Bảo Châu (huyện Sóc Sơn - Hà Nội), cam Hàm Yên (tỉnh Tuyên Quang).

Cách đây 3 năm, Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam thông qua Công ty nông sản hữu cơ Quảng Trị đã bắt tay cùng ngành nông nghiệp địa phương đề xuất phương thức trồng lúa hữu cơ chất lượng cao. Nhà đầu tư hỗ trợ giống, phân bón, cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm, mua ngang giá thị trường, bồi hoàn cho nông dân nếu mất mùa, một số HTX ở Quảng Trị đã làm theo. Đến vụ mùa thứ 5 (đông xuân 2018-2019), Quảng trị có gần 109 ha lúa hữu cơ, thu được khoảng 3.000 tấn lúa, giá trị sản lượng gần 24 tỉ đồng, lãi 13 tỷ đồng.

Tuy vậy, hiện nay diện tích đất sản xuất hữu cơ của nước ta mới chiếm 0,7% tổng diện tích đất canh tác, trong khi bình quân thế giới là 4,1%. Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ với quy mô trang trại hàng ngàn ha, công nghệ hiện đại, canh tác theo phương thức tiền tiến, tạo ra sản phẩm hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ không những làm thay đổi tư duy và hành động của con người về một nền sản xuất ít rác thải, không gây ô nhiễm môi trường, không thải khí nhà kính, mà còn góp phần vào tăng trưởng kinh tế bền vững.

Ba kịch bản tăng trưởng

Báo cáo Chính trị (dự thảo) tại Đại hội XIII của Đảng đề ra tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm 2021- 2025 đạt khoảng 6,5- 7,0%/năm.

Tại kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua chỉ tiêu tăng GDP năm 2021 là 6%.

Lịch sử tăng trưởng kinh tế đất nước đã ghi nhận giai đoạn kéo dài 8 năm 1991- 1998 GDP tăng 8,5%/năm; từ 1991 đến 2013 có 12 năm tốc độ tăng GDP (theo giá so sánh) đạt trên 7%, trong đó có 2 năm đạt trên 9% (1995: 9,54% và 1996: 9,34% ) và 9 năm đạt trên 8%.

Một số chuyên gia kinh tế Việt Nam dự báo năm 2021 sẽ là năm khôi phục tốc độ tăng trưởng tương đương năm 2019, từ 2022 đến 2025 tăng dần tốc độ tăng trưởng để đạt nức cao hơn.

Chúng tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta trong giai đoạn 2021- 2025 phụ thuộc vào tình hình thế giới, nhất là ứng phó dịch Covid 19, cùng với thực hiện gián cách xã hội, một số nước bắt đầu tiêm vắc xin phòng dịch và tình hình trong nước chủ yếu là khắc phục khiếm khuyết trong đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, nhất là đầu tư công, giảm dần hệ số ICOR xuống mức hợp lý; tận dụng tiềm năng tăng trưởng tiêu dùng; đồng thời khai thác ba nhân tố mới là các FTA thế hệ mới, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ.

Trên cơ sở lý thuyết tăng trưởng nội sinh của Paul Romer vận dụng vào thực tiễn ba thập niên Việt Nam phát triển theo kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, chúng tôi kiến nghị ba kịch bản tăng trưởng GDP giai đoạn 2021- 2025:

Kịch bản thấp như Báo cáo Chính trị (dự thảo) tại Đại hội XIII: 6,5- 7,0%/năm.

Kịch bản trung bình dựa trên khắc phục một phần khiếm khuyết về đầu tư và tiêu dùng, tận dụng chưa thật sự hiệu quả của các nhân tố mới: 7,5- 8,0%/năm.

Kịch bản cao do nâng cao hiệu quả đầu tư và tiêu dùng, tận dụng tốt các nhân tố mới: 8,5- 9%/năm.

Khi trình bày các kịch bản tăng trưởng, chúng tôi đã tham khảo dự báo của năm tổ chức quốc tế:

Ngân hàng UOB: tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 2,8% năm 2020 và 7,1% năm 2021.

Ngân hàng Standard Chartered: Việt Nam sẽ đạt được tăng trưởng 2,7% năm 2020 và 7,8% năm 2021.

Fitch Solutions: kinh tế Việt Nam có thể bật tăng đạt 8%, giữ vững vị thế quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực ASEAN.

Ngân hàng HSBC: tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 2,6%, năm 2021 đạt 8,1%.

Hãng sếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Rating: tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 đạt 1,9% và năm 2021 đạt 11,2%.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và dài hạn cao hay thấp tùy thuộc vào công cuộc cải cách đồng bộ, liên tục thể chế, bộ máy và con người theo hướng Chính phủ điện tử, Chính phủ số để khơi dậy và nhanh chóng thực hiện khát vọng thịnh vượng của dân tộc.

Cùng chuyên mục
Tin khác