Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đề xuất miễn giảm thuế, chi phí

Trần Lê - 20/08/2021 17:57 (GMT+7)

(VNF) - Ngày 20/8, UBND TP. HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ với đại diện các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn thành phố để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

VNF
Đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ. (ảnh TTBC TP. HCM)

Theo Phó chủ tịch UBND TP. HCM Võ Văn Hoan, dự báo vào đầu tháng 8 của Tổng cục thống kê cho biết tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2021 của thành phố có khả năng âm thay vì dương như năm 2020.

Rất nhiều chỉ tiêu khác để cấu thành GRDP cũng khó đạt được kế hoạch đặt ra. Tất cả ngành kinh tế, từ công nghiệp, xây dựng, thương mại dịch vụ và sản xuất nông nghiệp đều chịu ảnh hưởng mạnh và có chiều hướng giảm sâu so với cùng kỳ.

Hoạt động của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, hàng chục ngàn doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, hàng trăm ngàn lao động bị mất việc làm.

Tại hội nghị, 6 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã trao đổi về những khó khăn, đồng thời đề xuất một số kiến nghị và giải pháp với lãnh đạo TP. HCM về hoạt động sản xuất, tiêm vắc xin, hỗ trợ thủ tục...

Cụ thể, Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ kiến nghị cho phép các đơn vị y tế tư nhân được triển khai tiêm vắc xin; cho phép doanh nghiệp tự test nhanh Covid-19 cho nhân viên và tăng giờ làm để phục hồi sản xuất; hỗ trợ thủ tục cho các chuyên gia thuận tiện đi lại và cắt giảm thời gian cách ly xuống còn 7 ngày cho những chuyên gia đã tiêm đủ liều vắc xin.

Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu đề xuất: sửa đổi mô hình “3 tại chỗ”; đơn giản hoá các thủ tục hải quan để hỗ trợ thông quan nhanh các thủ tục về thuốc và các thành phần phục vụ ngành y tế; đề nghị cho phép lưu thông, vận chuyển hàng hoá không nằm trong danh sách cấm lưu thông theo tinh thần công văn 4482 của Bộ Công Thương trên cơ sở đảm bảo tuân thủ chặt chẽ các điều kiện về phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ thủ tục xin cấp thị thực và giấy phép lao động cho người nước ngoài, đặc biệt là trường hợp tái nhập cảnh của các chuyên gia.

Hiệp hội các doanh nghiệp Đức kiến nghị chỉ áp dụng hình thức 3 tại chỗ tối đa 4 tuần; yêu cầu nhân viên tự cách ly tại nhà 7 ngày (khi từ nhà máy về nhà); ngừng phân biệt các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt đối với nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất và công nghiệp.

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản đề xuất tiếp tục hỗ trợ thủ tục cho các doanh nghiệp, doanh nhân làm việc cũng như hoạt động sản xuất; thực hiện lệnh tạm ngừng hoạt động với thời gian ngắn đối với doanh nghiệp có F0.

Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc kiến nghị có chính sách vận tải rõ ràng giữa các sản phẩm nguyên liệu; xác định cụ thể thời gian dỡ bỏ biện pháp giãn cách xã hội tại các tỉnh/thành; miễn đóng các khoản bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trong thời gian phải tạm ngừng hoạt động theo lệnh giãn cách.

Riêng Hiệp hội doanh nghiệp Singapore đề xuất miễn giảm thuế và các chi phí liên quan đến sản xuất của doanh nghiệp, thống nhất tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệp Covid-19 và thời gian xét nghiệm giữa TP. HCM và tất cả các tỉnh, thành; có quy trình công nhận rõ ràng đối với chứng chỉ tiêm chủng của các quốc gia khác nhau.

Cùng chuyên mục
Tin khác