Cầm đồ: Lãi cao, phạt nặng, người vay loay hoay giữa vòng xoáy nợ nần

Việt Anh - 07/09/2020 14:37 (GMT+7)

(VNF) - Hiện nay, dịch Covid-19 đang khiến thu nhập của không ít người lao động sụt giảm, thậm chí là thất nghiệp. Nhưng các khoản chi phí hàng ngày không vì đó là thuyên giảm. Để cố gắng "cầm cự" qua ngày, nhiều người đã nhắm mắt, vay liều tại các cửa hàng cầm đồ bằng cách cầm cố tài sản.

VNF
Cầm đồ: Lãi cao, phạt nặng, người vay loay hoay giữa vòng xoáy nợ nần

Cầm đồ: Vòng xoáy nợ nần không lối thoát?

Trong hoàn cảnh thiếu tiền, chưa biết xoay xở ở đâu để đóng tiền viện phí cho người nhà, chị Đ.N.T.N ở quận Hoàng Mai, Hà Nội quyết định mang chiếc xe máy Piaggio cũ đi cầm cố tại một công ty tài chính, cụ thể là cửa hàng thuộc hệ thống cầm đồ của Công ty Cổ phần kinh doanh F88, qua lời quảng cáo hấp dẫn với tiêu đề "cầm đồ kiểu Mỹ" xuất hiện trên internet.

Tại đây, nhân viên của F88 định giá khoản vay của chị N. là hơn 10 triệu đồng, với mức lãi suất cố định 1,1%/tháng (tương đương 13,2%/năm), trả góp trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, sau khi kí hợp đồng, chị N. mới ngã ngửa bởi mức lãi suất thực tế lên tới 8,1%/tháng, tương ứng 97,2%/năm. Trong đó, ngoài lãi suất cố định 1,1%/tháng, F88 đã đưa ra thêm 2 khoản chi phí, đó là phí thẩm định điều kiện vay 1,4%/tháng và phí quản lý tài sản cầm cố 5,6%/tháng.

Như vậy, chị N. phải gánh khoản lãi gộp là 2.700 đồng/triệu/ngày. Với khoản vay 10 triệu đồng, chị N. phải trả 27.000 đồng/ngày, 810.000 đồng/tháng và 9.720.000 đồng/năm.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, cho vay cầm đồ thuộc thỏa thuận dân sự, được xác lập trên cơ sở hợp đồng. Lãi suất cầm đồ do các bên tự thỏa thuận, ghi nhận vào hợp đồng nhưng không được vượt quá lãi suất cho vay quy định tại Điều 468 Bộ Luật Dân sự 2015.

Cụ thể, tại khoản 1, điều 468 Bộ Luật Dân sự đã nêu rõ: "Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". "Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực".

Bên cạnh đó, nếu chiếu theo lãi suất cho vay mà các ngân hàng đang áp dụng, cụ thể cho gói vay tín chấp bằng giấy đăng ký xe máy là từ 18 - 20%/năm, thì mức lãi suất của F88 đưa ra cao gấp 5 lần. Đơn cử, với khoản vay 10 triệu đồng giống như của chị N., tiền lãi cao nhất được ngân hàng áp dụng là 5.600 đồng/ngày, tương đương 2 triệu đồng/năm.

Tuy nhiên, dù khác biệt rất xa về lãi suất nhưng vẫn không ít người dân tìm đến các tiệm cầm đồ, giống như trường hợp của chị N. là bởi họ gặp khó khi tiếp cận gói vay ngân hàng, do thiếu giấy tờ về mặt pháp lý, hoặc không thể chờ thủ tục xét duyệt của ngân hàng trong khi nhu cầu chi tiêu đang rất gấp gáp.

"Quả thật không có ai đặt tiền vào tay mình bắt vay, là do mình tự nguyện. Tôi là dân lao động tay chân nên việc lãi suất tôi không nắm rõ, chỉ hiểu theo lời tư vấn của nhân viên là 27.000 đồng lãi cho mỗi ngày. Mà quan trọng hơn nữa là tôi được nhận tiền ngay để trang trải cho người nhà đang nằm viện", chị N. ngậm ngùi chia sẻ.

