'Cần giám định làm rõ xem ông Vũ có bị chứng hoang tưởng không?'

Lê Ngà - 13/06/2019 22:19 (GMT+7)

(VNF) - "Riêng về nghi vấn sức khỏe tâm thần ông Vũ không bình thường, nghi vấn ấy cần được giám định để làm rõ xem ông Vũ có bị chứng hoang tưởng không", đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.

VNF
Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã "ồn ào" trở lại sau khi cả hai bên liên tục có phát ngôn trên mặt báo trong những ngày qua.

Bên lề vụ ly hôn nghìn tỷ này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi nhanh với đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội.

- Vấn đề gây tranh cãi nhất trong vụ ly hôn này là phân chia tài sản. Theo ông, tài sản chung của vợ chồng phải được xem xét phân chia như thế nào?

Hệ quả của việc ly hôn là vấn đề chia tài sản, nghĩa vụ chăm sóc con cái. Luật hôn nhân và gia đình và các quy định trong Bộ Luật Dân sự về tài sản của các bên trong hôn nhân giữa vợ và chồng đã phân chia thành hai loại.

Loai thứ nhất là tài sản riêng, tài sản này có được do người đó tự tạo ra trước khi kết hôn. Tài sản riêng đó có thể trở thành tài sản chung nếu như hai vợ chồng cùng thỏa thuận sáp nhập, hợp nhất. Việc khai thác giá trị sinh lợi từ tài sản riêng đó được tách bạch ra.

Trong vụ này, tài sản chung đó được xác định như thế nào và quá trình hình thành nên Trung Nguyên công sức đóng góp mỗi bên ra sao, phải làm rõ ra. Nếu hai vợ chồng cùng ý chí lập nên Trung Nguyên thì mỗi bên có đóng góp theo trách nhiệm của mình để phát triển doanh nghiệp này.

Luật Hôn nhân và gia đình quy định cho dù phân công lao động trong gia đình là khác nhau nhưng tài sản được tạo ra đều được tính là tài sản chung của vợ và chồng.

Như vậy, vai trò của ông Vũ và bà Thảo là bình đẳng. Đừng nghĩ anh là chồng thì quyền lợi lớn hơn một người vợ chăm con. Chưa kể, trong việc này bà Thảo vừa là người “nội tướng” của Trung Nguyên vừa một tay chăm sóc 4 người con trưởng thành.

Nhớ rằng, luật pháp bảo vệ chặt chẽ điều này, không thể đễ dàng bỏ qua. Đấy là lý do vì sao Luật Hôn nhân và gia đình luôn coi trọng sự bình đẳng của hai bên.

Khi chia tài sản phải dựa trên cơ sở quan trọng nhất đó là tài sản chung của vợ chồng, tài sản này phải chia đôi và mỗi bên đều có quyền định đoạt phần tài sản của mình.

Nếu anh chia bên này hơn, bên kia kém thì anh phải chứng minh được cơ sở của việc ra phán quyết ấy đã dựa trên các nguyên tắc và căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn. 

Việc chia trước đây chưa thuyết phục nên mới có kháng cáo, vì vậy ở phiên tòa phúc thẩm phải khắc phục triệt để những vấn đề đã nêu. 

Về nguyên tắc cơ bản là chia đôi.

- Trong vụ ly hôn cũng xuất hiện thông tin tố cáo về âm mưu thôn tính Trung Nguyên. Theo ông, ai là người chịu trách nhiệm xác minh, điều tra tố cáo này?

Đây là một điểm đáng lưu ý. Trước hết cần xem thông tin này có thật hay không. Nghĩa vụ chứng minh là 2 bên đương sự cần xuất trình chứng cứ; mặt khác, các cơ quan chức năng cần vào cuộc.

Các khiếu nại của bà Thảo gồm: việc áp đặt của thẩm phán, không tuân theo trình tự tố tụng, không xem xét đến yếu tố giám định tài sản, không xem xét giám định sức khỏe tâm thần của ông Vũ… Những việc này cần xem xét cho kỹ, không tin theo một phía để đưa ra một quyết định, phán xét một bản án chưa có tính  thuyết phục như vậy.

Riêng về nghi vấn sức khỏe tâm thần ông Vũ không bình thường, nghi vấn ấy cần được giám định để làm rõ xem ông Vũ có bị chứng hoang tưởng không? Hoặc, cần có kiểm chứng về khả năng siêu phàm của ông này bằng các thí nghiệm cụ thể.

- ​Dư luận cũng đề cập đến chuyện liệu có hay không sự thiên vị và khuất tất của thẩm phán xét xử vụ sơ thẩm?

Theo quy định của pháp luật thì nội dung này mang tính tố cáo, mà tố cáo phải có chủ thể tố cáo. Dư luận có thể đặt ra nhưng đấy không phải chủ thể chính thức mà chủ thể chính thức đây là các bên có liên quan.

Trong việc này, bà Thảo đã tố cáo còn nghĩa vụ chứng minh thì người đứng ra tố cáo lẫn các cơ quan chức năng phải vào cuộc chứng minh xem việc tố cáo đó có đúng hay không, có sự thiên vị hay không.

Rõ ràng là ngay người không có liên quan quan tâm đến việc này cũng đặt câu hỏi vì sao 90% đề xuất của ông Vũ được chấp nhận trong khi đó các kiến nghị của bà Thảo lại chấp nhận một cách khiêm tốn như thế? Liệu có sự thiên vị hay không?

Rõ ràng là nội dung này không chỉ là nghi vấn đơn thuần. Nếu như một trong các bên liên quan có đơn tố cáo thì trách nhiệm xác minh làm rõ là các cơ quan chức năng. Thậm chí các cơ quan tư pháp phải vào cuộc để điều tra làm rõ có hay không những tiêu cực trong vụ này.

- Truyền thông cũng đề cập đến những dấu hiệu bất bình đẳng khi chủ tọa phiên tòa khuyên bà Thảo là phụ nữ về lo cho gia đình, để công ty cho chồng quản lý...

Tôi nghĩ rằng nếu là khuyên một người bạn thì được còn là chủ tọa phiên tòa như vậy là không đúng.

Anh đang ở cương vị là chủ tọa phiên tòa thì anh có hai công việc, một là anh góp phần làm tích cực hơn quá trình hòa giải (nếu như hòa giải ở cơ sở không thành); hai là anh phải đánh giá thông tin được tường minh và dẫn chiếu các quy định của pháp luật thật chính xác.  Đó mới là lời khuyên của chủ tọa phiên tòa chứ không phải khuyên hay dạy bảo như con cháu, bạn bè trong trường hợp này được.

Xin cảm ông về cuộc trò chuyện này!

Xem thêm: Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: 'Qua đâu có bị gì mà bà Thảo phải cứu'

Cùng chuyên mục
Tin khác