Chi phí chiến sự tăng cao, Nga đẩy nhanh các biện pháp khắc phục kinh tế

Hải Đăng - 09/10/2024 10:30 (GMT+7)

(VNF) - Việc Ngân hàng Trung ương Nga liên tục tăng lãi suất và có khả năng tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong tháng này cho thấy tác động liên tục của chiến sự và những hệ luỵ đối với nền kinh tế Nga.

Lạm phát cao và đồng rúp giảm mạnh

Vào ngày 13/9, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng lãi suất chuẩn thêm 100 điểm cơ bản lên 19%. Nhưng với lạm phát vẫn ở mức cao, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, không loại trừ khả năng khi ngân hàng này họp lại vào ngày 25/10, lãi suất sẽ tăng lên 20%, tức mức cao nhất kể từ khi chiến sự nổ ra.

"Cuộc chiến đang bắt đầu ảnh hưởng đến nền kinh tế", ông Timothy Ash, chiến lược gia cấp cao tại quỹ quản lý tài sản BlueBay Asset Management, nhận định.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina

"Những nỗ lực gần đây của phương Tây nhằm thắt chặt các lệnh trừng phạt thứ cấp và các lệnh trừng phạt đối với Sở Giao dịch Moscow, thị trường chứng khoán chính của Nga, đang khiến Nga ngày càng khó khăn và tốn kém hơn trong giao dịch quốc tế", ông nói với Newsweek.

Vào tháng 6, Ngân hàng Trung ương Nga nêu rõ sẽ đình chỉ các giao dịch và công cụ thanh toán bằng USD và euro, do Mỹ áp đặt các biện pháp hạn chế đối với Sở Giao dịch Moscow.

Động thái này có nghĩa là các ngân hàng, công ty và nhà đầu tư sẽ không thể giao dịch một trong hai loại tiền tệ thông qua một sàn giao dịch trung tâm, nơi mang lại những lợi thế như thanh khoản và giám sát tốt hơn.

Thay vào đó, họ sẽ phải giao dịch qua quầy, nơi các giao dịch được thực hiện trực tiếp giữa hai bên. Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ sẽ sử dụng dữ liệu từ các giao dịch đó để thiết lập tỷ giá hối đoái chính thức.

Kể từ đó, đồng rúp của Nga đã mất giá hơn 17% so với đồng nhân dân tệ, 15% so với đồng USD và 10% so với đồng euro.

"Việc tăng lãi suất, khai thác dự trữ ngoại hối và đồng rúp suy yếu đều cho thấy áp lực lên cán cân thanh toán của Nga. Nền kinh tế Nga đang quá nóng vì chiến sự, và điều này đang tạo ra sự mất cân bằng và thiếu hụt ngoại hối", ông Ash nhận định.

Trong khi Nga cho biết dự báo tăng trưởng GDP của nước này trong năm nay là 3,9%, thì lạm phát trong tháng 8 được ghi nhận lên tới 9%, gấp 2,5 lần so với mục tiêu 4%.

Loay hoay ứng phó

Trong một bài viết cho Project Syndicate, nhà kinh tế học người Nga Konstantin Sonin, giáo sư tại Trường Chính sách Công Harris thuộc Đại học Chicago, đã viết rằng việc tăng chi tiêu cho chiến sự "rõ ràng là không bền vững về lâu dài" và tốc độ tăng trưởng tiền lương nhanh là nguyên nhân gây lo ngại.

Ông viết rằng kỳ vọng lạm phát liên tục ở mức cao đã ngăn cản Ngân hàng Trung ương Nga cắt giảm lãi suất và các khoản tín dụng được trợ cấp để hỗ trợ sản xuất quân sự "thực chất là sự chuyển giao tài sản của người nộp thuế cho chủ sở hữu các doanh nghiệp công nghiệp quân sự".

Điều này có nghĩa là lãi suất thị trường đang đóng vai trò ngày càng giảm và "cùng với thị trường lao động thắt chặt, đang hạn chế khả năng của Ngân hàng Trung ương trong việc chống lại tình trạng tăng giá do các yếu tố như lệnh trừng phạt thương mại hoặc giá dầu thế giới tăng", ông nói thêm.

Ông Vasily Astrov, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna, cho biết kỳ vọng lạm phát đã buộc Ngân hàng Trung ương phải hành động bất chấp những dấu hiệu gần đây cho thấy lạm phát ngày càng bị chi phối bởi các yếu tố về phía cung nằm ngoài tầm kiểm soát của ngân hàng.

"Tôi cho rằng một trong những yếu tố đó là giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng do những vấn đề liên tục về thanh toán với Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ... vì lo ngại lệnh trừng phạt thứ cấp của Mỹ", ông Astrov nhận định. Vị chuyên gia nhấn mạnh thêm rằng điều này đã buộc các giao dịch phải chuyển sang "các bên trung gian đắt đỏ".

Ngoài ra, phương tiện truyền thông nhà nước Nga đưa tin vào tháng trước rằng Ngân hàng Trung ương đang xem xét tăng hạn mức quản lý đối với lãi suất tối đa của trái phiếu thứ cấp từ 15%.

Ông Grzegorz Drozdz, nhà phân tích thị trường tại Invest.Conotoxia.com, cho biết: "Chi phí vay cao đang hạn chế các ngân hàng phát hành trái phiếu thứ cấp với lãi suất tối đa là 15%, vốn là nguồn vốn quan trọng".

"Các ngân hàng muốn phát triển đang thấy khó khăn khi cung cấp những trái phiếu này vì các khoản đầu tư thay thế mang lại lợi nhuận tốt hơn", ông nói với Newsweek Ông cho biết việc sửa đổi các giới hạn này "có thể có tác động đáng kể đến lĩnh vực ngân hàng, nhưng tác động ít hơn đến tỷ giá hối đoái đồng rúp so với những thay đổi về lãi suất".

Vào tháng 8, lượng vàng trong dự trữ của các ngân hàng Nga đã giảm 10% (tương đương 5,7 tấn), theo hãng thông tấn nhà nước Interfax. Tuy nhiên, vàng chiếm 29% dự trữ của Ngân hàng Trung ương Nga, nơi nắm giữ khoảng 2,34 tấn kim loại quý, và cũng là nơi trú ẩn an toàn trong thời kỳ kinh tế hỗn loạn.

"Giá vàng đã tăng 27% kể từ đầu năm do căng thẳng địa chính trị", ông Drozdz cho biết. "Lợi nhuận từ mức tăng này sẽ được đưa vào ngân sách nhà nước vào năm tới, điều này có thể củng cố vị thế của đồng rúp", vị chuyên gia nhấn mạnh thêm.

Theo News Week
TT Putin tung 'quân bài' mới, phương Tây đối mặt thêm 1 mối đe dọa

TT Putin tung 'quân bài' mới, phương Tây đối mặt thêm 1 mối đe dọa

Tài chính quốc tế
(VNF) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay Nga đang cân nhắc sẽ cắt giảm các nguyên liệu thô quan trọng như uranium, titan và niken tới phương Tây. “Mối đe dọa” mới này được đánh giá là rất đáng kể vì Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu những nguyên liệu thô này từ Nga với số lượng lớn.
Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.