Đổi lấy khoản lãi "trên trời", nhưng được tiếp cận nguồn vốn vay nhanh chóng là quyết định của chị N. tại thời điểm đó. Thế nhưng, có một điều chị N. không lường trước được, đó là sự bùng phát của dịch Covid-19, khiến công ty của chị phải cắt giảm giờ làm, đồng nghĩa với việc thu nhập của chị N. bị sụt giảm.

"Tôi bắt đầu khoản vay từ tháng 6 năm 2019, đến tháng 2 năm nay thì lương của tôi bị cắt giảm, mặc dù đã cố gắng tiết kiệm chi tiêu hàng ngày, nhưng với những khoản cố định như tiền thuốc men cho người nhà, tiền học cho con lại không thể tiết giảm nổi... Vì vậy, tôi lâm vào tình trạng không thể đóng tiền lãi vay đúng hạn cho F88. Và việc này đã làm tôi phải thêm chịu một khoản phạt hàng trăm nghìn đồng mỗi tháng..., kể từ đó tôi mới nhận ra, bản thân đang trong một vòng luẩn quẩn, cứ tháng này qua tháng khác, mức tiền phạt càng làm tôi khó xoay xở hơn. Cuối cùng, tôi buộc lòng vay mượn thêm từ bạn bè, đồng nghiệp để thanh toán dứt điểm khoản vay này", chị N. đãi đằng.

Chị N. chia sẻ thêm, trong hợp đồng, F88 sẽ thu thêm một khoản phí phạt nếu như khách hàng chậm nộp lãi tháng. Với khoản vay 10 triệu của chị N, mức phạt này là 100.000 đồng cho mỗi ngày chậm nộp. Điều này có nghĩa, nếu như chị N. chậm nộp tiền 3 ngày, thì chị N. phải đóng thêm 300.000 đồng cho F88, bằng 37% số lãi hàng tháng chị đang phải gánh (810.000 đồng/tháng).

Theo tìm hiểu, Khoản 5 Điều 466 Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay, theo đó, nếu bên vay chậm trả hoặc trả không đầy đủ thì phải trả lãi với mức lãi suất "bằng 150% lãi suất vay trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả".

Trong hợp đồng giữa chị N. và F88, mức lãi suất cố định được quy định là 1,1%/tháng, vì vậy đáng lý ra mức phạt này chỉ là 3.667 đồng/ngày, tương đương 11.000 đồng cho 3 ngày quá hạn, chứ không thể lên đến 300.000 đồng như hiện nay.

Mức lãi suất thực của F88 đang áp dụng còn... cao hơn của các cửa hàng cầm đồ nhỏ lẻ, hay còn được gọi là "tín dụng đen".

Trong vai người cần tiền, PV của VietnamFinance đã đến cửa hàng cầm đồ trên đường Trương Định, quận Hoàng Mai để cầm cố chiếc xe Air Blade. Nhìn chiếc xe cũ kĩ, chủ tiệm cầm đồ này đồng ý cho cầm với mức giá 10 triệu đồng, lãi suất là 2.000 đồng/triệu/ngày.

Chủ tiệm cầm đồ này cho biết, vì là xe chính chủ nên thủ tục rất nhanh, khách hàng (PV) chỉ cần cung cấp ảnh chụp hộ khẩu, để lại chứng minh thư và đăng ký xe là có thể nhận tiền.

"Cứ 10 ngày, em qua đóng tiền lãi cho bên anh. Đến sát ngày đóng lãi, sẽ có người liên lạc nhắc nhở, em yên tâm là em không quên được đâu", người này nói thêm.

Tại sao vẫn tồn tại mức lãi suất "cắt cổ" người vay?

Nhằm cung cấp cho độc giả cái nhìn khách quan hơn về mức lãi suất của các công ty tài chính nói chung và F88 nói riêng, VietnamFinance đã liên hệ và đặt câu hỏi với đại diện của Công ty Cổ phần kinh doanh F88, tuy nhiên đến nay vẫn không nhận được câu trả lời.

Vì vậy, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi ngắn với một chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đó là luật sư La Văn Thái để làm rõ hơn vấn đề nêu trên.

Theo luật sư La Văn Thái, không chỉ Bộ Luật Dân sự năm 2015 mà Ngân hàng Nhà nước cũng quy định rất rõ về mức phạt chậm nộp, hay còn gọi là lãi quá hạn, sẽ bằng 150% lãi trong hạn. Trong trường hợp của khách hàng N. và F88, lãi trong hạn được quy định tại hợp đồng là 1,1%/tháng thì lãi quá hạn sẽ là 1,65%/tháng, tức là cộng thêm 0,55%.

"Trong trường hợp khách hàng chậm trả lãi và gốc thì lãi suất quá hạn sẽ tự động tăng thêm 150%, theo đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước", ông Thái cho biết.

Như vậy, có thế thấy mức lãi suất mà F88 đang áp dụng là có dấu hiệu không tuân thủ theo quy định pháp luật. Trong trường hợp của chị N., mỗi ngày chậm nộp tiền lãi chị phải chịu 100.000 đồng/ngày, tương ứng mức lãi 1%/ngày và 30%/tháng, cao hơn rất nhiều so với quy định.

"Tôi cho rằng, mức phạt này của F88 nói riêng và công ty tài chính nói chung không khác gì "côn đồ", dân xã hội đen", ông Thái nhận định.

Cũng theo ông Thái, xảy ra hiện tượng lãi suất "cắt cổ" này là do các công ty tài chính đang dựa vào kẽ hỡ của pháp luật. Bởi vì hoạt động cầm đồ là một giao dịch dân sự và Nhà nước tôn trọng tối đa quyền tự do thỏa thuận của các bên, nên vẫn thiếu vắng các hướng dẫn cụ thể, chi tiết và chặt chẽ với các quy định pháp luật. Điều này dẫn tới hiện tượng lách luật, biến tướng thành tín dụng đen một cách công khai, nhưng rất khó xử lý.

Đặc biệt, hiện nay vẫn chưa có quy định cụ thể về tính lãi suất thực tế trong hoạt động cầm đồ. Vì vậy, các tiệm cầm đồ thường tách thành lãi suất cố định và các loại phí, nhằm qua mặt lực lượng chức năng.

"Hầu hết các công ty tài chính, tiệm cầm đồ đều đưa ra các loại chi phí "trên trời, dưới biển" để đối phó với hoạt động thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước. Các công ty tài chính này sẽ tính toán làm sao cho khoản lãi thực tế thu về rất lớn, nhưng lãi suất trong hợp đồng thì vẫn bảo đảm theo quy định pháp luật là dưới 20%/năm. Đây là chiêu bài mà họ vẫn áp dụng", ông Thái cho biết.

"Theo tôi, hoạt động cầm đồ, tín dụng đen cần phải được kiểm soát ngay bởi nếu không sẽ tạo ra một hệ lụy rất lớn. Đặc biệt là phát sinh ra việc xử lý nợ, nợ xấu do các công ty tài chính này sử dụng xã hội đen, gây ra những tan thương cho người vay và cho cả xã hội... Đơn cử như vụ khách hàng của một công ty tài chính tự tử gần đây, hay như vụ Nông Văn Tú (Thái Nguyên) nổ súng khiến 2 người thương vong, cũng chỉ vì lý do nợ nần", ông Thái nói thêm.

Luật sư La Văn Thái cho rằng, để ngăn chặn các hình thức "tín dụng đen", cơ quản quản lý nhà nước cần có thêm văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ cho riêng lĩnh vực này, cần quy định rõ ràng là mọi chi phí có trong khoản vay cầm đồ đều được tính là lãi suất, chứ không phải chi phí ngoài lãi, bên cạnh đó cũng đặt ra trần lãi suất cụ thể.

Quan trọng hơn, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng thêm khả năng tiếp cận vốn cho người dân và có chế tài xử phạt nghiêm minh đối với hành vi cho vay nặng lãi. Đồng thời nâng cao kiến thức, hiểu biết của người dân về dịch vụ cầm đồ, tín dụng, giúp người dân nhận diện được các "tín dụng đen", các mức lãi suất vượt quy định pháp luật.

Cùng chuyên mục
Tin khác