CEO PNJ Lê Trí Thông nêu 3 chiến lược mới lên ngôi 'hậu Covid'
Vĩnh Chi -
15/09/2022 15:07 (GMT+7)
(VNF) - Ông Lê Trí Thông, CEO Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ: “Các mô hình làm việc và phương thức kinh doanh linh hoạt, bền vững hơn là chìa khóa giúp các công ty giải quyết thực tế của ngày hôm nay và những thách thức của ngày mai”.
Khi đại dịch Covid-19 chưa dứt, thế giới lại nổ ra những cuộc chiến tranh, lạm phát và hàng loạt dấu hiệu suy thoái kinh tế - môi trường khiến mọi thứ đảo lộn. Bên cạnh các hoạt động thích ứng mạnh mẽ từ các cơ quan chính phủ, mỗi doanh nghiệp cần có động thái phù hợp với chuỗi biến động khôn lường.
Trong đó, hành động tái tạo cơ cấu cũng như sáng tạo mới lại nguồn lực nội tại sẽ tạo thêm cơ hội & động lực giúp các doanh nghiệp sinh tồn. Vậy đâu là bước đi tiếp theo của các nhà lãnh đạo trên hành trình tái tạo tổ chức?
Theo các chuyên gia kinh tế, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp đang đi theo mô hình chữ K - cho thấy chỉ một vài ngành đi lên, các ngành khác vẫn có nguy cơ suy thoái.
Trên thế giới, khả năng mua sắm của khách hàng không còn tự tin như lúc trước. Sức mua của khách hàng giảm chỉ còn 50% so với khả năng tài chính của họ. Đầu năm 2022, doanh thu của ngành bán lẻ và thực phẩm, giảm mạnh, xuống dưới 0%. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3,7% vào năm 2022.
Trong khi đó, Việt Nam có GDP tăng từ tháng 4/2022, dự đoán GDP quý III đạt 10% - 11%. Tất cả thành phần chủ chốt của nền kinh tế đều tăng trưởng dương, đặc biệt là các ngành dịch vụ tăng trưởng gần 18% trong sáu tháng đầu năm. Ngành du lịch được xem là ngành có sức phục hồi nhanh chỉ sau một thời gian ngắn.
“Vào tháng 8/2022, doanh số bán lẻ, dịch vụ tăng trưởng mạnh tăng 50% so với đầu kỳ năm ngoái, du lịch phát triển, lạm phát đang trong mức kiểm soát mở ra một bức tranh tiềm năng cho nền kinh tế vĩ mô Việt Nam”, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC Việt Nam chia sẻ tại hội nghị nhân sự Việt Nam 2022 do Câu lạc bộ Nhân sự (VNHR) tổ chức.
Vấn đề được đặt ra lúc này là từ các biến động của thị trường, đâu là những chiến lược kinh doanh mới mà doanh nghiệp cần cập nhật kịp thời?
Ông Lê Trí Thông, CEO Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chia sẻ: “Các mô hình làm việc và phương thức kinh doanh linh hoạt, bền vững hơn là chìa khóa giúp các công ty giải quyết thực tế của ngày hôm nay và những thách thức của ngày mai”.
Đặc biệt, ông Thông nhấn mạnh, “chiến lược kinh doanh đơn giản như làm vật lý lớp 10”. Để dễ hiểu hơn, ông Thông chỉ ra ba chiến lược mới lên ngôi.
Thứ nhất là chiến lược tăng và giảm m (m: khối lượng ~ quy mô công ty). Trong đó, tăng m là hoạt động phát triển mở rộng quy mô và lĩnh vực kinh doanh; giảm m là thu hẹp quy mô công ty – tập trung – rút lui.
Thứ hai là chiến lược tăng và giảm h (h: độ cao ~ vị thế thị trường). Trong đó, nâng cao h là hoạt động chiếm lĩnh thị phần – nâng cao vị thế cạnh tranh.
