Cải cách thủ tục hành chính: ‘Những gì dễ chúng ta đã làm rồi, giai đoạn 2020 – 2025 sẽ rất khó khăn’

Lê Nguyễn - 27/05/2020 08:39 (GMT+7)

(VNF) – Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (Vinasme) giai đoạn 2020 – 2025 sẽ là giai đoạn rất khó khăn trong việc cải cách thủ tục hành chính.

VNF
Ông Tô Hoài Nam

Ông Nam cho rằng có 6 lý do khiến giai đoạn 2020 – 2025 trở nên khó khăn hơn trước đó.

Một là động chạm. “Cải cách thì động chạm đến quyền lợi của nhiều người, nhất là cán bộ, công chức”.

Hai là mô hình quản lý của cán bộ công chức của Việt Nam hiện  nay đã không còn phù hợp và tương thích với tư tưởng cải cách của Chính phủ. “Cần phải thay đổi, ta phải làm mọi cách để thay đổi”.

Ba là muốn cải cách thủ tục hành chính thì phải căn cứ vào các quy định pháp luật. Khi pháp luật chưa cho phép thì rất khó cải cách.

“Hiện nay xử lí các xung đột của pháp luật là một vấn đề lớn. Ta có phương pháp là dùng một luật sửa nhiều luật nhưng từ khi nguyên tắc này xuất hiện ta vẫn chưa thu được nhiều kết quả.

“Vì chúng ta còn lúng túng ở 3 điểm. Một là chưa rõ tiêu chí điều kiện cụ thể nào để sửa. Hai là chưa rõ cơ quan đầu mối nào chịu trách nhiệm sửa chữa. Ba là khi gặp tình huống luật chung nhưng luật chuyên ngành chưa theo kịp thì không biết áp dụng thế nào”, ông Nam nói.

Lý do thứ năm được ông Nam nêu ra là tiến trình số hóa còn chậm. “Ta coi trọng việc dùng công nghệ thông tin để xử lí thủ tục hành chính. Đây là quyêt định chính xác, đúng đắn nhưng để phát huy hết thì không thể chỉ một phía mà thành. Muốn phát huy tác dụng thì cộng đồng doanh nghiệp cũng phải số hóa. Nhưng hiện nay ta đang thiếu chính sách khuyến khích doanh nghiệp số hóa”.

Lý do thứ sáu, theo ông Nam, là cấp dưới trong bộ máy chính quyền chưa được tăng tính chủ động.

“Muốn tăng thì phải điều chỉnh mối quan hệ giữa trung ương và địa phương, chính phủ và bộ ngành theo hướng phân quyền nhiều hơn, vì anh cấp dưới muốn chủ động thì phải có quyền, mà có chủ động thì mới có sáng tạo, mới tạo đột phá”, ông Nam nói.

Ông Nam cũng lưu ý một trở ngại nữa là tốc độ cải cách thủ tục hành chính và cải cách hành chính nhà nước không tương thích nhau. Khi có sự chênh lệch giữa hai công tác cải cách, lực níu kéo sẽ xuất hiện và làm giảm hiệu quả cải cách – thực thi.

Đưa ra thêm bình luận về công tác cải cách thủ tục hành chính, vị Phó chủ tịch Vinasme cho hay cộng đồng doanh nghiệp hiểu “cải cách thủ tục hành chính” theo nghĩa rộng hơn Chính phủ. Theo đó, cộng đồng doanh nghiệp hiểu cải cách không chỉ là giảm bớt thủ tục mà còn là việc Chính phủ phải xây dựng các quy phạm để làm chỗ dựa cho các hoạt động kinh doanh mới.

“Bên cạnh đó, doanh nghiệp băn khoăn: liệu còn dư địa nào để xã hội hóa dịch vụ hành chính công không? Và làm sao để có những quy định hài hòa giữa hai cấp, vì có những quy định tốt với trung ương nhưng chưa hẳn tốt với địa phương và ngược lại”, ông Nam nói.

Cùng chuyên mục
Tin khác