Thứ ba là chiến lược tăng và giảm v (v: vận tốc ~ tốc độ tăng trưởng). Trong đó, tăng v là các hoạt động tăng tốc - bứt phá – chiếm lĩnh thị trường; giảm v là giảm tốc để chấn chỉnh – thu mình trước “cơn bão”.
Bên cạnh đó, tư duy của những nhà lãnh đạo ở từng cấp bậc và ở từng chiến lược cũng được ông Thông phân tích cặn kẽ.
Khi CEO cân nhắc cho việc “làm sao có đủ nguồn lực để cấp đủ cho việc mở rộng mặt trận và 'tăng cân'” thì một giám đốc nhân sự sẽ cần nghĩ đến “nguồn nhân lực phải đi trước một bước cho kế hoạch tăng cân lớn lên”. Hoặc khi CEO bàn đến “cơ hội tăng trưởng ở đâu? làm sao để có thể chinh phục và chiếm lĩnh”, lúc đó giám đốc nhân sự đã phải thảo luận về “cơ chế đãi ngộ, khuyến khích, chia sẻ giá trị để gắn bó lâu dài”.
“Làm sao tối ưu hoá vận vành nhưng không ảnh hưởng tới lòng quân là bài toán mà CEO cần các giám đốc nhân sự đồng hành”, ông Thông nói.
Bên cạnh mô hình K dự báo kinh tế để đưa ra chiến lược tổng thể của ông Thông, bà Tiêu Yến Trinh, CEO Talentnet, gợi mở mô hình làm việc trong tương lai, dựa vào báo cáo nhân tài và thực trạng hiện tại. Theo đó, doanh nghiệp không còn vận hành như một cỗ máy mà được tổ chức linh hoạt như một thực thể sống động.
Trước đây, các nhà lãnh đạo vận hành con người như một cỗ máy với: hướng dẫn chi tiết; quan điểm “bó hẹp”; “cục bộ”; quản trị từ trên chỉ thị xuống dưới. Việc quản lý chỉ đưa ra định hướng và tạo điều kiện thực thi; thay đổi nhanh, nguồn lực linh hoạt; đội nhóm chịu trách nhiệm từ đầu đến cuối, tập trung vào hành động… sẽ là cách làm việc mới, đem đến nhiều ưu điểm vượt trội hơn.
Ngoài ra, thay vì làm việc cho doanh nghiệp, nhân sự muốn doanh nghiệp làm việc cùng với họ. Chính vì vậy, mô hình làm việc trong quan hệ đối tác đang có xu hướng lên ngôi. Dự đoán 81% nhân viên có nguy cơ kiệt sức vào năm 2022 (tăng từ 63% vào năm 2020). Doanh nghiệp cần chú trọng quan tâm đến nhân viên hơn bao giờ hết.
Bên cạnh đó, phát triển năng lực làm việc cho nhân viên thông qua việc đẩy nhanh các kế hoạch để xây dựng tổ chức dựa trên kỹ năng, đảm bảo các kế hoạch tương lai công việc là một trong những hoạt động doanh nghiệp nên ưu tiên triển khai. Cuối cùng, khai thác năng lượng tập thể cũng là phương án hữu hiệu để gia tăng trải nghiệm của nhân viên và thu hút nhân tài chất lượng cho công ty.
Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch VNHR nhận định: “Để doanh nghiệp sinh tồn và vươn mình lên trong bối cảnh hỗn loạn, dễ đứt gãy hơn bao giờ hết, chúng tôi tin rằng: đây là thời đại của tái tạo (Reinvent). Đã đến lúc các nhà lãnh đạo cần tái tạo tổ chức từ gốc, thiết kế lại từ tư duy, chiến lược, quy trình và cả nguồn nhân lực. Chính điều đó đã truyền cảm hứng cho Hội nghị Nhân sự Việt Nam năm nay có chủ đề: Tái tạo tổ chức - Bứt phá thành công - Reinvent to grow".
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone